30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật, 30% điều kiện kinh doanh... sẽ được cắt giảm, mở ra nhiều cơ hội cho hàng không tư nhân ở Việt Nam.
Tại tọa đàm "Nghị quyết 68: Cơ hội của các hãng bay tư nhân Việt Nam" do Tạp chí Hàng không tổ chức, bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể nhận định: Nghị quyết 68 ra đời là một bước đột phá rất lớn về tư duy, về chính sách.
Nghị định 68 tạo ra một động lực, một khuôn khổ pháp lý, thậm chí là khẳng định tầm nhìn và quan điểm cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, Nghị quyết 68 đã khẳng định rất rõ một quan điểm vô cùng quan trọng, đó là: bảo đảm khu vực kinh tế tư nhân được bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực.
Nguồn lực ở đây bao gồm: vốn, đất đai, công nghệ, dữ liệu, và các nguồn lực hợp pháp khác.
Theo bà Trịnh Thị Hương, với quan điểm mạnh mẽ như vậy, Nghị quyết 68 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không.
Giải thích rõ hơn bà Hương nói: “Hàng không là ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi vốn rất lớn, yêu cầu công nghệ cao, kỹ thuật cao, quản trị chuyên sâu, và phải có tư duy chiến lược ở mức độ cao. Cho nên, khi có được các cải cách thể chế mạnh mẽ như Nghị quyết 68 đưa ra, tôi cho rằng nó mở ra cơ hội rất lớn cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là trong hàng không”.
Trong Nghị quyết 68 cũng đã nêu rõ sẽ xử lý nghiêm những hành vi hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền… gây ảnh hưởng đến các cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp khác. Đồng thời, nghị quyết cũng đặt ra một loạt các cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.
“Thực tế làm việc với các doanh nghiệp, không chỉ riêng ngành hàng không, mà cả với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, chúng tôi nhận thấy rằng, mong muốn đầu tiên mà họ chia sẻ là phải tháo gỡ thể chế. Không cần nhà nước hỗ trợ bằng tiền ngay lập tức. Mà quan trọng nhất là có được cơ hội kinh doanh và sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. Đó là điều mà doanh nghiệp cần nhất.
Và nếu trong nửa đầu năm nay mà chúng ta tháo gỡ được phần nào những điểm đó, thì tôi nghĩ chính là đang mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp tư nhân, các nhà đầu tư tư nhân, tham gia vào lĩnh vực hàng không” – bà Hương chia sẻ thêm.
Đồng tình với quan điểm đó, TS Nguyễn Sỹ Dũng - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết 68 chính là cú hích chính sách mà cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.
Mà trong Nghị quyết 68 đã nêu rất rõ, trong năm 2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Đây không chỉ là định hướng, mà là yêu cầu cụ thể.
Hiện nay, vốn điều lệ tối thiểu để thành lập hãng hàng không đang ở mức rất cao, từ 300 – 1.300 tỷ đồng, tùy theo quy mô đội bay. Nhưng thực tế thì con số đó không phản ánh chính xác năng lực khai thác hay hiệu quả tài chính. Nó đang trở thành một rào cản khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân bị loại ngay từ “vòng gửi xe”.
Do đó, rất cần khuyến khích mô hình linh hoạt hơn. Doanh nghiệp có thể khởi điểm nhỏ – rồi sau đó từng bước mở rộng quy mô, đầu tư thêm máy bay, từng bước nâng vốn và năng lực khai thác. Không nên ràng buộc quá cứng ở bước khởi đầu.
Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, phân cấp, phân quyền là xu hướng rõ nét trong điều hành của Nhà nước và đang được thúc đẩy, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Mà muốn thúc đẩy địa phương thì kết nối giao thông hàng không là điều không thể thiếu. Vị chuyên gia này lấy ví dụ cụ thể tại tỉnh Ninh Bình mới: Sau sáp nhập, Ninh Bình mới là 1 không gian kinh tế rộng lớn nên việc doanh nghiệp tư nhân đề xuất xây sân bay tại đây nên được khuyến khích.
Ông cho biết thêm, doanh nghiệp tư nhân khi đầu tư sân bay họ không xin ngân sách, mà tự bỏ vốn. Do đó, họ chính là bên chịu rủi ro và vì thế mà sẽ động lực cao nhất để tính toán hiệu quả đầu tư. Khi đó, Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo. Nếu thấy phát triển cho địa phương thì nên khuyến khích cho họ làm. “Tôi vẫn nghĩ giao quyền cho địa phương ở những sân bay kết nối như vậy” – ông Dũng nói.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp hàng không, ông Lương Hoài Nam - Tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng, với các nhà đầu tư và doanh nghiệp đây là kỳ vọng cơ hội mới mở ra.
“Tôi tin rằng những tinh thần của Nghị quyết 68 đưa vào cuộc sống thì hàng không Việt Nam bao gồm bay trên trời và kinh doanh vận tải hàng không dưới mặt đất như đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng và kinh doanh dịch vụ đều có tiềm năng hết sức to lớn” - ông Lương Hoài Nam cho biết.
Vị chuyên gia hàng không này cũng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang có dư địa tăng trưởng hàng không rất lớn – ước tính có thể tăng hơn 10% so với hiện tại, Nhà nước nên chủ động mời gọi, tạo cơ chế thuận lợi để tư nhân tự tin đầu tư.
Đồng tình với quan điểm của ông Lương Hoài Nam, bà Trịnh Thị Hương cũng nhận định, tiềm năng của thị trường hàng không Việt Nam dành cho khu vực tư nhân là rất lớn.
Và với những quan điểm, chính sách đột phá như trong Nghị quyết 68, bà Hương cho rằng, thời gian tới, sẽ mở ra cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia sâu hơn, thực chất hơn vào lĩnh vực hàng không.