Quốc tế

Trung Quốc đáp trả thuế quan, Boeing nguy cơ mất trắng thị trường tỷ USD

Thu Ngoan 23/04/2025 06:08

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu, đẩy Boeing vào một cuộc khủng hoảng mới. “Gã khổng lồ” ngành hàng không Mỹ có thể bị đẩy ra khỏi thị trường Trung Quốc – thậm chí mất vị thế trên sân chơi quốc tế.

Boeing hiện có 521 đơn hàng cho dòng máy bay thân rộng mới 777X nhưng không đơn hàng nào đến từ các hãng Mỹ. Ảnh: Simpleflight.
Ảnh: Simpleflight.

Nhà báo Aaron Spray của Simpleflight nhận định các mức thuế đáp trả từ Bắc Kinh sẽ "làm tăng đáng kể" giá máy bay Boeing với các hãng hàng không Trung Quốc, buộc họ phải "điều chỉnh chiến lược mua sắm đội bay".

Theo đó, thuế nhập khẩu áp lên máy bay và linh kiện hàng không Mỹ đã vọt từ 5% lên gần 40%, và mới đây tăng mạnh lên 125%, đẩy giá thực tế có thể đội thêm khoảng 130%.

second_boeing_777x_take_flight_p.jpg
Boeing được dự đoán sẽ mất thị phần lớn ở Trung Quốc, chồng chất thêm nhiều khó khăn. Ảnh: Simpleflight.

Trong bối cảnh thị trường hàng không Trung Quốc đang dư thừa công suất, lãnh đạo một trong "Big Three" (ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc) cho biết sẽ ưu tiên "mở rộng đội bay thân hẹp, hạn chế phát triển đội bay thân rộng".

Trước mắt, các hãng Trung Quốc có thể tập trung thuê máy bay thay vì mua mới, còn về dài hạn, xu hướng sẽ chuyển mạnh sang Airbus hoặc máy bay nội địa COMAC. Điều đó đồng nghĩa Boeing đang dần bị loại khỏi thị trường hàng không lớn thứ hai thế giới, nguy cơ mất trắng thị trường hàng tỷ USD.

COMAC: Cơ hội bứt phá trong "cơn bão" thương mại

Các chuyên gia nhận định, cuộc chiến thuế quan hiện nay cũng sẽ mở ra cơ hội cho COMAC - nhà sản xuất máy bay nội địa Trung Quốc, với mẫu C919 cạnh tranh trực tiếp với Boeing 737 MAX.

Các hãng lớn như Air China, China Eastern và China Southern đã bắt đầu vận hành C919, với kế hoạch sản xuất 200 chiếc mỗi năm từ năm 2029. Đến nay, COMAC đã nhận khoảng 1.000 đơn đặt hàng cho dòng máy bay này.

3.jpg
Các chuyên gia nhận định, cuộc chiến thuế quan hiện nay cũng sẽ mở ra cơ hội cho COMAC. Ảnh: Simpleflight.

Tuy nhiên, các mẫu máy bay của COMAC vẫn phụ thuộc lớn vào linh kiện của Mỹ và châu Âu như động cơ, hệ thống điện tử, điều khiển bay. Nếu Mỹ áp lệnh trừng phạt thay vì chỉ thuế quan – kịch bản từng khiến hàng không Nga "đóng băng" năm 2022 – thì COMAC có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, bởi Trung Quốc hiện chưa có động cơ phản lực nội địa đủ mạnh để thay thế.

Thế nhưng, các chuyên gia vẫn cho rằng khó khăn chính là cơ hội bắt buộc để COMAC có thể bứt tốc phát triển nhanh chóng hơn nữa trong thời gian tới.

Những kịch bản mất mát của Boeing

Tháng 3/2025, Giám đốc điều hành AerCap – công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới – cảnh báo Boeing sẽ chịu thiệt hại lớn hơn nhiều so với Airbus trong cuộc chiến thuế quan này. Giám đốc điều hành AerCap, ông Aengus Kelly cho biết, nếu các mức thuế tăng thêm 25% được áp dụng hai chiều, giá một chiếc Boeing 787 có thể tăng thêm tới 40 triệu USD.

"Không ai chịu nổi mức giá đó. Khách hàng sẽ không chấp nhận và các hãng bay sẽ chuyển sang mua Airbus" ông Aengus Kelly nhấn mạnh.

Theo ông Kelly, thị phần toàn cầu của Airbus có thể tăng lên 75-80%, còn Boeing sẽ chỉ còn lại sân nhà là thị trường Mỹ – nơi quy mô cộng gộp vẫn nhỏ hơn thị trường thế giới.

Tệ hơn nữa, Bắc Mỹ cũng có nguy cơ phân tách, khi Mexico và Canada có thể tách rời thị trường Mỹ do khác biệt về thuế suất.

Điều đáng lo ngại là Boeing hiện có 521 đơn hàng cho dòng máy bay thân rộng mới 777X – nhưng không đơn hàng nào đến từ các hãng Mỹ. Tất cả đều là khách hàng quốc tế, ngoại trừ 31 đơn chưa công bố cụ thể.

Theo Leeham News, các mức thuế mới của Mỹ có thể kích hoạt làn sóng thuế trả đũa với Boeing ở quy mô lớn hơn nhiều so với Airbus. Boeing thậm chí có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn, ngay cả trong thị trường nội địa Mỹ, khi linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài cũng bị áp thuế.

Trong khi đó, nhiều bộ phận của Airbus – đặc biệt là động cơ – cũng được sản xuất tại Mỹ, giúp họ “né đạn” phần nào.

Boeing: Khủng hoảng kép về tiền mặt và giấy phép

Theo Simpleflight, vấn đề cấp bách nhất hiện tại của Boeing là khủng hoảng tiền mặt. Công ty cần bán máy bay để có doanh thu, nhưng các giấy phép chứng nhận của Cục Hàng không Liên bang (FAA) cho các dòng 737 MAX 7, MAX 10 và 777X liên tục bị trì hoãn.

southwest-airlines-boeing-737s-a.jpg
Theo các chuyên gia, vấn đề cấp bách nhất hiện tại của Boeing là khủng hoảng tiền mặt. Ảnh: Simpleflight.

Dù chất lượng sản phẩm đã cải thiện đáng kể, theo Giám đốc điều hành AerCap, Boeing vẫn phải chờ đợi FAA "bật đèn xanh". Nếu tiếp tục bị chậm, Airbus sẽ chiếm thêm thị phần, càng làm suy yếu dòng doanh thu thương mại – vốn được coi là "nguồn sống" của Boeing.

Các hãng như Delta đã tuyên bố sẽ trì hoãn nhận máy bay Airbus nếu bị áp thuế. Xu hướng này cũng bắt đầu xuất hiện với Boeing. Ví dụ, Ryanair – một trong những khách hàng lớn nhất của Boeing – đã cảnh báo hãng này về việc trì hoãn giao hàng. Nếu làn sóng này lan rộng, cuộc khủng hoảng tiền mặt của Boeing sẽ càng nghiêm trọng.

4(1).jpg
Ryanair đã cảnh báo Boeing về việc trì hoãn giao hàng chậm. Ảnh: Simpleflight.

Vài tuần sau cảnh báo của AerCap, Mỹ đã áp thuế 20% lên Liên minh châu Âu (EU), 10% lên Anh, 25% lên Canada và 145% lên Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ cũng tuyên bố tạm hoãn 90 ngày đối với các mức thuế vượt 10% (trừ Trung Quốc, Canada và Mexico).

EU đáp trả bằng thuế 25% lên nhiều sản phẩm Mỹ, từ nông sản đến thép, nhưng chưa rõ tác động cụ thể lên ngành hàng không. Tình hình hiện tại vô cùng bất ổn – thế giới có thể đang trượt dần về kịch bản tồi tệ mà AerCap dự báo, hoặc hy vọng mong manh, căng thẳng sẽ hạ nhiệt.

777-everett-factory-line-first-c.jpg
Nếu cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung kéo dài, dự kiến, Boeing sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: Simpleflight.

Kể từ năm 2018, Boeing liên tiếp hứng chịu các khủng hoảng chồng chất: từ thảm họa 737 MAX khiến sản lượng giảm mạnh, quy trình chứng nhận FAA bị siết chặt, đại dịch COVID-19 khiến phải đóng dây chuyền sản xuất 787 Dreamliner, cho đến chuỗi đứt gãy nguồn cung kéo dài.

Chưa hết, Boeing còn chịu tổn thất lớn từ dự án thay thế chuyên cơ Air Force One, chương trình tàu vũ trụ Starliner và các cuộc đình công đình đám năm 2024 – tất cả đang đẩy Boeing lún sâu hơn vào khủng hoảng tiền mặt.

n754an-american-airlines-boeing.jpg
Với nhiều áp lực phải xử lý, các chuyên gia dự đoán, Boeing có thể bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: Simpleflight.

Và nếu dự báo bi quan nhất của AerCap trở thành hiện thực, Boeing có thể còn đối mặt với thử thách lớn hơn: bị khóa chặt khỏi thị trường Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc đáp trả thuế quan, Boeing nguy cơ mất trắng thị trường tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO