Dự báo Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ thường niên là khoảng 8% từ 2025-2030. Trong 10 năm tới, lưu lượng hàng không tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi, đạt hơn 75 triệu hành khách/năm.
Đây là một trong những nhận định tại "Báo cáo triển vọng thị trường hàng không thương mại" do Tập đoàn Boeing công bố ngày 24/4, tại Hà Nội.
Theo ông Dave Schulte, Giám đốc điều hành mảng tiếp thị máy bay thương mại Boeing khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Đại Dương, hãng máy bay của Mỹ đã có quá trình hợp tác trong 30 năm với Việt Nam. Bắt đầu bằng việc Vietnam Airlines thuê máy bay 767-300ER vào năm 1995 và gần nhất là việc Vietjet Air đặt hàng 200 máy bay 737 MAX và Vietnam Airlines mua 50 máy bay.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ thường niên là khoảng 8% từ 2025-2030. Từ nay đến năm 2029, GDP của Việt Nam dự báo tăng 1/3 so với hiện tại và tăng trưởng sản xuất công nghiệp 5%/năm, đây cũng là tiền đề tăng trưởng của ngành hàng không.
Giám đốc điều hành mảng tiếp thị máy bay thương mại Boeing khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Đại Dương Dave Schulte.
Trong 10 năm tới, nhu cầu phát triển hành khách đi lại bằng đường hàng không của Việt Nam sẽ tăng gấp 2 lần, đạt trên 75 triệu lượt khách mỗi năm. Các hợp đồng đặt mua máy bay 737MAX của Vietjet Air và Vietnam Airlines đã thể hiện tiềm năng tăng trưởng của hàng không Việt Nam.
Trong đó, dòng máy bay 737 MAX là lựa chọn phù hợp để phát triển các đường bay đang tăng trưởng nhanh trong nội địa và khu vực như Cần Thơ, Huế, Hải Phòng, Đà Lạt, Phú Quốc và Nha Trang. Với khả năng vận hành ổn định và hiệu quả, 737 MAX mang đến sự linh hoạt trong khai thác, đồng thời gia tăng đáng kể lợi nhuận trên mạng lưới đường bay cho các hãng hàng không. Đặc biệt, dòng máy bay này còn giúp giảm lượng khí thải và phát thải carbon lên đến 20% so với các dòng tiền nhiệm.
Theo ông Dave Schulte, một trong các yếu tố tiền đề tạo tăng trưởng hàng không là cảng hàng không với việc đưa vào khai thác nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất và tới đây là Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, ngành hàng không Việt Nam sẽ có nhiều bước phát triển trong thời gian tới.
Hiện, Boeing đã hiện diện trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam bao gồm hàng không thương mại, quốc phòng, chuỗi cung ứng, đào tạo kỹ thuật, hợp tác với các trường đại học và nhiều sáng kiến vì cộng đồng.
Ông Dave Schulte cho hay Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, Boeing cam kết hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp và đối tác Việt Nam nhằm tạo dựng một chuỗi cung ứng toàn cầu vững chắc, hiệu quả và linh hoạt, qua đó mang sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao nhất đến với khách hàng.
Hiện tại, có 5 nhà cung cấp có trụ sở tại Việt Nam đang tham gia sản xuất các bộ phận của máy bay Boeing, bao gồm cấu trúc và khung máy bay, linh kiện điện tử, vật liệu composite.
Bên cạnh đó, Boeing giữ vững cam kết hỗ trợ phát triển ngành hàng không thương mại ở Việt Nam thông qua công tác xúc tiến thuê máy bay mới, mua linh kiện từ các công ty có trụ sở tại Việt Nam, hợp tác với Cục Hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines trong đào tạo thực hành, cũng như giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào môi trường hàng không toàn cầu theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
"Tại Việt Nam, ngành vận tải hàng không đang đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển kinh tế, thương mại mậu dịch, du lịch và đưa các sản phẩm công nghệ sản xuất tại Việt Nam ra thế giới", ông Dave Schulte nhấn mạnh.
Dự báo từ nay đến 2043, nhu cầu hàng không sẽ cần tới 4.270 máy bay mới, chủ yếu máy bay thân hẹp một lối đi. Số lượng máy bay này sẽ chiếm khoảng 80% bàn giao tới năm 2043 của Boeing, cùng với đó là các máy bay thân rộng Boeing 787, 777X. Dự báo, đội máy bay khu vực Đông Nam Á vào 2043 sẽ là gần 5.000 chiếc.
Dự báo cũng chỉ ra rằng tăng trưởng nhu cầu máy bay sẽ kéo theo sự gia tăng đáng kể về nhu cầu nhân lực ngành hàng không, bao gồm phi công, kỹ sư và nhân viên mặt đất, mở ra nhiều cơ hội việc làm ở cả Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, các hãng hàng không trong khu vực được dự đoán cần tuyển dụng và đào tạo thêm 234.000 nhân sự mới, bao gồm phi công, kỹ thuật viên bảo trì và đội ngũ tiếp viên, hơn gấp 3 lần nhân lực hàng không hiện tại trên toàn khu vực.
Nhu cầu cao trong khi tốc độ sản xuất không kịp khiến máy bay mới thiếu hụt. Nhiều máy bay cũ có tuổi đời cao tiếp tục được sử dụng. Theo thống kê, mỗi năm trung bình 3-3,5% đội máy bay già bị thải loại, tuy nhiên máy bay giao thiếu nên các hãng vẫn phải duy trì số lượng máy bay thải loại này lâu hơn, tuổi đời hoạt động kéo dài.
Riêng tại khu vực Đông Nam Á, đội máy bay có độ tuổi khai thác hơn 25 năm là 365 chiếc và tuổi đời hơn 20 năm sẽ lên tới 518 chiếc vào năm 2040. Tỷ lệ tuổi đời máy bay từ 20 năm trở lên đang tăng nhanh.
Do đó, cần có giải pháp chung tay giữa nhà sản xuất máy bay, hãng bay và các bên liên quan. Ngoài ra, các hãng hàng không cũng sẽ phải hợp tác với các đơn vị thuê máy bay, nâng "tuổi đời" sử dụng máy bay sẽ kéo theo bảo trì, bảo dưỡng nâng cấp máy bay.