Trải qua nửa thế kỷ, tiếng gầm rú của chiến đấu cơ trên bầu trời giờ đây không còn khiến bao người sợ hãi, thay vào đó, là sự hào hứng, thích thú. Vì đó là những chuyến bay trên bầu trời hòa bình!
Từ đầu tháng 4 đến nay, người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương… từ bất ngờ đến hào hứng khi chứng kiến những chiếc chiến đấu cơ bay lượn trên bầu trời. Tiếng động cơ gầm rú khiến nhiều người nhớ lại những ngày tháng bom đạn khi đất nước còn chia cắt, đặc biệt là ký ức về thời khắc ngày 30/4/1975 lịch sử…
Tài liệu của Cục Hàng không Việt Nam ghi lại, ngày 5/4/1975, chuyến bay vận tải AN-24 do Lê Văn Nha lái chính đã hạ cánh xuống sân bay Phú Bài. Hai ngày sau, máy bay tiếp tục lên đường và đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Từ đó, cầu Hàng không dân dụng đã mở tuyến Hà Nội - Huế, Hà Nội - Đà Nẵng bay thẳng bằng máy bay AN-24, IL-18.
Đơn vị trực thăng lấy sân bay Đồng Hới làm trạm tập kết trung chuyển để từ đó bay tiếp vào Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng, các chuyến bay bay lên các sân bay vừa giải phóng ở Tây Nguyên ngày một tăng.
Đến ngày 20/4/1975, chiếc IL-18 từ Hà Nội bay vào Đà Nẵng chở các phi công Từ Đễ, Mai Xuân Vượng, Phạm Ngọc Lan, Phạm Bổn, Nguyễn Văn Lục... và 6 thợ máy để huấn luyện chuyển loại sử dụng máy bay A-37 thu được của địch, chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày 21/4 năm đó, sau khi quân ta giải phóng Xuân Lộc, các Quân đoàn đã áp sát Sài Gòn trên các hướng. 16 giờ 25 phút ngày 28/4/1975, phi đội máy bay A-37 do phi công Nguyễn Thành Trung làm đội trưởng, và các đội viên là Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Mai Xuân Vượng, Hán Văn Quảng xuất kích từ sân bay Phan Rang tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất, trận đánh đã thắng lợi giòn giã.
Trong quá trình chuẩn bị và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, các máy bay của Không quân vận tải Hàng không dân dụng đã thực hiện 163 chuyến bay; cơ động 4250 cán bộ, chiến sĩ; vận chuyển 120,7 tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật ( trong đó có 48 tấn đạn pháo cho xe tăng), bản đồ thành phố Sài Gòn, nhiều cờ biểu ngữ, truyền đơn, thuốc men... Đáp ứng các nhu cầu cấp bách của chiến dịch.
Đến sáng ngày 30/4/1975, năm cánh quân lớn của quân đội ta đồng loạt tiến vào Sài Gòn, cùng với quần chúng nổi dậy, giải phóng thành phố. Vào lúc 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trước toà nhà chính của dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Ngày 1/5/1975, chiếc máy bay trực thăng Mi-6 do đồng chí Lê Đình Ký lái chính hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đem theo một lá cờ Tổ quốc rất lớn để cắm trên nóc dinh Độc Lập.
Một đoàn cán bộ kỹ thuật của Không quân, trong đó có các cán bộ kỹ thuật của Ban kỹ thuật Lữ đoàn 919 do đồng chí Nguyễn Văn Chung dẫn đầu đã có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp quản Trung tâm kỹ thuật của Hàng không dân dụng chính quyền Sài Gòn.
Ngay sau khi Sài Gòn và các địa phương ở miền Nam được giải phóng, cùng với việc cấp bách xây dựng và củng cố chính quyền các cấp, các ngành, các Bộ đã nhanh chóng tiếp quản và quản lý các cơ sở hoạt động kinh tế, giao thông, thương nghiệp..., duy trì các hoạt động bình thường trở lại, nhằm đảm bảo đời sống cho nhân dân.
Hàng không dân dụng vẫn nằm trong Lữ đoàn Không quân vận tải 919, được phân công tổ chức tiếp quản các cơ sở Hàng không dân dụng của chính quyền cũ, trong đó tập trung chủ yếu là Nha Hàng không dân dụng miền Nam và Công ty Hàng không Việt Nam (Air Vietnam).
Lữ đoàn Không quân vận tải 919 - Hàng không dân dụng tiếp nhận và khôi phục toàn bộ máy bay vận tải, trực thăng, trong đó có máy bay dân dụng của Air Vietnam; kêu gọi số nhân viên làm việc cho Nha Hàng không dân dụng Sài Gòn và Air Vietnam ra trình diện và trở lại làm việc theo chủ trương của Ủy ban quân quản và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Để nhanh chóng xác lập chủ quyền vùng trời quốc gia của chính quyền cách mạng, bảo đảm an toàn cho máy bay trong nước và quốc tế hoạt động, Cục Hàng không Việt Nam đã soạn thảo một Bản quy chế bay tạm thời cho các nước khi bay qua lãnh thổ miền Nam.
Vào ngày 15/5/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã công bố bản quy chế này, thay thế các quy chế của chính quyền Sài Gòn trước đây.
Bản quy chế quy định các nguyên tắc, thủ tục bay đến và bay qua vùng trời miền Nam Việt Nam, quy định cụ thể hành lang, hành trình, độ cao, thời gian cho phép bay qua và thời gian sân bay tiếp nhận các máy bay đi, đến...
Sau ngày giải phóng miền Nam, chính quyền cách mạng đã thu hồi toàn bộ 282 sân bay lớn, nhỏ với 14 chiếc máy bay kiểu DC (7 chiếc DC-3, 5 chiếc DC-4 và 2 chiếc DC-6). Có đến 2.166 nhân viên của Nha Hàng không dân sự Sài Gòn và Air Vietnam được chính quyền cách mạng gọi ra làm việc trong ngành Hàng không dân dụng - Không quân vận.
Từ sau ngày 30/4/1975, nhu cầu đi lại của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, các Bộ, các ngành và việc chuyên chở cán bộ, bộ đội, thương binh, hàng hóa, thuốc men giữa hai miền rất lớn.
Những sân bay chính đã được khôi phục bảo đảm hoạt động bình thường, hệ thống thông tin liên lạc đã được sửa chữa và bảo đảm bảo thông suốt từ Bắc vào Nam.
Trung tâm kiểm soát không lưu (ACC) Sài Gòn đã đưa vào hoạt động theo quy chế mới. Tổ nghiên cứu điều chỉnh sơ đồ đường bay trên vùng trời miền Nam, quy chế kiểm soát không lưu đã hoàn thành và được đưa vào áp dụng.
Các chuyến bay thường xuyên theo lịch Hà Nội - Tân Sơn Nhất - Hà Nội và Hà Nội - Đà Nẵng - Tân Sơn Nhất - Đà Nẵng - Hà Nội đã bắt đầu hoạt động… góp phần vào công tác tái thiết đất nước sau những năm tháng dài bị tàn phá bởi chiến tranh.
(Còn tiếp)