Ellen Church trở thành một chương trong lịch sử khi trở thành nữ tiếp viên hàng không đầu tiên trên thế giới, thay đổi quan niệm phụ nữ làm việc trên máy bay là một trò đùa.
Từ nữ tiếp viên đầu tiên đến “Sky Girls”
Sinh năm 1904 tại Cresco, bang Iowa, Church lớn lên cùng thời đại hàng không. Cô sinh ra chỉ một năm sau chuyến bay thành công của anh em nhà Wright.
Khi còn nhỏ, Church đã xem máy bay biểu diễn tại hội chợ địa phương. Thi thoảng, một chiếc hạ xuống cánh đồng nông trại gần Cresco. Cô quyết định lớn lên sẽ làm việc trên bầu trời.
Sau khi tốt nghiệp trung học, cô lấy bằng điều dưỡng tại Đại học Minnesota vào năm 1926. Sau đó, cô chuyển đến San Francisco để làm y tá có chứng chỉ hành nghề tại Bệnh viện Pháp. Tại đây, cô thực hiện ước mơ bằng cách tham gia các lớp học lái máy bay và lấy bằng phi công cá nhân.
Mong muốn biến giấc mơ bay thành sự nghiệp, năm 1930 Church đến văn phòng Boeing Air Transport (tiền thân của hãng United Airlines) để xin việc. Cô muốn trở thành phi công, nhưng hãng chỉ tuyển nam giới cho vị trí này.
Steve Simpson, quản lý khu vực tại văn phòng San Francisco, cho biết hãng đang có kế hoạch thuê các tiếp viên nam giống như một số hãng hàng không châu Âu.
Nhận thấy cơ hội, Church đã thuyết phục Simpson tuyển cô bằng cách nhấn mạnh kỹ năng điều dưỡng của mình có thể giúp trấn an hành khách đang sợ hãi khi bay.
Trụ sở Boeing đồng ý cho Church thử việc trong ba tháng và yêu cầu cô tuyển thêm bảy nữ y tá nữa làm việc trên máy bay.
Những nữ y tá này phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Ngoài việc có bằng điều dưỡng, họ không được nặng quá 115 pound (khoảng 52 kg), cao quá 5 feet 4 inch (khoảng 1m63) và phải độc thân. Tuổi tối đa là 25.
Họ cũng phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ vất vả như chăm sóc hành khách bị bệnh hoặc lo lắng, kiểm tra vé, bốc dỡ hành lý, tiếp nhiên liệu cho máy bay, phát bữa ăn, dọn dẹp trong khoang và siết chặt các bu lông giữ ghế ngồi cố định trên sàn.
Những “Cô gái trên trời” (Sky Girls), như hãng gọi họ, nhận mức lương 125 USD mỗi tháng cho 100 giờ bay.
Thử nghiệm ba tháng đã chứng minh thành công của các cô gái này. Hành khách hài lòng với dịch vụ và các hãng hàng không khác cũng bắt đầu tuyển nữ tiếp viên.
Tuy nhiên, Cục Hàng không thuộc Bộ Thương mại Mỹ – được thành lập theo Đạo luật Hàng không Thương mại năm 1926 để điều tiết ngành hàng không – lại không biết cách xử lý chức danh công việc mới này.
Tháng 10/1933, cục báo cáo rằng ba hãng hàng không Mỹ gồm United Airlines, Eastern Air Transport và American Airways đã tuyển 100 nữ tiếp viên.
Mặc dù tuyên bố “không có thẩm quyền đối với các tiếp viên hàng không”, cục vẫn mô tả công việc của họ rằng: “Họ được kỳ vọng sẽ đoán biết và đáp ứng nhu cầu của hành khách, đồng thời tránh gây chú ý không cần thiết”.
Đến tháng 11/1935, số lượng nữ tiếp viên đã tăng lên 197 người. Họ không chỉ làm việc cho United, American và Eastern mà còn cho Braniff Airways, Columbia Airlines, Harnford Airlines, Transcontinental & Western Air và Western Air Express. Ngoài ra, Delta Airlines có hai tiếp viên nam và American Airlines có một người.
Những cô gái hàng không tiếp tục bay cao
Năm 1939, Robert Hambrook thuộc Văn phòng Giáo dục Hoa Kỳ tiến hành phân tích nghề nghiệp nữ tiếp viên hàng không. Ông công bố kết quả trong bản tin Air Commerce Bulletin của Cơ quan Hàng không Dân dụng vào ngày 15 tháng 8 năm 1939.
Trong cuộc khảo sát gửi các hãng hàng không về yêu cầu tuyển dụng, ông nhận thấy dù mỗi hãng có tiêu chí riêng, vẫn tồn tại những tiêu chuẩn phổ biến.
Khi hỏi về tiêu chuẩn cá nhân, một hãng trả lời: “Ứng viên phải có duyên dáng, cá tính, phong thái tự tin, trí thông minh, vẻ ngoài ưa nhìn và tinh tế rõ rệt; có phẩm chất đạo đức tốt; biết ăn mặc đẹp, nói năng rõ ràng, sử dụng tiếng Anh chuẩn mực”.
Ngoài các yêu cầu về chiều cao, cân nặng, tình trạng hôn nhân và độ tuổi tương tự những gì Ellen Church từng đối mặt, hầu hết các hãng đều yêu cầu bằng điều dưỡng.
Một hãng nêu rõ: “Chúng tôi tuyển nữ y tá vì họ được đào tạo y khoa, có kinh nghiệm, giáo dục và kỷ luật bản thân… Yêu cầu này không phải vì công việc cần kinh nghiệm y tế, mà vì các cô gái được đào tạo trong môi trường điều dưỡng có phẩm chất phục vụ công chúng”.
Yêu cầu về bằng điều dưỡng kéo dài cho đến Thế chiến II. Khi chiến tranh nổ ra, nhu cầu y tá cho quân đội Mỹ tăng cao khiến các hãng hàng không không thể tuyển đủ nữ y tá làm tiếp viên. Từ đó, các hãng mở rộng tuyển dụng cho cả những người không có bằng điều dưỡng.
Truyền thông và chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp đã tạo ra hình ảnh khuôn mẫu và đầy hào nhoáng cho các nữ tiếp viên sau chiến tranh, biến họ từ những y tá chuyên nghiệp đảm bảo an toàn và chăm sóc hành khách thành biểu tượng văn hóa của thời trang và nhan sắc.
Để khẳng định vai trò là những người chuyên nghiệp chứ không phải người mẫu, ngày 22/8/1945, năm nữ tiếp viên đã thành lập Nghiệp đoàn Tiếp viên Hàng không đầu tiên – Air Line Stewardess Association.
Công đoàn này ký hợp đồng lao động đầu tiên với United Airlines năm 1946. Hợp đồng nâng mức lương lên 155 USD mỗi tháng, giới hạn số giờ làm việc, quy định thời gian nghỉ và thiết lập quy trình giải quyết khiếu nại.
Năm 1949, công đoàn sáp nhập vào liên đoàn của phi công – Airline Stewards and Stewardesses Association (nay là Association of Flight Attendants).
Gần 20 năm sau chuyến bay đầu tiên của Ellen Church, Cục Quy định An toàn của Hội đồng Hàng không Dân dụng đã đề xuất yêu cầu đầu tiên về tiếp viên khoang hành khách.
Ngày 29/7/1950, Hội đồng ban hành dự thảo quy định yêu cầu: “Mỗi chuyến bay chở hành khách bằng máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa trên 12.500 pound (5.669 kg) phải có ít nhất một tiếp viên đủ năng lực đi kèm”.
Quy định này được làm rõ hơn trong bản dự thảo thứ hai vào ngày 1/9/1951, trong đó yêu cầu: ít nhất một tiếp viên phải có mặt trên các chuyến bay chở từ 10 hành khách trở lên hoặc máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa trên 12.500 pound. Quy định chính thức có hiệu lực vào ngày 25/7/1952.
Church tiếp tục sự nghiệp bầu trời
Dù có được công việc mơ ước, Church buộc phải nghỉ bay sau 18 tháng vì chấn thương trong một vụ tai nạn ô tô. Nhưng điều này không chấm dứt sự nghiệp hàng không của bà.
Mười năm sau, khi Mỹ tham gia Thế chiến II. Ellen gia nhập Quân đoàn Y tá Lục quân và giúp sơ tán thương binh từ châu Phi và Italia bằng máy bay.
Nhờ kinh nghiệm làm việc tại bệnh viện và tổ chức các tiếp viên hàng không, Đại úy Ellen Church được gọi đi huấn luyện các y tá sơ tán cho cuộc đổ bộ D-Day vào Pháp năm 1944.
Ellen Church đã tạo dựng một sự nghiệp mới trong ngành hàng không, vào thời điểm mà nhiều người đàn ông cho rằng việc một phụ nữ làm việc trên máy bay là một trò đùa.
Nhờ đến sự quyết tâm của một phụ nữ trẻ đến từ Iowa, họ đã thay đổi suy nghĩ đó.