Quốc tế



Nữ kỹ sư trưởng COMAC
hiện thực hóa giấc mơ C929

Thu Ngoan 03/05/2025 06:22

Ngành hàng không đòi hỏi sự chính xác cao, công nghệ tối tân và thường được coi là “sân chơi” của nam giới. Thế nhưng một người phụ nữ đã khiến dư luận quốc tế quan tâm khi dẫn dắt một trong những dự án đầy tham vọng của Trung Quốc: chế tạo máy bay thân rộng C929, cạnh tranh trực tiếp với Boeing và Airbus. Đó là bà Triệu Xuân Linh, kỹ sư trưởng của COMAC.

Bà Triệu Xuân Linh giới thiệu thiết kế cabin bên trong mô hình máy bay C929 tại Viện nghiên cứu của COMAC ở Thượng Hải. Ảnh: Xinhua.
. Ảnh: Xinhua.

Với bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược, bà Triệu Xuân Linh (Zhao Chunling), không chỉ là người đứng sau dự án chế tạo máy bay thân rộng C929 mà còn là biểu tượng cho sự bứt phá của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ cao vốn do nam giới thống trị.

Giới truyền thông gọi bà là “người vẽ đường bay mới cho hàng không Trung Quốc” – một danh xưng xứng đáng với vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn của bà trong ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Nữ kỹ sư trưởng của một dự án quốc gia

Bà Triệu Xuân Linh, sinh năm 1969, là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc giữ vị trí kỹ sư trưởng trong một dự án máy bay quy mô quốc gia.

Trong mắt đồng nghiệp, bà là một người “trầm tĩnh, quyết đoán và có khả năng giải bài toán công nghệ phức tạp một cách sắc sảo”.

1(1).jpeg
Bà Triệu Xuân Linh khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế hệ thống phòng không. Ảnh: Xinhua.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Tây Bắc – một trong những trường đại học danh tiếng về kỹ thuật hàng không và quốc phòng tại Trung Quốc – bà Triệu Xuân Linh khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế hệ thống phòng không.

Tuy nhiên, niềm đam mê với hàng không dân dụng đã khiến bà chuyển hướng, gia nhập COMAC năm 2009 – đúng thời điểm Trung Quốc bắt đầu khởi động các chương trình phát triển máy bay dân dụng để giảm sự phụ thuộc vào phương Tây.

Bà từng tham gia và đóng vai trò quan trọng trong các dự án C909 và C919, nhưng dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp chính là khi bà được bổ nhiệm làm kỹ sư trưởng dự án C929. C929 là dòng máy bay thân rộng được Trung Quốc kỳ vọng sẽ trực tiếp cạnh tranh với Boeing 787 và Airbus A350.

C929 – Bước nhảy vọt mang tính chiến lược

Trong bối cảnh ngành hàng không thế giới bị thống trị bởi hai “ông lớn” là Boeing và Airbus, Trung Quốc quyết tâm bước chân vào cuộc chơi bằng chính năng lực nội tại. Dự án C929 là minh chứng rõ nét nhất cho tham vọng này.

Theo thiết kế, C929 có sức chứa tối đa 440 hành khách, tầm bay khoảng 12.000 km, tương đương các chuyến bay xuyên lục địa.

2(1).jpeg
Bà Triệu Xuân Linh giới thiệu thiết kế cabin bên trong mô hình máy bay C929 tại Viện nghiên cứu của COMAC ở Thượng Hải. Ảnh: Xinhua.

Bà Triệu Xuân Linh là người chỉ đạo chính việc hoàn thiện thiết kế tổng thể, thử nghiệm khí động học, lựa chọn vật liệu nhẹ, tiết kiệm nhiên liệu và tích hợp các công nghệ điều khiển bay hiện đại.

Từ năm 2023, dự án bước sang giai đoạn phát triển nguyên mẫu, với các linh kiện đầu tiên dự kiến sẽ được sản xuất vào năm 2027.

Bà Triệu Xuân Linh từng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với SCMP: “Chúng tôi không đơn thuần sản xuất máy bay, mà đang xây dựng niềm tin – cả trong nước lẫn quốc tế – vào năng lực công nghệ của Trung Quốc”.

Khó khăn thầm lặng phía sau bản vẽ

Lĩnh vực hàng không – đặc biệt là thiết kế và chế tạo máy bay – từ lâu là vùng đất của các kỹ sư nam giới. Không chỉ vì yêu cầu kỹ thuật cao, mà còn vì định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ trong các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).

Bằng nghị lực và năng lực vượt trội, bà Triệu Xuân Linh đã phá vỡ định kiến đó. Tại COMAC, bà không chỉ là kỹ sư trưởng, mà còn là người định hướng chiến lược công nghệ, xây dựng đội ngũ kỹ sư nữ kế cận và tích cực truyền cảm hứng cho phụ nữ trẻ bước chân vào ngành kỹ thuật.

3.jpeg
Tại COMAC, bà không chỉ là kỹ sư trưởng, mà còn là người định hướng chiến lược công nghệ, xây dựng đội ngũ kỹ sư nữ kế cận. Ảnh: Xinhua.

Trang Women of China từng gọi bà là “hình mẫu tiên phong của phụ nữ hiện đại trong ngành công nghiệp quốc gia”. Trong khi đó, Xinhua mô tả bà là “người kiến tạo tương lai hàng không Trung Quốc bằng trái tim của một nhà khoa học và bản lĩnh của một người phụ nữ không chịu khuất phục”.

Bà Triệu Xuân Linh từng chia sẻ rằng con đường dẫn đến vị trí hiện tại không hề trải hoa hồng. Làm việc trong một môi trường kỹ thuật khắt khe, với áp lực tiến độ và rủi ro công nghệ cao, bà phải liên tục cập nhật kiến thức, học hỏi từ các dự án quốc tế, và xử lý các tình huống chưa từng có tiền lệ.

4.jpeg
Bà Triệu Xuân Linh luôn làm việc không mệt mỏi để hiện thực hóa giấc mơ chinh phục bầu trời của hàng không Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

“Có những đêm tôi phải xem lại hàng trăm trang bản vẽ chỉ để điều chỉnh một chi tiết nhỏ. Nhưng tôi luôn tự nhắc mình: nếu không làm tốt điều đó hôm nay, ngày mai sẽ chẳng có gì để bay lên”, bà Triệu Xuân Linh chia sẻ trong một hội thảo nội bộ tại COMAC.

Câu chuyện về bà Triệu Xuân Linh không chỉ là hành trình cá nhân, mà còn là biểu tượng cho giấc mơ “tự chủ bầu trời” của Trung Quốc.

Bằng sự tận tụy, bà đang góp phần hiện thực hóa mong muốn đưa thương hiệu máy bay “Made in China” ra thị trường toàn cầu – điều mà vài thập kỷ trước còn là điều không tưởng.

6.jpeg
Bà Triệu Xuân Linh không ngừng học hỏi, cập nhật các công nghệ mới và truyền thụ lại cho các thế hệ kế cận. Ảnh: Xinhua.

“Vị trí, vai trò và những thách thức thay đổi từng ngày, nhưng với tôi, niềm đam mê với hàng không và tinh thần không ngại gian khó thì chưa bao giờ đổi thay” bà Triệu Xuân Linh chia sẻ.

7.jpeg
Với C929, Trung Quốc không chỉ muốn chế tạo một chiếc máy bay, mà còn muốn xây dựng ngành công nghiệp hàng không dân dụng đẳng cấp quốc tế. Ảnh: Xinhua.

Với C929, Trung Quốc không chỉ muốn chế tạo một chiếc máy bay, mà còn muốn xây dựng ngành công nghiệp hàng không dân dụng đẳng cấp quốc tế – từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, đến vận hành và bảo trì. Và người kỹ sư trưởng Triệu Xuân Linh chính là một trong những mắt xích then chốt trong hành trình ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nữ kỹ sư trưởng COMAC hiện thực hóa giấc mơ C929
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO