Theo CNBC, các biện pháp thuế quan mà Tổng thống Donald Trump công bố ngày 2/4 sẽ làm tăng chi phí sản xuất máy bay của Boeing, Airbus, và các linh kiện, động cơ của GE Aerospace cùng hàng trăm sản phẩm hàng không - quốc phòng khác. Ngành công nghiệp hàng không vốn đang đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Mỹ thu hẹp thâm hụt thương mại hơn 100 tỷ USD mỗi năm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
CNBC ngày 4/4 đã có bài phân tích về tác động thuế quan của Mỹ đối với ngành hàng không. Bài viết trích dẫn ý kiến của ông Dak Hardwick, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Hiệp hội các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ (AIA), tổ chức đại diện cho các tập đoàn như Boeing, GE Aerospace, Airbus cùng hàng chục doanh nghiệp khác cho rằng chắc chắn thuế quan quy mô lớn của Tổng thống Trump sẽ khiến ngành hàng không trở nên đắt đỏ hơn.
Sắc lệnh áp thuế của Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng các chính sách thương mại toàn cầu hiện nay góp phần làm suy giảm khả năng sản xuất trong nước của Mỹ. Nếu nước Mỹ muốn duy trì một lá chắn an ninh hiệu quả để bảo vệ công dân và lãnh thổ của mình, cũng như hỗ trợ các đồng minh, Mỹ cần có một hệ sinh thái sản xuất trong nước đủ mạnh, không phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu hay các sản phẩm đầu vào then chốt.
Thế nhưng mức thuế mà Tổng thống Trump muốn áp đặt với các nước cũng sẽ lại tác động ngược trở lại với các doanh nghiệp của chính nước Mỹ, trong đó có lĩnh vực hàng không. Lý do là bởi ngành hàng không từ lâu đã là mũi nhọn xuất khẩu của nền kinh tế Mỹ. Theo dữ liệu của Boeing, hơn hai phần ba đơn đặt hàng máy bay của Mỹ trong thập kỷ qua đến từ các khách hàng ngoài nước Mỹ.
“Thương mại tự do rất quan trọng với chúng tôi. Chúng tôi là hình mẫu lý tưởng của một doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, tạo việc làm giá trị cao và lâu dài tại Mỹ. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải duy trì quyền tiếp cận các thị trường quốc tế, tránh bị đóng cửa” Giám đốc điều hành Boeing, ông Kelly Ortberg, phát biểu trong phiên phiên điều trần tại Thượng viện ngày 2/4.
Trong hơn 45 năm qua, ngành hàng không gần như không phải chịu thuế khi mua bán máy bay và linh kiện nhờ Hiệp định về thương mại máy bay dân dụng có hiệu lực từ năm 1980. Tuy nhiên, mức áp thuế cơ sở 10% của Mỹ lên toàn bộ các quốc gia, trong đó có những thị trường then chốt của ngành hàng không như châu Âu sẽ có tác động không hề nhỏ. Ngoài ra, thép và nhôm – hai vật liệu thiết yếu trong sản xuất máy bay – cũng đang chịu các mức thuế riêng biệt mà ông Trump đưa ra từ đầu năm nay.
Hiệp hội các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đang kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump duy trì các điều khoản trong Hiệp định về thương mại máy bay dân dụng vốn đã tồn tại gần nửa thế kỷ qua, cho phép giao thương miễn thuế đối với các loại máy bay dân dụng và các sản phẩm liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
“Thông điệp của Tổng thống rất rõ ràng: nếu bạn sản xuất tại Mỹ, bạn sẽ không phải lo lắng về thuế,” người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai khẳng định.
Tuy nhiên, thuế suất này sẽ do các nhà nhập khẩu chi trả. Theo ông Hardwick, chi phí tăng thêm sẽ đè nặng lên nhà sản xuất máy bay, nhà cung cấp linh kiện – vốn vẫn đang phục hồi sau đại dịch – hoặc cuối cùng sẽ chuyển sang người tiêu dùng.
Chuyên gia phân tích Sheila Kahyaoglu của Jefferies Financial nhận định rằng nếu giá cả tăng trong vòng 12 tháng, các nhà sản xuất thường sẽ phải gánh chịu chi phí. Nhưng sau thời gian đó, người mua – và cuối cùng là người tiêu dùng – sẽ phải trả giá.
Giá máy bay thường được thỏa thuận từ rất sớm, trong khi các hãng hàng không có thể phải chờ nhiều năm mới nhận được máy bay, khiến chi phí nguyên liệu có thể thay đổi đáng kể trong thời gian đó.
"Đây không giống như việc bạn mua xe và nhận xe sau ba tháng,” ông Hardwick ví von.
Cổ phiếu của Boeing, GE và nhiều hãng hàng không đã tiếp tục giảm mạnh sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế vào ngày 2/4, khiến thị trường tài chính gặp nhiều biến động.
“Đây là một trong số ít ngành sản xuất mà Mỹ đang có thặng dư thương mại lớn. Việc khơi mào một cuộc chiến thương mại trong ngành này chẳng khác gì sống trong nhà kính pha lê rồi ném đá vào chính mình” ông Richard Aboulafia, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn AeroDynamic Advisory, nhấn mạnh.
Mức thuế quan mới của Tổng thống Trump còn tạo thêm áp lực cho chuỗi cung ứng ngành hàng không toàn cầu - vốn vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch Covid-19, khi nhiều linh kiện vẫn đang rất khan hiếm.
Các nhà cung cấp lớn đang cố gắng tuyển dụng thêm nhân công và tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng vọt trong giai đoạn phục hồi của ngành du lịch. Tuy nhiên, các hãng chế tạo máy bay lại vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường.
Chuỗi cung ứng của mẫu Boeing 787 Dreamliner – lắp ráp tại South Carolina – đang trải dài từ Nhật Bản đến Italy. Trong khi Airbus dù có nhà máy tại bang Alabama của Mỹ nhưng vẫn phải chịu thuế đối với các linh kiện nhập khẩu, từ cánh đến thân máy bay.
“Không quan trọng ai sở hữu công ty. Nếu một sản phẩm vượt qua biên giới, nhà nhập khẩu vẫn phải trả thuế,” ông Hardwick khẳng định.
Airbus đã mở rộng cơ sở tại Mỹ kể từ khi chiếc A321 đầu tiên lắp ráp tại Alabama – phục vụ hãng JetBlue Airways và được đặt tên là “BluesMobile” – xuất xưởng cách đây 9 năm. Airbus cũng đang tăng sản lượng các dòng máy bay nhỏ hơn A220 tại Alabama để cung cấp cho khách hàng như JetBlue và Delta Air Lines.
Trong khi đó, chuỗi cung ứng vẫn đang tiếp tục được kéo dài khi GE Aerospace và tập đoàn Safran của Pháp vận hành liên doanh sản xuất động cơ CFM – loại động cơ bán chạy nhất hiện nay cho dòng máy bay thân hẹp của cả Boeing và Airbus. Mỗi bên sản xuất một phần linh kiện, sau đó chuyển đến các nhà máy tại Ohio, Indiana, North Carolina (Mỹ) và vùng ngoại ô Paris (Pháp).
Ngoài ra, hàng nghìn linh kiện thay thế nhập khẩu cho động cơ và máy bay ở nhiều quốc gia khác cũng đang có nguy cơ tăng giá. “Không có cái gọi là máy bay quốc gia,” ông Aboulafia kết luận.
Ông Peter Greenberg, Giám đốc đối ngoại của Hiệp hội công nhân cơ khí và hàng không quốc tế cảnh báo rằng các công ty Mỹ có thể mất khách hàng quốc tế, dẫn đến nguy cơ sa thải lao động. Thậm chí, một số thương vụ mua bán máy bay đã được đẩy nhanh trước khi thuế quan công bố nhưng cũng có nhiều đơn hàng tạm dừng lại – điều không ai trong ngành mong muốn. Và tình hình này có thể ảnh hưởng đến định giá máy bay trong thời gian tới.
Rõ ràng, chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump đang tạo ra một cơn chấn động đối với ngành hàng không– một lĩnh vực vốn được xem là trụ cột trong cán cân thương mại của Mỹ.