Tin tức

Chi phí sản xuất ‘phi mã’, Boeing lao đao

Thu Ngoan 02/05/2025 06:22

Từng là nhà xuất khẩu máy bay lớn nhất nước Mỹ, Boeing hiện đang vật lộn với hàng loạt khó khăn. Và chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump có thể trở thành "cú đấm chí mạng" với tập đoàn này, rộng hơn là cả nền kinh tế Mỹ.

5.jpeg
Ảnh: CNN.

Theo CNN, giới kinh tế đã bắt đầu lo ngại về nguy cơ suy thoái tại Mỹ. Việc áp thuế vào máy bay và các bộ phận hàng không có thể khiến sản lượng sụt giảm ở hàng loạt nhà máy và nhà cung ứng, từ đó đẩy nền kinh tế tới bờ vực.

"Nếu bạn đang nói về một ngành sản xuất có thặng dư xuất khẩu lớn như hàng không vũ trụ, thì tại sao lại muốn trừng phạt nó?" ông Ron Epstein, chuyên gia phân tích hàng không vũ trụ của Bank of America đặt câu hỏi.

Boeing nỗ lực tháo gỡ thuế quan

Còn với Boeing, nếu cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và các nước vẫn không thay đổi, thậm chí trầm trọng hơn với các đòn đáp trả lẫn nhau thì giá máy bay Boeing có thể đội lên thêm hàng triệu USD mỗi chiếc. Ngay tại nước Mỹ, mức thuế hiện hành cũng đang khiến chi phí sản xuất máy bay tăng vọt, do Boeing phụ thuộc lớn vào nguồn linh kiện từ nước ngoài.

1.jpeg
Áp lực thuế quan đang chồng chất thêm lên những vấn đề vốn đã trầm trọng của Boeing nhiều năm qua. Ảnh: CNN.

Boeing cho biết tập đoàn này vẫn đang nỗ lực vận động hành lang với chính quyền Tổng thống Trump để tìm cách tháo gỡ rào cản thuế quan.

Theo ông Kelly Ortberg, Giám đốc điều hành Boeing, các cuộc trao đổi với Nhà Trắng cho thấy Tổng thống Trump hiểu rõ "tầm quan trọng của ngành hàng không đối với nền kinh tế Mỹ và vai trò của Boeing với tư cách nhà xuất khẩu hàng đầu".

12.jpg
Ông Kelly Ortberg, Giám đốc điều hành Boeing.

"Chúng tôi không có ngày nào không liên hệ với một ai đó trong chính quyền Tổng thống Trump, từ các bộ trưởng cho tới cả Tổng thống. Tình hình đang biến động phức tạp”

Áp lực thuế quan đang chồng chất thêm lên những vấn đề vốn đã trầm trọng của Boeing nhiều năm qua như: loạt sự cố về an toàn hàng không, bị cấm bay, các cuộc đình công kéo dài làm tê liệt nhiều dây chuyền sản xuất và sự sụt giảm nhu cầu kể từ đại dịch Covid-19.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn như vậy nhưng Boeing ước tính đang tạo ra 1,6 triệu việc làm, trực tiếp và gián tiếp, trong đó có gần 150.000 nhân viên tại Mỹ.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, vai trò của Boeing trong nền kinh tế Mỹ là không thể phủ nhận.

Thuế quan của Trung Quốc "giáng đòn" mới vào Boeing

Theo các chuyên gia, những chiếc máy bay bị Trung Quốc trả về mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong các vấn đề thương mại mà Boeing đang phải đối mặt.

Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới đối với máy bay thương mại.

Theo phân tích mới nhất của Boeing, các hãng hàng không Trung Quốc dự kiến sẽ mua tới 8.830 máy bay mới trong 20 năm tới, chiếm khoảng 10–15% tổng nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến Boeing ngày càng mất chỗ đứng tại thị trường béo bở này, trong khi đối thủ Airbus của châu Âu lại hưởng lợi.

Trong hai năm 2017 và 2018, các khách hàng Trung Quốc đã đặt mua 122 chiếc máy bay Boeing. Thế nhưng, trong 6 năm tiếp theo, tổng số đơn hàng từ Trung Quốc chỉ còn 28 chiếc, chủ yếu là máy bay chở hàng hoặc do các công ty cho thuê máy bay mua hộ các hãng ngoài Trung Quốc. Boeing chưa ghi nhận bất kỳ đơn đặt hàng nào cho máy bay chở khách từ các hãng hàng không Trung Quốc kể từ năm 2019.

