Văn minh hàng không

100 năm phi trường Tân Sơn Nhất - Hành trình lịch sử qua từng trang sách

Nam Bình 02/05/2025 06:08

Cuốn sách "100 năm phi trường Tân Sơn Nhất" khởi đầu từ những bài báo về chủ đề này, tác giả đã dành hơn 1.000 ngày nghiên cứu, tìm kiếm và phỏng vấn các nhân chứng lịch sử để kể lại chặng đường dài của phi trường lớn nhất Việt Nam.

Phi trường Tân Sơn Nhất trước 1975. Ảnh tư liệu.
Phi trường Tân Sơn Nhất trước 1975. Ảnh tư liệu.

"Khi đi gặp các nhân chứng và tìm kiếm tư liệu, tôi càng ngày càng thấy có nhiều điều thú vị chưa ai biết. Từ đó, tôi quyết định phải viết thành sách", nhà báo Quốc Việt chia sẻ.

Mới đây, nhà báo Quốc Việt đã có buổi chia sẻ với bạn đọc về hành trình hơn 1.000 ngày tìm tòi, kể lại câu chuyện của 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất, nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 – 30/4/2025. Tạp chí Hàng không ghi lại nội dung buổi chia sẻ!

Phi trường Tân Sơn Nhất: Nơi chứa cả câu chuyện dài của đất nước

- Trải qua 100 năm hình thành và phát triển, phi trường Tân Sơn Nhất chứng kiến bao sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Vậy, nguồn cảm hứng nào khiến ông cất công tìm tài liệu và viết cuốn sách về 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất?

- Trong hành trình làm báo, tôi cũng có những cái dịp tới đây tác nghiệp. Đến dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất, tôi bắt đầu chuẩn bị một loạt bài báo cho sự kiện này.

Trong quá trình đi gặp gỡ các nhân chứng rồi tra tư liệu…, càng ngày tôi càng thấy có nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng biết. Cho tới bây giờ thì đây vẫn là cuốn sách duy nhất theo tôi biết viết về phi trường này, mặc dù đây từng là một phi trường lớn nhất Đông Nam Á.

4.jpg
Tác giả Quốc Việt (bên phải) tại buổi giao lưu với bạn đọc một ngày cuối tuần tháng 4/2025. Ảnh: Trần Khánh.

Trong quá trình đi tìm tư liệu, tôi thấy Tân Sơn Nhất không chỉ đơn giản là một sân bay, không chỉ là nơi để cho máy bay cất cánh lên xuống mà ở đó là cả một giai đoạn dài của lịch sử dân tộc.

Nơi đây chứng kiến vận mệnh của đất nước mình, nơi người Pháp đến rồi đi, người Nhật đến, rồi người Nhật ra đi, rồi người Mỹ đến, người Mỹ ra đi… Trải qua các cuộc chiến tranh Chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai rồi những cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc… Sân bay này như là một nhân chứng với biết bao nhiêu câu chuyện ở đó!

5(1).jpg

Trên từng tấc đất Tân Sơn Nhất là bao máu xương người Việt hôm qua. Trên từng đá sỏi rêu phong hay vỏ đạn còn chìm khuất đâu đó là bao câu chuyện lịch sử cần phải được kể lại, nhắc nhở chân xác cho mai sau...

Nhà báo Quốc Việt - Tác giả sách 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất

Đó là lý do khiến tôi quyết tâm viết lại cuốn sách này, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn. Trong vòng hơn 2 năm tiếp cận và thu thập tài liệu, càng ngày tôi càng bị càng cuốn hút bơi câu chuyện của phi trường Tân Sơn Nhất.

Đặc biệt là trong quá trình làm sách, tôi vẫn thỉnh thoảng đi lại giữa sân bay này, vẫn từ Tân Sơn Nhất đi đến nhiều nơi khác trên khắp Việt Nam. Tức điều thú vị là ở chỗ mình đang viết về lịch sử nhưng lại là một địa chỉ lịch vẫn đang còn tồn tại, vẫn đang phát triển và hướng tới tương lai.

Sau này, khi TP.HCM phát triển, được sáp nhập và mở rộng ra, hướng ra biển nữa, rồi có thêm sân bay Long Thành…thì sân bay Tân Sơn Nhất vẫn có một sứ mệnh đặc biệt đối với sự phát triển của thành phố.

- Cuốn sách không chỉ đưa bạn đọc ngược dòng lịch sử trở về 100 năm trước của phi trường Tân Sơn Nhất mà còn trở về với lịch sử của những đội bay, những chiếc máy bay đầu tiên tại Việt Nam, những phi công người Pháp đầu tiên đã đến với Việt Nam như thế nào… Vậy, ông đã mất bao lâu cho hành trình đi tìm tư liệu để kể lại câu chuyện của phi trường Tân Sơn Nhất trong suốt chặng đường kéo dài đến 100 năm?

- Từ những bài báo trên tờ Tuổi Trẻ cho tới khi hoàn thành cuốn sách này, tôi mất khoảng hơn 3 năm. Cái khó của quá trình viết cuốn sách là câu chuyện quá dài, cả hơn 100 năm. Thứ nữa là chưa có cuốn sách nào trước đó, và cũng chưa có một công trình nghiên cứu nào về chủ đề này cả.

Ngoài ra, những tài liệu cũ chủ yếu bằng tiếng Pháp, tiếng Anh hầu như không nhiều. Do đó, tôi cũng đã gặp những khó khăn về chuyển ngữ. Cái khó lớn nữa là mình phải tìm ra sự thật.

TSN 2
Phi trường Tân Sơn Nhất trước 1975. Ảnh tư liệu.

Như về tên của sân bay này, nguyên bản là Tân Sơn Nhứt, là tên của một làng cổ thuộc phía Bắc Sài Gòn thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định xưa Làng này đã có tên trên bản đồ từ thế kỷ 19.

Khi người Pháp xây dựng sân bay này đã giữ nguyên tên của làng đó, đúng như cách phát âm của người Việt lúc bấy giờ. Sau năm 1975, Tân Sơn Nhứt đổi thành Tân Sơn Nhất.

Về việc thu thập tài liệu cho cuốn sách, vì tôi là một nhà báo nên cách làm tư liệu của tôi nó khác với các nhà nghiên cứu. Tôi đi thực địa nhiều hơn, tôi phỏng vấn nhiều hơn, tôi tìm gặp những nhân chứng sống như bác Phan Tương, là người tiếp quản sông bay ngay năm 1975. Hay như bác Huỳnh Minh Bon, là một trong những phi công lái máy bay hiện đại sớm nhất của Việt Nam lúc bấy giờ…

Cách làm việc của tôi là tìm người thật để nghe họ kể chuyện, từ đó tôi kể chuyện lại cho bạn đọc nghe. Tất nhiên là để viết một chủ đề liên quan đến lịch sử thì người kể góp một phần tư liệu, phần còn lại là tôi đi tìm ở trung tâm lưu trữ quốc gia, ở thư viện khoa học tổng hợp và tìm trong các hồi ký, du ký,các sách khảo cứu, các bài báo, sách vở viết trước đó.

Những câu chuyện chưa kể ở phi trường Tân Sơn Nhất

- Xin hỏi ông có thử thống kê lại mình đã gặp gỡ bao nhiêu người trong suốt hơn 3 năm đi tìm tài liệu cho việc vẽ lại hành trình 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất không?

- Nhiều lắm, có thể là tôi không thể nhớ chính xác con số là bao nhiêu. Có những người tôi trích dẫn trong sách, có những người tôi không trích dẫn, Có những người chỉ để họ làm một cái nền kiểu thức cơ bản thôi và có những người xin không trích dẫn.

Chẳng hạn như tôi có gặp một người là Phó Giám đốc phi trường Tân Sơn Nhất cuối cùng trước năm 1975, hiện ông đang sống tại Mỹ.

8.jpg
Đông đảo bạn đọc lắng nghe câu chuyện của 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất. Ảnh: Trần Khánh.

Khi trao đổi, bác trò chuyện về việc họ đã hoạt động như thế nào, diễn biến trong những ngày đó ra sao… Nhưng cuối cùng, ông nói ông không muốn xuất hiện tên ông trong sách. Do đó, tôi đã giữ lời hứa và không đưa tên ông vào sách.

- Thời khắc 30/4/1975 là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử đất nước Việt Nam, khi người Mỹ phải rời đi ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất. Vậy, trong quá trình kể lại câu chuyện 100 năm của phi trường này, có điều gì đặc biệt khiến ông ấn tượng về thời điểm 30/4/1975?

- Đây là điều tôi đặc biệt quan tâm. Phi trường Tân Sơn Nhứt, nơi diễn ra bước ngoặt lịch sử của đất nước lúc bấy giờ.

Tôi có gặp bác Phan Tương, là người tiếp quản phi trường Tân Sơn Nhất lúc đó. Bác kể tôi nghe câu chuyện về việc làm sao để mời những phi công, những kỹ thuật viên của chế độ cũ ra hoạt động, làm việc chính quyền mới.

Bác kể lại rằng, đây là việc rất tế nhị, phải làm bằng cả tấm lòng “cùng là đồng bào với nhau” để thuyết phục. Mỗi nhân chứng tôi gặp họ kể lại một góc cạnh của lịch sự để tôi hoàn thành cuốn sách này.

c3ba40f6aee21cbc45f3.jpg
Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. Ảnh: Quang Thành/TTXVN

Trong suốt quá trình tìm tài liệu cho cuốn sách, tôi cũng nhiều lần bị ấn tượng vì những gì đã xảy ra tại Tân Sơn Nhứt.

Chẳng hạn như khi đi xem tư liệu của trung tâm lưu trữ quốc gia, tôi thấy những tấm hình khiến mình bàng hoàng. Chẳng hạn như vụ việc Nguyễn Thái Bình năm 1972 bị bắn 5 phát đạn vào lưng tại phi trường, hay chuyện chuyến bay Boeing hiện đại nhất của Việt Nam thời điểm đó bay đi Nhật ngày 30/4/1975.

Với tôi, chúng ta phải thấu hiểu quá khứ mới đến được tương lai tốt đẹp, để đời sau tường minh và tiếp tục chọn lựa con đường đúng đắn đi đến tương lai.

Cuốn "100 năm phi trường Tân Sơn Nhất" của nhà báo Quốc Việt tái hiện một phần lịch sử ở miền Nam thế kỷ 20-21.

Sách gồm 15 phần chính, được đặt tên như: Những cánh bay đầu tiên trên nước Việt, Phi công Việt tham gia Đại chiến Thế giới thứ nhất, Tân Sơn Nhất bước vào kỷ nguyên phản lực. Phi trường rực lửa...

Mỗi phần đầy ắp các thông tin về quá trình hình thành và phát triển của phi trường chứa đựng một thế kỷ lịch sử gắn với nhiều dấu mốc quan trọng của đất nước.

Nổi bật
Mới nhất
100 năm phi trường Tân Sơn Nhất - Hành trình lịch sử qua từng trang sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO