Trước những biến động khó lường của giá nhiên liệu toàn cầu, nhiều hãng hàng không đã áp dụng chiến lược bảo hiểm rủi ro nhiên liệu (Fuel Hedging) như một cách để kiểm soát chi phí và duy trì sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, trong thực tế, chiến lược này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả như kỳ vọng – thậm chí có thể trở thành gánh nặng nếu thị trường diễn biến ngoài dự đoán.
Ngành hàng không là một trong những ngành có chi phí vận hành cao, trong đó nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn và luôn biến động theo thị trường dầu mỏ toàn cầu. Những biến động về giá nhiên liệu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các hãng hàng không, gây ra tình trạng thua lỗ nghiêm trọng nếu không có biện pháp quản lý tài chính hiệu quả. Chính vì vậy, nhiều hãng hàng không đã áp dụng "Chiến lược bảo hiểm rủi ro nhiên liệu" (Fuel Hedging) để bảo vệ bản thân mình.
Bảo hiểm rủi ro nhiên liệu là một công cụ tài chính giúp các hãng hàng không cố định hoặc giới hạn mức giá nhiên liệu phải trả trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này có thể giúp các hãng tránh được những biến động mạnh của thị trường và đảm bảo rằng chi phí nhiên liệu không tăng đột biến gây ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Bảo hiểm rủi ro nhiên liệu hoạt động thông qua các công cụ tài chính như hợp đồng tương lai, quyền chọn hoặc hợp đồng giao ngay. Khi dự đoán giá nhiên liệu có xu hướng tăng, các hãng hàng không sẽ ký hợp đồng mua nhiên liệu với mức giá cố định trong một khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ, nếu một hãng hàng không dự báo giá nhiên liệu sẽ tăng mạnh trong 6 tháng tới, họ có thể ký hợp đồng mua nhiên liệu với mức giá 3 USD/gallon. Nếu giá thị trường thực sự tăng lên 4 USD/gallon, hãng sẽ tiết kiệm được 1 USD/gallon, giúp giảm đáng kể chi phí vận hành.
Như vậy lợi ích lớn nhất của bảo hiểm rủi ro nhiên liệu là giúp các hãng hàng không ổn định chi phí và dễ dàng lập kế hoạch tài chính. Khi biết trước mức giá nhiên liệu phải trả trong tương lai, các hãng có thể tính toán chi phí vận hành chính xác hơn, qua đó đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các hãng hàng không giá rẻ, bởi những hãng hàng không này thường có biên lợi nhuận thấp và bất kỳ sự gia tăng nào về chi phí nhiên liệu cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh của hãng.
Lý do các hãng hàng không sử dụng bảo hiểm rủi ro nhiên liệu là bởi giá nhiên liệu luôn có xu hướng dao động mạnh. Trong lịch sử, thị trường dầu mỏ đã có những biến động rất lớn. Giai đoạn từ năm 2008 đến 2014 là một ví dụ điển hình khi giá dầu thô tăng vọt lên mức hơn 140 USD/thùng rồi giảm xuống dưới 40 USD/thùng. Điều này khiến các hãng gặp rất nhiều khó khăn trong việc dự đoán chi phí nhiên liệu và nếu không có biện pháp bảo vệ, họ có thể rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề.
Những yếu tố ảnh hưởng đến giá nhiên liệu rất đa dạng, bao gồm bất ổn địa chính trị, thiên tai và chính sách năng lượng. Xung đột, chiến tranh tại các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ có thể làm gián đoạn nguồn cung, đẩy giá nhiên liệu tăng cao. Các thảm họa thiên nhiên như bão, động đất có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy lọc dầu hoặc hệ thống vận chuyển nhiên liệu, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và khiến giá tăng đột biến. Ngoài ra, chính sách của các chính phủ về thuế nhiên liệu hoặc việc khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo cũng có thể ảnh hưởng đến giá dầu mỏ truyền thống.
Mặc dù vậy, bảo hiểm rủi ro nhiên liệu cũng đi kèm với nhiều rủi ro khó dự đoán. Nếu giá nhiên liệu giảm, doanh nghiệp vẫn phải mua với giá cao theo hợp đồng đã ký, dẫn đến tổn thất lớn. Đây chính là rủi ro lớn nhất của bảo hiểm rủi ro nhiên liệu. Chính sự biến động không theo dự đoán của thị trường dầu mỏ thế giới đã khiến chiến lược này trở thành "con dao hai lưỡi".
Bên cạnh đó, chi phí ký quỹ và phí bảo hiểm thường rất cao, tạo ra áp lực tài chính đáng kể. Thị trường dầu mỏ biến động khó lường, ngay cả những chuyên gia tài chính cũng không thể dự đoán chính xác giá nhiên liệu trong tương lai. Tất cả những điều này khiến nhiều hãng hàng không rơi vào tình trạng lỗ lớn khi sử dụng chiến lược bảo hiểm rủi ro nhiên liệu sai thời điểm.
Một trong những ví dụ điển hình về việc sử dụng bảo hiểm rủi ro nhiên liệu sai thời điểm đến từ hãng hàng không giá rẻ lớn nhất của Mỹ là Southwest Airlines.
Aerotime ngày 31/3 đưa tin, Southwest Airlines vừa tiết lộ rằng hãng đã hủy bỏ chính sách phòng ngừa nhiên liệu với lý do nó không còn khả thi về mặt kinh tế, gây tốn kém, không hiệu quả.
Southwest từng được coi là doanh nghiệp thành công nhất trong việc sử dụng chiến lược bảo hiểm rủi ro nhiên liệu, khi liên tục khóa giá nhiên liệu ở mức thấp trong suốt 17 năm, giúp tiết kiệm hàng tỷ USD so với đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Southwest Airlines đã bắt đầu thua lỗ vì chiến lược này. Giá nhiên liệu giảm mạnh đã khiến hãng mất tới hơn 247 triệu USD chỉ trong một quý, buộc họ phải xem xét lại việc sử dụng chiến lược bảo hiểm rủi ro nhiên liệu để tránh những tổn thất lớn hơn trong tương lai.
Theo Wall Street Journal, các hãng hàng không lớn khác của Mỹ như Delta Airlines, American Airlines và United Airlines cũng đều đã hủy bỏ việc tham gia bảo hiểm rủi ro nhiên liệu từ nhiều năm trước.
Ở Việt Nam, Jetstar Pacific là một ví dụ về thất bại của việc sử dụng chiến lược bảo hiểm rủi ro nhiên liệu. Theo đó, hãng này đã ký hợp đồng mua nhiên liệu với mức giá 126 USD/thùng và sau đó là 137 USD/thùng, nhưng không may, giá nhiên liệu lại giảm xuống chỉ còn 100 USD/thùng. Điều này khiến Jetstar Pacific chịu tổn thất hàng trăm tỷ đồng, một khoản lỗ khổng lồ đối với một hãng hàng không vốn đã gặp nhiều khó khăn về tài chính.
Trước những rủi ro của chiến lược bảo hiểm rủi ro nhiên liệu, một số hãng hàng không đã tìm kiếm các giải pháp khác thay thế nhằm kiểm soát chi phí nhiên liệu. Biện pháp phổ biến nhất là tăng giá vé hoặc thu phụ phí nhiên liệu khi giá nhiên liệu tăng cao. Điều này giúp các hãng chuyển một phần chi phí sang khách hàng, giảm bớt gánh nặng tài chính.
Ngoài ra, một số hãng còn sử dụng cách đàm phán với nhà cung cấp nhiên liệu để có được mức giá tốt hơn. Các hãng hàng không lớn thường ký hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp nhằm hưởng mức giá nhiên liệu ưu đãi.
Bên cạnh đó, việc tối ưu hóa đội bay cũng là một cách hiệu quả để giảm chi phí nhiên liệu. Nhiều hãng hàng không đã đầu tư vào các loại máy bay mới tiết kiệm nhiên liệu hơn, song song với việc tối ưu hóa đường bay để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu. Những chiến lược này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường - yếu tố ngày càng được quan tâm trong ngành hàng không.
Chiến lược bảo hiểm rủi ro nhiên liệu là một công cụ quan trọng giúp các hãng hàng không bảo vệ mình khỏi sự biến động của giá nhiên liệu, nhưng nó cũng mang lại nhiều rủi ro nếu không được quản lý đúng cách. Những bài học từ Southwest Airlines, Jetstar Pacific cho thấy rằng, mặc dù có thể mang lại lợi ích trong ngắn hạn, bảo hiểm rủi ro nhiên liệu có thể trở thành gánh nặng tài chính lớn nếu giá nhiên liệu không diễn biến như dự đoán. Vì vậy, thay vì chỉ dựa vào một chiến lược, các hãng cần kết hợp nhiều chiến lược khác nhau để đảm bảo sự ổn định tài chính trong dài hạn.