Trung Quốc đã trả lại 2 chiếc Boeing trở về cơ sở sản xuất của hãng tại Seattle (Mỹ) trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa hạ nhiệt.
Dữ liệu từ AirNav Radar cho thấy một chiếc 737 MAX đã rời trung tâm hoàn thiện Châu Sơn của Boeing ở tỉnh Chiết Giang, gần Thượng Hải, vào sáng 21/4 (giờ địa phương) và đang hướng về đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Đây dường như là "nạn nhân" tiếp theo trong cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo Reuters, Guam là một trong những điểm dừng của các chuyến bay trong hành trình dài 8.000 km qua Thái Bình Dương, nằm giữa trung tâm sản xuất của Boeing tại Seattle (Mỹ) và trung tâm hoàn thiện Châu Sơn - nơi các máy bay được vận chuyển đến để lắp ráp cuối cùng trước khi bàn giao cho các hãng hàng không Trung Quốc.
Trước đó, chiếc máy bay mang nhận diện thương hiệu của hãng Xiamen Airlines đã quay về hạ cánh tại nhà máy chính của Boeing ở Seattle (Mỹ) vào lúc 18h11 (giờ địa phương) ngày 19/4.
Chiếc máy bay này đã rời nhà máy của Boeing tại Seattle đến trung tâm hoàn thiện Châu Sơn để lắp nội thất, sơn màu và chuẩn bị bàn giao cho Xiamen Airlines.
Tuy nhiên, sau khi hoàn tất, nó lại phải bay ngược 8.000 km về Mỹ, dừng tiếp nhiên liệu ở Guam và Hawaii trên hành trình "hồi hương". Đây là một trong lô máy bay 737 MAX được đưa đến trung tâm hoàn thiện Zhoushan của Boeing để hoàn thiện công đoạn cuối cùng trước khi giao cho khách Trung Quốc.
Hiện vẫn chưa rõ phía nào đưa ra quyết định - Boeing hay hãng bay Trung Quốc. Cả Xiamen Airlines và hải quan Trung Quốc đều không đưa ra bình luận.
Bloomberg hôm 15/4 cho biết Bắc Kinh đã ra lệnh các hãng hàng không nước này dừng mọi hoạt động mua sắm thiết bị, linh kiện máy bay từ Mỹ. Động thái này được xem nhằm đáp trả mức thuế 145% mà chính quyền ông Trump áp lên hàng Trung Quốc. Bắc Kinh cũng áp thuế 125% với hàng Mỹ.
Các mức thuế này có thể khiến chi phí sản xuất linh kiện, máy bay tại Mỹ tăng gấp đôi. Bởi vậy, việc tiếp nhận các tàu bay Boeing cũng trở nên khó khăn hơn với các hãng Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đang xem xét các biện pháp hỗ trợ cho các hãng hàng không thuê máy bay Boeing và phải đối mặt với chi phí gia tăng.
Trước khi lệnh áp thuế mới được Tổng thống Donald Trump công bố đầu tháng 4, Boeing vẫn kỳ vọng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc sẽ diễn ra bình thường. Chỉ riêng trong tháng 3, ba chiếc 737 MAX mới đã được đưa từ Seattle sang Zhoushan để hoàn thiện. Nhưng khi Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế lên tới 125% với hàng hóa Mỹ - trong đó có máy bay - việc tiếp tục bàn giao gần như bất khả thi.
Aviation Flights Group cho biết khoảng 10 tàu bay Boeing 737 được lên kế hoạch bàn giao cho các hãng bay Trung Quốc như China Southern Airlines, Air China và Xiamen Airlines. Trong khi đó, còn 130 đơn đặt hàng chưa thực hiện từ các hãng bay và đơn vị cho thuê máy bay tại Trung Quốc, theo Boeing.
Ngoài ra, giới quan sát ước tính, một phần đáng kể trong hơn 760 đơn hàng chưa nêu tên khách mua của Boeing cũng có thể là từ Trung Quốc. Tạm dừng bàn giao sang nước này chưa ảnh hưởng lớn ngay lập tức đến Boeing vì máy bay bị trả về có thể dùng giao khách khác đang chờ. Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường hàng không lớn thứ hai thế giới vẫn là mắt xích quan trọng trong chiến lược toàn cầu mà Boeing không thể bỏ qua, theo Reuters.
Reuters cũng nhận định việc máy bay Boeing 737 MAX - dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing - phải quay đầu trở về Mỹ là dấu hiệu mới nhất cho thấy những gián đoạn nghiêm trọng trong hoạt động giao nhận máy bay mới, xảy ra khi những chính sách thuế quan liên tục biến động dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Không chỉ Boeing, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không cũng báo cáo những biến động xoay quanh những thay đổi trong chính sách thuế quan của Mỹ.
Điển hình như vào hồi đầu tháng 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico. Thuế tăng cũng đồng nghĩa chi phí cho mỗi chiếc máy bay tăng cao. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm có hiệu lực, chính sách thuế nêu trên bị hoãn 30 ngày. Sau đó, ông Trump tiếp tục tuyên bố miễn thuế với hàng hóa tuân thủ Hiệp định USMCA giữa 3 nước Mỹ, Mexico và Canada.
Điều này buộc các công ty hàng không phải gấp rút hoàn thiện hồ sơ để chứng minh hàng hóa tuân thủ hiệp định giữa 3 nước, dù trước đó các bên chưa từng cần đến loại giấy tờ này.
Trong khi chờ doanh nghiệp gấp rút hoàn tất giấy tờ chứng minh tuân thủ USMCA, nhiều lô hàng động cơ máy bay sản xuất tại Canada đã buộc phải tạm dừng, cho thấy những ảnh hưởng nhất định từ việc thay đổi chính sách thuế quan đối với ngành công nghiệp.
Trong khi đó vào giữa tháng 4, Giám đốc điều hành Delta Air Lines Ed Bastian tuyên bố hãng sẽ hoãn nhận lô hàng máy bay mới nếu bị áp thuế. Ông Bastian nhận định chính sách thuế quan đang tạo ra ảnh hưởng tiêu cực, khiến nhu cầu đi lại bị đình trệ và kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ sớm giải quyết tình trạng này để bảo vệ nền kinh tế.
Theo Reuters, máy bay và động cơ máy bay thường được khách hàng đặt trước nhiều năm. Những biến động trong chính sách thuế quan tại Mỹ có nguy cơ làm chậm quá trình giao nhận những sản phẩm này.
Ngay cả khi ngành công nghiệp hàng không không phải là mục tiêu trực tiếp chịu thuế nhưng những thay đổi thường xuyên và chi phí gia tăng cũng đang gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng vốn đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt phụ tùng và nhân công.