Quốc tế

Tiêm kích tàng hình J-50 của Trung Quốc gây sốc với thiết kế mũi 'không tưởng'

Thu Ngoan 27/04/2025 06:20

Một bức ảnh rò rỉ mới về tiêm kích tàng hình thế hệ mới của Trung Quốc, được cho là J-50, vừa xuất hiện trên mạng xã hội X và ngay lập tức gây xôn xao cộng đồng hàng không cùng các chuyên gia quân sự vì thiết kế mũi "gây sốc" của nó.

Một điểm đáng chú ý khác: máy bay không có ống pitot – cảm biến thường thấy ở các nguyên mẫu thử nghiệm. Ảnh: Bulgarianmilitary.
Ảnh: Bulgarianmilitary.

Theo nhà báo Boyko Nikolov, tác giả bài viết trên trang Bulgarianmilitary đăng tải ngày 24/4, điều khiến bức ảnh lần này trở nên đặc biệt là góc chụp nghiêng rõ nét hiếm thấy của chiếc máy bay J-50 đang được Tập đoàn máy bay Thẩm Dương phát triển.

1.jpeg
Góc chụp nghiêng rõ nét hiếm thấy của chiếc tiêm kích được cho là J-50 của Trung Quốc. Ảnh: Bulgarianmilitary.

Và điểm gây “sốc” chính là phần mũi máy bay có thiết kế khác thường, không hề xuất hiện phần gờ đặc trưng của cửa hút khí siêu âm không có bộ chia dòng (DSI) – một đặc điểm thường thấy ở các tiêm kích tàng hình hiện đại.

Điều này khiến nhiều người trên mạng xã hội X đồn đoán rằng J-50 có thể đang thử nghiệm một công nghệ khí động học mang tính đột phá: hút lớp ranh giới không khí (Boundary Layer Suction - BLS).

2.jpeg
Mũi máy bay có thiết kế không hề xuất hiện phần gờ đặc trưng của cửa hút khí siêu âm không có bộ chia dòng (DSI). Ảnh: Bulgarianmilitary.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là một bước tiến lớn có thể làm thay đổi cách thiết kế máy bay chiến đấu trong tương lai.

J-50: Bí ẩn đầy tham vọng

Cho đến nay, J-50 vẫn là một dự án được giữ bí mật gần như tuyệt đối. Giới quan sát cho rằng đây có thể là nguyên mẫu của tiêm kích thế hệ thứ 6 mà Trung Quốc đang âm thầm phát triển nhằm cạnh tranh với các thiết kế hiện đại từ Mỹ và phương Tây.

Bức ảnh mới cho thấy J-50 sở hữu thiết kế không đuôi, cánh dạng chữ lambda, hai động cơ phản lực và có thể là miệng phun điều hướng lực đẩy 2D – tất cả đều cho thấy định hướng tối ưu khả năng tàng hình và cơ động cao.

Máy bay được ước tính dài khoảng 17–18m, trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 27 tấn – tương đương với tiêm kích F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, thiết kế của J-50 dường như còn hướng đến khả năng hoạt động trên tàu sân bay, để bổ sung cho tiêm kích tàng hình J-35 của nước này.

3.jpeg
Một điểm đáng chú ý khác: máy bay không có ống pitot – cảm biến thường thấy ở các nguyên mẫu thử nghiệm. Ảnh: Bulgarianmilitary.

Một điểm đáng chú ý khác: máy bay không có ống pitot – cảm biến thường thấy ở các nguyên mẫu thử nghiệm – khiến dấy lên nghi vấn rằng đây có thể là phiên bản thứ hai, hoặc một phiên bản đã tiến gần đến sản xuất hàng loạt.

Tăng tầm bay, giảm lực cản

Công nghệ BLS – nếu thực sự được áp dụng – có thể là điểm khác biệt mang tính cách mạng.

Hệ thống này hoạt động bằng cách hút lớp không khí chậm di chuyển sát bề mặt thân máy bay qua các lỗ nhỏ, từ đó giảm lực cản, tăng hiệu suất bay và tiết kiệm nhiên liệu.

Các chuyên gia cho rằng hệ thống BLS có thể giúp giảm lực cản hơn 20%, qua đó tăng tầm hoạt động và khả năng tác chiến cự ly gần của J-50.

Tuy nhiên, công nghệ này từng được thử nghiệm từ những năm 1960 với máy bay Northrop X-21A nhưng không thành công vì quá phức tạp và tốn kém trong bảo trì.

Nhờ sự tiến bộ trong vật liệu mới, tính toán khí động học bằng máy tính và sản xuất chính xác, BLS ngày nay có thể khả thi hơn. Nếu Trung Quốc thực sự tích hợp được BLS vào J-50, đây sẽ là bước nhảy vọt đáng nể, kết hợp giữa tàng hình, tốc độ và sự linh hoạt.

Cuộc chơi lớn trên không – Trung Quốc tính gì?

Theo Bulgarianmilitary, J-50 không chỉ là một chiếc máy bay – nó có thể là “quân bài chiến lược” trong tham vọng kiểm soát bầu trời của Trung Quốc. Nếu giảm được lực cản, J-50 có thể bay xa hơn J-20 – cực kỳ hữu ích trong các nhiệm vụ tầm xa.

Tiết kiệm nhiên liệu cũng giúp máy bay bớt phụ thuộc vào tiếp nhiên liệu trên không – vốn là điểm yếu trong các chiến dịch kéo dài. Thêm vào đó, khả năng tăng lực nâng khi nhào lộn sẽ giúp J-50 chiếm ưu thế trong không chiến tầm gần hoặc tránh tên lửa đối phương.

4.jpeg
Nếu thiết kế mũi không có DSI được xác nhận, đây sẽ là bước đột phá về tiêm kích tàng hình của Trung Quốc. Ảnh: Bulgarianmilitary.

Tuy nhiên, hệ thống BLS cũng có điểm yếu: các lỗ hút khí nhỏ dễ bị bụi bẩn làm tắc, đòi hỏi quy trình bảo trì cực kỳ kỹ lưỡng – một bài toán khó cho kỹ thuật mặt đất.

Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận tên gọi chính thức hay vai trò của J-50. Nếu thiết kế mũi không có DSI được xác nhận, đây sẽ là bước đi táo bạo, khác biệt với cả J-20 lẫn J-35 – vốn vẫn đi theo lối mòn an toàn.

Dù công nghệ BLS đầy hứa hẹn, nhưng việc tích hợp vào khung thân tàng hình đòi hỏi kỹ thuật siêu tinh vi và chuỗi hậu cần mạnh mẽ – điều Trung Quốc còn đang theo đuổi.

J-50 sẽ trở thành "kẻ thay đổi cuộc chơi", hay chỉ là một phép thử mạo hiểm? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhưng rõ ràng, chỉ một bức ảnh mũi máy bay cũng đủ làm dậy sóng giới công nghệ quốc phòng – bởi theo các chuyên gia, đôi khi, một chi tiết nhỏ có thể ẩn chứa tham vọng lớn.

Máy bay J-20, được giới thiệu vào năm 2017, đánh dấu sự gia nhập của Trung Quốc vào lĩnh vực máy bay chiến đấu tàng hình. Video: Bulgarianmilitary.
Nổi bật
Mới nhất
Tiêm kích tàng hình J-50 của Trung Quốc gây sốc với thiết kế mũi 'không tưởng'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO