Ngày 24/4, một chiếc Boeing 737 MAX mới vừa bị Trung Quốc hoàn trả về Mỹ, đánh dấu chiếc máy bay thứ ba mà nước này từ chối tiếp nhận từ tập đoàn sản xuất hàng không hàng đầu của Mỹ.
Theo Reuters, chiếc Boeing 737 MAX mới nhất lẽ ra sẽ được bàn giao cho hãng hàng không Xiamen Airlines, nhưng sau khi hoàn tất lắp ráp tại nhà máy ở Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, nó đã bay trở lại trung tâm của Boeing ở Seattle, Mỹ.
Đây là chiếc máy bay Boeing thứ ba liên tiếp bị khách hàng Trung Quốc từ chối nhận.
Trước đó, hai chiếc máy bay tương tự cũng đã bị hoàn trả mà không rõ lý do cụ thể. Theo giới phân tích, nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ thuế nhập khẩu mới mà Bắc Kinh áp đặt lên máy bay Mỹ – lên tới 125%.
Hành động này được cho là đòn đáp trả trực tiếp việc Washington tăng thuế 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, từ thiết bị điện tử cho đến thép và nhôm.
“Do các mức thuế quan, nhiều khách hàng của chúng tôi tại Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ không nhận máy bay,” Giám đốc điều hành Boeing, ông Kelly Ortberg, cho biết trong cuộc họp báo cáo tài chính quý I vào ngày 23/4.
Ông Kelly Ortberg cũng nhấn mạnh rằng vấn đề này chỉ xảy ra tại Trung Quốc, và Boeing đang chuyển hướng các máy bay đã hoàn thiện đến các khách hàng khác trên toàn cầu, những người đang mong muốn nhận máy bay sớm hơn do tình trạng thiếu hụt máy bay thương mại mới trên thị trường.
Sự việc diễn ra sau khi Mỹ công bố mức thuế mới lên tới 145% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc – bao gồm cả các linh kiện và sản phẩm điện tử. Trung Quốc lập tức đáp trả với thuế suất lên tới 125% đối với nhiều mặt hàng từ Mỹ, trong đó có máy bay thương mại.
Việc này đã đẩy Boeing vào thế khó. Tập đoàn này xác nhận nhiều khách hàng Trung Quốc đang từ chối nhận máy bay mới, chủ yếu do chi phí bị đội lên quá cao vì thuế nhập khẩu.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu mà còn khiến Boeing phải “chạy đôn chạy đáo” tìm khách hàng mới để tiêu thụ số máy bay bị tồn kho.
Theo thống kê mới nhất, Boeing hiện vẫn còn hơn 130 đơn đặt hàng từ Trung Quốc chưa được giao, trong đó có gần 100 chiếc 737 MAX. Riêng lô hàng đang sản xuất hoặc đã hoàn thiện nhưng không thể giao cho các hãng bay Trung Quốc ước tính lên tới 50 chiếc.
Đây là một đòn giáng mạnh vào Boeing, bởi thị trường Trung Quốc vốn chiếm khoảng 10% tổng đơn hàng của hãng. Việc mất quyền tiếp cận thị trường này không chỉ làm giảm doanh thu, mà còn có thể kéo dài ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Boeing trong tương lai.
Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển dòng máy bay thương mại nội địa C919 của COMAC – được kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Boeing 737 và Airbus A320.
Giới quan sát cho rằng, việc trả lại máy bay không chỉ là một hành động kinh tế, mà còn mang tính chiến lược lâu dài: giảm dần sự phụ thuộc vào công nghệ hàng không phương Tây.
Trước tình hình này, Boeing đang tìm cách chào bán số máy bay bị trả lại cho các hãng hàng không khác, trong đó có những đối tác tại Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Đông.
Giám đốc điều hành của Boeing cho biết, nhu cầu toàn cầu về máy bay thương mại vẫn còn cao, và công ty sẽ tận dụng tối đa điều này để bù đắp cho sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc.
“Hiện tại, Boeing có khoảng 5.600 đơn đặt hàng và đang lên kế hoạch tăng sản lượng 737 MAX lên 38 chiếc mỗi tháng” ông Kelly Ortberg khẳng định.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng việc chuyển hướng thị trường không thể diễn ra trong "một sớm một chiều". Với mỗi chiếc máy bay bị từ chối, không chỉ là giá trị hàng trăm triệu USD bị “treo lơ lửng”, mà còn là uy tín thương hiệu bị ảnh hưởng của Boeing.