Nga hé lộ hình ảnh nhà máy sản xuất UAV cảm tử quy mô lớn nhất thế giới
Phương Thảo•22/07/2025 17:40
Nga đã tăng tốc cuộc chiến tiêu hao với Ukraine bằng chiến thuật UAV ồ ạt, đồng thời lần đầu công bố hình ảnh bên trong trung tâm sản xuất máy bay không người lái khổng lồ của mình.
Từ đầu tháng 7/2025, Ukraine chứng kiến một loạt các cuộc tấn công quy mô lớn bằng UAV do Nga thực hiện, với cường độ và số lượng chưa từng thấy kể từ đầu xung đột.
Đêm 20-21/7, Lực lượng Vũ trang Nga tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Kiev, sử dụng hơn 420 UAV và 24 tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo.
Các chuyên gia quốc phòng phương Tây gọi chiến thuật này là “bầy đàn UAV” – một dạng chiến tranh tiêu hao bằng công nghệ giá rẻ.
Điểm cốt lõi không chỉ nằm ở việc phá hoại vật chất mà còn là làm kiệt sức hệ thống phòng không Ukraine, vốn đã chịu áp lực kéo dài từ năm 2022 đến nay.
Khi phòng không Ukraine quá tải
Ukraine đã được viện trợ nhiều hệ thống phòng không hiện đại như NASAMS, IRIS-T, Patriot, cùng các radar cảnh giới tối tân. Nhưng bài toán đặt ra hiện nay không còn là chất lượng đánh chặn, mà là sức chịu đựng trước số lượng áp đảo.
Một số báo cáo từ Bộ Quốc phòng Ukraine cho thấy trong các đợt tấn công bằng hàng trăm UAV, tỷ lệ đánh chặn giảm xuống còn dưới 60%.
Riêng trong 2 ngày 20- 21/7, lực lượng Vũ trang Nga tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Kyiv, sử dụng hơn 420 UAV và 24 tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo.
Hệ thống phòng không không thể phân loại, xử lý cùng lúc hàng loạt mục tiêu bay thấp, tốc độ chậm, phân tán theo nhóm nhỏ, liên tục thay đổi hướng bay. Điều đó khiến nhiều UAV lọt qua và gây thiệt hại thực tế.
Cuộc chiến giữa UAV giá rẻ và tên lửa phòng không đắt đỏ càng bộc lộ sự chênh lệch đơn cử như mỗi UAV Geran-2 tiêu tốn khoảng 20.000–50.000 USD. Trong khi đó, một quả tên lửa Patriot đánh chặn có giá lên đến 3–5 triệu USD.
Sự bất đối xứng về chi phí khiến Ukraine tiêu hao nguồn lực nhanh hơn cả về tài chính lẫn số lượng đạn dự trữ.
Alabuga - Hậu phương thầm lặng biến UAV thành vũ khí tiêu hao
Đằng sau làn sóng UAV Geran-2 là nhà máy Alabuga, tọa lạc trong khu kinh tế đặc biệt tại Cộng hòa Tatarstan (Nga). Đây là nơi lắp ráp hàng loạt các UAV cảm tử Geran-2 – phiên bản do Nga sản xuất dựa trên thiết kế Shahed-136 của Iran.
Một đoạn phóng sự của truyền hình Zvezda mới đây cho thấy hàng trăm UAV màu đen xếp hàng trong các nhà xưởng hiện đại, sẵn sàng đưa ra tiền tuyến.
Alabuga giờ đây không chỉ là cơ sở công nghiệp, mà là trái tim của chiến lược chiến tranh tiêu hao bằng UAV.
Bên trong nhà máy sản xuất UAV Geran 2.
Báo chí phương Tây gọi đây là “nhà máy chết chóc”, nơi không ngừng xuất xưởng các thiết bị bay cảm tử với tốc độ công nghiệp hóa.
Ước tính, nhà máy có thể sản xuất tới 170–190 chiếc UAV Geran-2 mỗi ngày, đạt quy mô lớn nhất thế giới đối với UAV cảm tử.
Không giống như các tên lửa cần bệ phóng cố định hoặc UAV truyền thống bay từ sân bay quân sự, Geran-2 được phóng từ các xe bán tải độ chế.
Geran-2 được xem là UAV tự sát hiệu quả hàng đầu thế giới.
Gần đây, nhiều hình ảnh cho thấy Nga thậm chí dùng xe RAM do Mỹ sản xuất làm bệ phóng di động. Việc triển khai từ những bệ phóng cơ động như vậy giúp Nga tăng tính bất ngờ, giảm nguy cơ bị phát hiện trước khi UAV cất cánh.
Các UAV bay thấp, bay theo từng cụm nhỏ nhưng xuất hiện dồn dập tạo nên thế trận “ngập lụt phòng không”, ép radar phải hoạt động quá công suất.
Chiến tranh tiêu hao kiểu mới
Chiến lược của Nga đang ngày càng rõ nét là không phụ thuộc vào công nghệ cao cấp mà dựa vào khả năng sản xuất đại trà và chi phí rẻ.
UAV không cần chính xác tuyệt đối. Chúng chỉ cần đủ để gây nhiễu, làm chậm nhịp sống, phá hủy một phần hạ tầng và quan trọng hơn cả buộc đối phương phải tiêu tốn tài nguyên phòng thủ mỗi ngày.
“
Đây là mô hình chiến tranh công nghiệp hóa thời hiện đại. Nga không nhắm đến tiêu diệt toàn bộ hạ tầng của Ukraine, mà muốn làm mòn khả năng kháng cự bằng những đòn tấn công liên tục, rẻ tiền, dễ sản xuất.
Chuyên gia quân sự Justin Bronk - Viện RUSI, Anh
Trong khi đó, Ukraine phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt đạn phòng không, trong bối cảnh viện trợ phương Tây bị gián đoạn, còn năng lực sản xuất nội địa chưa thể bù đắp kịp.
Cuộc chiến Nga – Ukraine đang bước sang một giai đoạn khác. Đó là không còn là đối đầu quân sự đơn thuần, mà là cuộc đọ sức giữa mô hình hậu cần, công nghiệp và sức bền kinh tế.
Nếu Ukraine không sớm có chiến lược phòng không mới sử dụng vũ khí đánh chặn chi phí thấp hơn như UAV phòng thủ, pháo laser, súng điện từ, AI phân loại mục tiêu thì mỗi đêm tấn công sẽ là một bước hao mòn không thể đảo ngược.
Trong khi đó, với Alabuga làm trung tâm sản xuất, Nga đang chứng minh rằng trong chiến tranh hiện đại, chiến thắng đôi khi không nằm ở vũ khí mạnh hơn, mà ở việc sản xuất nhanh và nhiều hơn đối thủ.
Theo Các nguồn tham khảo, tổng hợp thông tin báo chí thế giới
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.