3.jpeg
Một chiếc Boeing 737 MAX, dự kiến ​​phục vụ hãng hàng không Xiamen của Trung Quốc, đã bị Trung Quốc trả lại. Ảnh: CNN.

Ngày 24/4 vừa qua, Boeing công bố mức thua lỗ trong quý I thấp hơn dự kiến – 0,5 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Ortberg vẫn thừa nhận vấn đề thương mại có thể tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh tương lai.

Theo ông Ron Epstein, hiện Boeing vẫn còn lượng đơn hàng khổng lồ từ Trung Quốc – 195 chiếc. Ngoài ra, hãng còn có 678 đơn đặt hàng từ những khách hàng "giấu tên", trong đó nhiều khả năng cũng đến từ Trung Quốc.

Ngay cả trong kịch bản xấu nhất là bị hủy đơn hàng, Boeing vẫn có thể tìm khách hàng mới nhờ lượng đơn đặt hàng toàn cầu còn kéo dài nhiều năm. Theo kế hoạch, Boeing dự định giao khoảng 50 máy bay cho Trung Quốc trong năm nay, và nếu cần, hãng tin rằng có thể bán số máy bay này cho các khách hàng khác, nhất là với dòng 737 Max đang được nhiều hãng săn đón.

Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng hiện mới chỉ có Trung Quốc áp thuế đáp trả lên hàng hóa Mỹ, nhưng nguy cơ các nước khác làm theo là hoàn toàn có thật.

Trong cuộc chiến thương mại toàn cầu, Boeing có thể trở thành "quân bài mặc cả" - một lựa chọn dễ dàng để các nước ra đòn trả đũa.

Chi phí sản xuất "phi mã", Boeing thêm khó khăn

Bán và giao máy bay mới chỉ là một phần trong bài toán khó của Boeing. Xây dựng, lắp ráp mới thực sự là thách thức lớn, khi khoảng 80% linh kiện cấu thành máy bay của Boeing đến từ nước ngoài.

Ví dụ, cánh của dòng máy bay đắt giá nhất – 787 Dreamliner – được sản xuất tại Nhật Bản. Bộ phận cửa phụ tùng bị bung ra giữa không trung trên chiếc 737 Max hồi tháng 1/2024 lại đến từ Malaysia. Dù vậy, lỗi được xác định là do Boeing, khi hãng này không lắp đủ bốn con ốc cố định cần thiết.

Việc tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước thay thế là cực kỳ khó khăn. Mỗi linh kiện và nhà cung cấp mới tại Mỹ sẽ phải trải qua quá trình tái chứng nhận của Cục Hàng không Liên bang (FAA) – một thủ tục có thể kéo dài hơn một năm.

Điều đó đồng nghĩa Boeing sẽ tiếp tục phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài – và phải trả thêm các khoản thuế nhập khẩu, khiến chi phí sản xuất khẩu mỗi chiếc máy bay vốn đã dao động từ 50 đến 100 triệu USD càng đội lên thêm hàng triệu USD nữa.

Boeing hiện chưa ghi nhận lợi nhuận năm nào kể từ 2018, và đã gánh khoản lỗ hoạt động tích lũy lên tới 51 tỷ USD.

4.jpeg
Spirit AeroSystems, đối tác sản xuất lớn mà Boeing đang tiến hành mua lại, đã cảnh báo nhà đầu tư về "nguy cơ lớn" trong khả năng duy trì hoạt động kinh doanh. Ảnh: CNN.

Tình hình của các nhà cung cấp thậm chí còn bi đát hơn. Spirit AeroSystems – đối tác sản xuất lớn mà Boeing đang tiến hành mua lại – mới đây đã cảnh báo nhà đầu tư về "nguy cơ lớn" trong khả năng duy trì hoạt động kinh doanh.

Tuy vậy, ông Ortberg vẫn trấn an giới đầu tư rằng Boeing có thể xoay xở với các chi phí thuế phát sinh nhờ vào các khoản "hoàn thuế" – tức được hoàn lại phần thuế đã nộp nếu máy bay sản xuất ra được xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, khi chi phí sản xuất tăng phi mã và căng thẳng thương mại chưa có lối thoát, Boeing không chỉ vật lộn để bảo toàn lợi nhuận, mà còn để giữ vững vị thế của một biểu tượng công nghiệp Mỹ trên bầu trời thế giới.

Nổi bật
Mới nhất
Chi phí sản xuất ‘phi mã’, Boeing lao đao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO