Các doanh nghiệp logistics, vận tải hàng không cho rằng, với thoả thuận thương mại Việt - Mỹ mới, hoạt động vận tải hàng không kỳ vọng sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt thời gian tới.
Đặc biệt, lượng hàng hóa từ Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam có thể sẽ tăng hơn, tạo cơ hội phát triển vận tải hàng không trong bối cảnh nhiều hãng hàng không Việt Nam đang có ý định phát triển lĩnh vực air cargo.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, khoảng 20h ngày 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Mỹ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.
Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Mỹ, trong đó có xe ô tô phân khối lớn. Ông khẳng định Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trên trên mạng xã hội Truth Social, ông Donald Trump cũng chia sẻ, Việt Nam sẽ chịu mức thuế 20% thay vì mức đề xuất ban đầu là 46%, cho mọi hàng hóa đưa vào Mỹ và chịu mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển. Đổi lại, Việt Nam sẽ trao cho Mỹ quyền tiếp cận thị trường để giao thương.
Trao đổi với Tạp chí Hàng không, các doanh nghiệp đều đang chờ mức thuế chính thức và chi tiết được công bố. Trong trường hợp khung thuế thực tế rơi vào khoảng 20% thì đây vẫn là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, dù cao hơn kỳ vọng ban đầu của nhiều doanh nghiệp, ở mức 10-15%.
Điều này vẫn giúp hàng hóa Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa từ các quốc gia khác trong khu vực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ.
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA) cho biết, trong ba tháng qua, lĩnh vực vận tải tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới diễn biến sôi động.
Các doanh nghiệp đẩy mạnh giao hàng trước thời điểm hết hạn tạm hoãn thuế đối ứng (9/7) khiến nhu cầu vận tải tăng cao. Hiện, ngoài việc chờ kết quả cụ thể liên quan đến chính sách thuế quan mà Việt Nam và Mỹ đã đạt được trong ngày 2/7, các doanh nghiệp cũng đang chờ kết quả mức thuế Mỹ áp lên các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ…
Nguyên nhân là do điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt tại thị trường Mỹ. Khi đó, vận tải hàng hóa từ Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng.
Theo ông Khoa, so với mức thuế 46% mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất ban đầu, mức thuế 20% tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ.
“Thuế suất giảm, sức mua sẽ tăng. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu có ký được đơn hàng thì doanh nghiệp vận tải mới cùng phát triển được”, ông Khoa chia sẻ.
Ngoài việc giảm thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường Mỹ, việc Việt Nam mở cửa mạnh mẽ hơn cho hàng hóa từ Mỹ cũng là vấn đề các doanh nghiệp quan tâm.
Trên mạng xã hội Truth, Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Mỹ, trong đó có ôtô phân khối lớn.
Ông khẳng định Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.
Theo ông Khoa, sau khi giảm thuế, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội sử dụng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với giá tốt hơn. Ngoài ra, bên cạnh chính sách thuế, các hàng rào phi thuế quan khi được cải thiện sẽ giúp giao thương hàng hóa giữa hai nước thuận lợi hơn. Lượng hàng hóa nhập khẩu cũng sẽ tăng, tạo cơ hội cho hoạt động vận tải phát triển.
Ông Đào Đức Vũ – Tổng giám đốc Vietravel Airlines cũng cho rằng, sẽ còn cần thêm thời gian để đánh giá chính xác các tác động của chính sách thuế quan mà Mỹ và Việt Nam vừa đạt được.
Tuy nhiên, ông Vũ khẳng định rằng, với việc tách bạch mức thuế đối ứng đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và hàng trung chuyển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước khi xuất khẩu vào Mỹ.
Riêng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn nhu cầu rất lớn đối với hàng hóa từ Mỹ. Một khi các chính sách thuế quan được cải thiện, thuế suất giảm về mức hấp dẫn chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho hoạt động thương mại điện tử phát triển.
Theo ông Vũ, trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực air cargo, sự phát triển của thương mại điện tử sẽ là một “đòn bẩy”, tạo sức bật cho ngành.
Trong khi đó, một số chuyên gia cũng tin tưởng, vận tải hàng không sẽ là phương thức ưu tiên cho các mặt hàng có giá trị cao, cần giao nhanh, đặc biệt trong giai đoạn quý III–IV/2025 khi nhu cầu tiêu dùng Mỹ bước vào mùa cao điểm.
Tuy vậy, Việt Nam hiện chưa có hãng vận tải hàng hóa chuyên biệt thuần túy (freighter airline). Việc nhu cầu vận tải hàng hóa tăng mạnh sang Mỹ có thể là động lực để các hãng cân nhắc đầu tư vào tàu bay chở hàng riêng biệt, đặc biệt là dòng thân rộng như Boeing 777F hoặc Airbus A330F.
Ngoài ra, các hãng logistics trong nước cũng có thể tận dụng thời điểm này để liên kết với các đối tác Mỹ nhằm thiết lập mạng vận chuyển xuyên Thái Bình Dương ổn định.
Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 5 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 57,2 tỷ USD. Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường này 49,9 tỷ USD, tăng 29%.