Văn minh hàng không

Nữ tiếp viên hàng không lâu năm nhất lịch sử, từng phục vụ hãng bay của ông Trump

Hà Khanh 16/07/2025 18:13

Bà Bette Nash bắt đầu công việc vào năm 1957 và chưa từng dừng lại cho đến cuối đời.

Khi Bette Nash bắt đầu công việc tiếp viên hàng không vào năm 1957, đó là thời kỳ hoàng kim của ngành hàng không. Vé bay từ New York đến Washington, D.C. chỉ 12 USD (tương đương khoảng 134 USD hiện nay), hành khách không cần đặt chỗ trước, mặc đồ trang trọng như đi lễ nhà thờ và coi mỗi chuyến bay là một sự kiện đặc biệt.

Khoác lên mình bộ đồng phục với găng tay trắng, giày cao gót và mũ pillbox, Bette Nash từng phục vụ tôm hùm, rượu sâm banh, cắt thịt bò ngay trên khoang theo yêu cầu, và phát thuốc lá sau bữa ăn.

Từ đó, rất nhiều điều đã thay đổi đối với ngành hàng không: Giá vé tăng vọt, quy trình kiểm tra an ninh nghiêm ngặt hơn, không gian để chân thu hẹp, trang phục hành khách thoải mái hơn. Thuốc lá cũng không còn. Nhưng có một điều không thay đổi: đó là sự hiếu khách ấm áp và phong cách làm việc chuyên nghiệp của Nash. Bà qua đời ngày 17/5/2024 ở tuổi 88 vì biến chứng của bệnh ung thư.

bette-nash-oldest-flight-attendant-gty-jt-220701_1656707706930_hpmain_16x9_1600.jpg
Cố tiếp viên Bette Nash là người giữ Kỷ lục Guinness Thế giới với sự nghiệp tiếp viên hàng không dài nhất, đồng thời là tiếp viên lớn tuổi nhất. Ảnh: Boston Globe.

Từ chiếc váy đi mượn đến sự nghiệp kỷ lục thế giới

Bà sinh ngày 31/12/1935, tên khai sinh là Mary Elizabeth Burke, trong một gia đình có cha làm kỹ sư quân đội, mẹ tên là Frances (Eilers). Bà lớn lên tại Pleasantville, New Jersey, ngoại ô Atlantic City.

Nash mơ ước làm tiếp viên hàng không từ khi còn là thiếu nữ, sau một chuyến bay cùng mẹ từ New Jersey đến Dayton, Ohio, có dừng ở Washington. Bà kể lại cảm giác ngưỡng mộ khi thấy các phi hành đoàn bước qua sân bay trong bộ đồng phục chỉn chu, thần thái đầy tự tin.

“Hồi đó, làm tiếp viên gần như là đứng trên sân khấu. Thật thanh lịch. Thật lãng mạn. Bay trên trời lúc ấy giống như bước sang một thế giới khác", bà nói với Boston Globe năm 2007.

z6809674488941_abfe66fef54f538c226d8b9bc93e1af6.jpg
Bà Bette Nash vào cuối những năm 1950 khi còn là tiếp viên hàng không của hãng Eastern Airlines.

Sau khi học kinh doanh tại Đại học Sacred Heart ở Belmont, Bắc Carolina, bà trở về New Jersey, làm thư ký pháp lý và chuẩn bị cho kỳ thi tuyển tiếp viên. Trong buổi phỏng vấn với hãng Eastern (nay đã giải thể), bà đi xe buýt từ Atlantic City lên New York, mặc một chiếc váy mượn từ chị gái. Bà đậu, nhưng vẫn phải trải qua chương trình “trường đào tạo duyên dáng” – nơi các tiếp viên được học quy tắc ứng xử, trang phục, an toàn và quy trình bay.

Bà từng làm việc cho Trump Shuttle - hãng hàng không hoạt động trong thời gian ngắn do ông Donald Trump điều hành năm 1989, sau khi tiếp quản một số đường bay của Eastern. Sau đó Bette chuyển sang US Airways và cuối cùng là American Airlines sau khi hai hãng này sáp nhập năm 2015.

Với thâm niên cao nhất trong đội ngũ, Nash có thể chọn bất kỳ tuyến bay nào mình thích. Bà chọn chuyến bay 6h30 sáng từ Washington đến Boston - được các hành khách thân quen gọi là “Nash Dash” - vì nó cho phép bà, một người mẹ đơn thân, kịp về nhà ăn tối với con trai Christian mắc hội chứng Down.

Để thực hiện điều đó, bà thức dậy lúc 2h10 sáng để kịp chuyến bay. Mỗi năm, bà đều vượt qua kỳ sát hạch định kỳ về an toàn và hiệu suất theo quy định của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).

Tuy nhiên vào thời điểm đó, các hãng bay như Eastern có những quy định rất nghiêm khắc với tiếp viên nữ. “Bạn phải kiểm soát cân nặng đều đặn”, bà kể trong một cuộc phỏng vấn với đài WJLA năm 2017. “Nếu tăng cân và không giảm được, họ sẽ cắt lương hoặc cho nghỉ việc”.

Tại buổi lễ vinh danh 60 năm làm việc năm 2017 tại sân bay Reagan National, hãng American Airlines đã trao cho bà đôi bông tai kim cương và quyên góp 10.000 USD cho ngân hàng thực phẩm nơi bà tình nguyện. Sau buổi lễ, bà lại lên máy bay chuẩn bị đón hành khách cho chuyến tiếp theo đi Boston. Khi máy bay lăn bánh ra đường băng, hai xe cứu hỏa đã phun vòi rồng chào tạm biệt – nghi thức thường dành cho các phi công về hưu.

Nhưng Nash vẫn tiếp tục sự nghiệp. Tháng 1/2021, lần đầu tiên bà được kỷ lục Guiness ghi nhận là người có sự nghiệp tiếp viên hàng không lâu nhất thế giới, với tổng số ngày làm việc tính đến thời điểm đó là 64 năm và 61 ngày.

4nyq6uqw2ymbdzmfe6abu4wbty.jpg
Gắn bó gần trọn cuộc đời với bầu trời, Bette Nash đã chứng kiến tận mắt những bước chuyển mình lớn lao của ngành hàng không thế giới. Ảnh: The Washington Post.

Tháng 1/2022, Guinness tiếp tục công nhận Nash là tiếp viên hàng không hoạt động lâu năm nhất ở độ tuổi cao nhất. Ở độ tuổi hiếm có (86 tuổi 4 ngày), bà vẫn năng động phục vụ trên các chuyến bay của American Airlines.

Tổng cộng, Nash gắn bó với nghề tiếp viên hàng không suốt 67 năm và chưa từng chính thức nghỉ hưu.

“Bette là một huyền thoại tại American Airlines và trong toàn ngành. Hãy bay thật cao, Bette. Chúng tôi sẽ nhớ bà”, hãng bay viết khi Bette qua đời.

Niềm đam mê chăm sóc người khác

Theo tờ Catholic Herald, bà và con trai thường tình nguyện giúp đỡ tại kho thực phẩm từ thiện của giáo xứ Sacred Heart.

Việc chăm sóc Christian là một lý do lớn khiến Nash không ngừng làm việc. Nhưng hơn cả thế, bà thực sự yêu công việc của mình vì nó cho phép bà tiếp xúc với đủ mọi tầng lớp xã hội. “Công việc này là cuộc sống xã hội của tôi. Tôi nghiện phong cách sống này”, Nash chia sẻ với Washington Post năm 2007.

Trong gần 7 thập kỷ, Nash phục vụ hàng nghìn hành khách và đồng nghiệp - nhiều người xin bà chụp ảnh hoặc xin chữ ký.

Bất chấp những biến động lớn trong ngành hàng không, đặc biệt sau sự kiện 11/9, bà vẫn luôn tích cực, tận tâm và lan tỏa lòng nhân ái. Hiệp hội Tiếp viên Hàng không chuyên nghiệp viết trong một tuyên bố rằng bà “đã chạm đến vô số trái tim bằng sự ấm áp, cống hiến và phong cách phục vụ không ai sánh bằng".

bette-nash-full-plane-abc-jt-240525_1716655941843_hpembed_10x9.jpg
Điều đã thôi thúc bà theo đuổi công việc là một tiếp viên hàng không, đó chính là niềm đam mê của Nash trong việc chăm sóc và quan tâm đến người khác. Ảnh: ABC News.

Điều gì đã thúc đẩy bà? Là một tiếp viên hàng không, Nash có thể chăm sóc người khác, khiến họ cảm thấy đặc biệt và qua đó, góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Viết trên trang The Points Guy năm 2019, tác giả J.T. Genter mô tả Nash như “làn gió nhân văn khác biệt trên khoang bay".

“Mọi người đều cần một chút tình yêu. Tôi không nói đến việc ôm hôn, dù đôi lúc cũng có. Nhưng điều quan trọng là: con người cần sự chú ý. Bạn không thể mua tình yêu. Bạn không thể mua được sự quan tâm. Nhưng ai cũng cần điều đó. Và nó miễn phí. Bạn có thể trao điều đó cho người khác một cách tự nhiên”, Nash nói với Boston Globe năm 2014.

Theo Theo Các nguồn tham khảo, tồng hợp thông tin báo chí thế giới
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nữ tiếp viên hàng không lâu năm nhất lịch sử, từng phục vụ hãng bay của ông Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO