Hướng tới Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung 2025, đại diện các cơ quan văn hóa và du lịch Việt Nam - Hồ Nam (Trung Quốc) cam kết tăng cường hợp tác thông qua việc mở rộng kết nối, phát triển sản phẩm liên tuyến và đơn giản hóa thủ tục thị thực, nhằm thúc đẩy trao đổi khách du lịch hai chiều.
Sáng 23/4, chương trình giao lưu văn hóa, giới thiệu quảng bá du lịch Hồ Nam với chủ đề "Tam Tương Tứ Thủy, ước hẹn Hồ Nam" do Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Hồ Nam phối hợp cùng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) đã được tổ chức tại khách sạn Melia Hà Nội.
Dự khai mạc chương trình có ông Tưởng Địch Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) cùng các đại biểu là lãnh đạo, quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch của hai nước, đại diện các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp du lịch trong các lĩnh vực liên quan.
Chương trình nằm trong khuôn khổ quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam - Trung Quốc với mục tiêu thắt chặt tình đoàn kết, tăng cường giao lưu văn hóa và mở rộng hợp tác du lịch giữa hai quốc gia và được tổ chức trong bối cảnh hai nước Việt Nam - Trung Quốc đang kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2025) và triển khai Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung 2025.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Trong 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đón gần 1,2 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 78,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung cả năm 2024, lượng khách Trung Quốc đạt trên 3,7 triệu lượt, tăng hơn 114% so với năm 2023 cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ và tiềm năng to lớn của thị trường này.
Lãnh đạo Cục Du lịch cũng thông tin Việt Nam cũng là một trong những thị trường khách du lịch quan trọng của nhiều địa phương Trung Quốc. Riêng tại tỉnh Hồ Nam, Việt Nam là thị trường nguồn đứng thứ tư về lượng khách quốc tế nhập cảnh, với hơn 159.000 lượt khách trong năm 2024.
Hồ Nam đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách Việt Nam, nhờ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nét cổ kính và hệ thống dịch vụ du lịch ngày càng hoàn thiện. Những hình ảnh đặc trưng của Hồ Nam như Trương Gia Giới, Phượng Hoàng Cổ Trấn... liên tục được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và các kênh truyền thông, góp phần củng cố vị thế của điểm đến này trong tâm trí du khách Việt.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cũng thông tin Việt Nam dự kiến tổ chức hai đợt chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thành phố lớn của Trung Quốc, đồng thời phối hợp, hỗ trợ các địa phương của Trung Quốc tổ chức xúc tiến du lịch tại địa phương của Việt Nam. Đây không chỉ là những nỗ lực phục hồi du lịch sau đại dịch mà còn là những hoạt động góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt nhân dân giữa hai nước. Thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung 2025.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh Hồ Nam nói riêng và các địa phương Trung Quốc nói chung trong việc phát triển các sản phẩm du lịch liên tuyến hấp dẫn, tổ chức các đoàn khảo sát, xúc tiến du lịch hai chiều, thúc đẩy mở rộng đường bay, cải thiện thủ tục thị thực và tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành hai nước.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ nhấn mạnh, du lịch từ lâu đã được xem là chiếc cầu nối hiệu quả giữa con người với con người, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác. Trong những năm gần đây, hợp tác du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ.
"Chúng tôi tin tưởng rằng với việc đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm và tài nguyên văn hóa - du lịch đặc sắc của tỉnh Hồ Nam, lượng du khách giữa hai nước sẽ không ngừng gia tăng, mở ra những triển vọng hợp tác rộng mở, góp phần tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước", Đại sứ nói.
Để tăng cường giao lưu hợp tác văn hoá du lịch giữa Hồ Nam và Việt Nam, ông Tưởng Địch Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Nam đưa ra 3 đề xuất trước triển vọng to lớn giữa du lịch văn hoá giữa hai nước.
Thứ nhất, đẩy nhanh cơ chế hợp tác cùng phát triển, xây dựng cơ chế nền tảng văn hóa - du lịch giữa Hồ Nam và Việt Nam. Đồng thời đơn giản hóa thủ tục thị thực, thống nhất thủ tục hải quan, củng cố cơ chế và xây dựng cơ sở vật chất cho nền tảng du lịch, thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai bên, phát triển lên một tầm cao mới.
Thứ hai, gắn kết các yếu tố văn hóa cốt lõi, dịch các tác phẩm kinh điển của Hồ Nam và Việt Nam, lấy sự đồng cảm văn hóa làm gốc rễ, chia sẻ cả nguồn lực và sức mạnh tinh thần.
Thứ ba, xây dựng hệ sinh thái ngành, xây dựng các tuyến du lịch xuyên biên giới đặc sắc, một hành trình - nhiều điểm đến, xây dựng hệ sinh thái mới cho tiêu dùng và văn hóa du lịch Trung Quốc, Việt Nam và ASEAN phát triển bền vững và chất lượng...
Trong khuôn khổ chương trình, hãng hàng không Vietjet Air đã ký kết hợp tác với Tập đoàn sân bay Hồ Nam nhằm thúc đẩy kết nối hàng không, phát triển mạng bay giữa hai bên, góp phần tăng cường giao lưu kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam - Trung Quốc.