Kinh doanh

Giá cước vận chuyển hàng không biến động mạnh sau thông tin Mỹ áp thuế cao lên nhiều nước

Nam Bình 06/04/2025 06:12

Trong vài ngày qua, giá cước vận tải hàng không đã có xu hướng tăng mạnh trở lại trước nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến Mỹ tăng cao của nhiều doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tác động bởi chính sách thuế quan mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

cac-loai-hang-hoa-van-chuyen-bang-duong-hang-khong.png

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho rằng, các thay đổi về thuế quan và thương mại dưới chính quyền mới của ông Trump là một mối quan ngại lớn, nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích tiềm năng cho lĩnh vực vận tải bằng đường hàng không trong thời gian tới.

Giá cước vận chuyển hàng không thay đổi khó lường

Khảo sát của Tạp chí Hàng không OpenSky cho thấy, trong vài ngày qua, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không vào Mỹ đã tăng mạnh, giữa lúc các doanh nghiệp gấp rút đưa hàng vào nước này trước khi các biện pháp thuế quan diện rộng của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực.

Cụ thể, theo dữ liệu mới nhất từ công ty theo dõi thị trường Xeneta, chi phí trung bình để vận chuyển hàng hóa tức thời bằng đường hàng không từ Trung Quốc đến Mỹ vào tuần cuối tháng 3 đã tăng 37% so với tuần đầu tháng lên 4,14 USD/kg.

Điều này đảo ngược xu hướng giảm đều đặn của chi phí này kể từ cao điểm mùa mua sắm Giáng sinh hồi cuối năm 2024.

Chi phí trung bình để gửi hàng bằng đường hàng không từ châu Âu đến Mỹ cũng đã tăng 7% lên 2,61 USD/kg vào cùng kỳ.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng chi nhiều hơn cho khâu vận chuyển, sử dụng đường hàng không thay vì đường biển, để giảm thiểu tác động từ mức thuế đối ứng cao bất ngờ mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố hôm 2/4 vừa qua.

Mặc dù tăng, giá cước giao ngay cho vận tải hàng không Trung Quốc - Mỹ vẫn thấp hơn mức cách đây một năm. Thời điểm đó, khối lượng xuất khẩu lớn từ các nhà bán lẻ Trung Quốc và các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào tàu thuyền ở Biển Đỏ đã thúc đẩy hoạt động vận tải hàng không tăng trưởng đáng kể.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Vinafreight (VNF) hồi cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Anh Minh – Tổng giám đốc Vinafreight - đơn vị chuyên về vận tải hàng không, cho biết, giá cước của hoạt động vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không đã giảm mạnh từ năm ngoái đến tháng 3 năm nay.

“Cước vận chuyển hàng không đi Mỹ vào thời điểm đầu và giữa năm ngoái có thể đạt 6-6.5 USD nhưng hiện nay chỉ còn khoảng hơn 4 USD… Ngoài ra, cước đường biển cũng giảm tương tự” – Tổng Giám đốc Vinafreight Nguyễn Anh Minh chia sẻ tại ĐHĐCĐ của doanh nghiệp này hôm 28/3.

Việc cước phí vận chuyển giảm mạnh so với trước khiến Vinafreight phải dự trù trường hợp tổng doanh thu trong năm 2025 giảm theo, mặc dù tổng sản lượng kinh doanh vẫn được các nhà điều hành doanh nghiệp này lên kế hoạch tăng so với năm trước, dự phóng dựa trên quy mô phát triển của nền kinh tế.

Vị Tổng Giám đốc Vinafreight cho rằng, đây là vấn đề khách quan mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Theo đó, sau năm 2024 có kết quả kinh doanh khởi sắc, Ban lãnh đạo Vinafreight đệ trình cổ đông kế hoạch năm 2025 đi lùi, với chỉ tiêu doanh thu 1.550 tỷ đồng và lãi trước thuế 54 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 47%. Công ty dự kiến vẫn duy trì mức cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%.

Air Cargo 2
Cước phí vận chuyển bằng đường hàng không đi Mỹ đã giảm từ đầu năm 2024, ở mức 6 - 6,5 USD/kg xuống còn 4USD/kg hiện nay. Ảnh minh họa.

Trả lời câu hỏi từ cổ đông, ông Minh cho biết kết quả tốt năm 2024 nhờ vào điều kiện khách quan về giá cước vận chuyển hàng không, cũng như biên lợi nhuận thuận lợi từ mảng tổng đại lý hàng không của công ty con là TNHH Dịch vụ Hàng không Véc Tơ Quốc Tế (Vector Aviation). Tuy nhiên, doanh thu và mức lợi nhuận trong năm 2025 có thể giảm do xu hướng giảm giá cước hiện nay.

Một báo cáo mới đây của WorldACD cũng cho thấy, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ đã giảm từ sau Tết Nguyên đán 2025 và hàng chục chuyến bay chở hàng thương mại điện tử đã bị hủy.

Theo WorldACD, lượng hàng hóa từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ đã giảm mạnh 20% trong tuần cuối tháng 1 và giảm thêm 28% trong tuần đầu tháng 2 so với tuần liền trước, khiến lượng hàng hóa giảm 41% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân một phần do dịp Tết Nguyên đán, phần khác do thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với hàng thương mại điện tử nhập khẩu.

WorldACD cũng cho rằng, giá cước vận tải hàng không loại giao ngay từ Trung Quốc đến châu Âu đã giảm khoảng 2% trong tuần cuối tháng 1 và giảm thêm 4% trong tuần đầu tháng 2/2025, xuống còn 3,91 USD/kg - gần bằng mức giá trong khoảng thời gian cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 1/2025, giá cước giao ngay từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ đã giảm 7% và tiếp tục giảm thêm 3% trong tuần đầu tháng 2/2025, xuống còn 3,99 USD/kg.

Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì mức cước phí đã giảm đến 19%, trong khi giá từ Hồng Kông đến Hoa Kỳ giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không vẫn tăng trưởng tốt

Mặc dù giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đang có những thay đổi khó lường, các chuyên gia vẫn dự báo rằng, khối lượng hàng hóa đường hàng không sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2025.

Trong một báo cáo phát hành hồi cuối năm 2024, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, khối lượng hàng hóa đường hàng không sẽ tăng trưởng 5,8% vào năm 2025, với nhiều xu hướng thuận lợi từ thương mại điện tử và nhu cầu tại khu vực Biển Đỏ, bất chấp các thách thức địa chính trị và chi phí.

Air Cargo 3
Hàng hóa tại ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: SCSC.

Cụ thể, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không được IATA dự báo sẽ tăng 5,8% so với cùng kỳ, đạt 72,5 triệu tấn vào năm 2025, nhờ nhu cầu từ thương mại điện tử và vận tải liên quan đến khu vực Biển Đỏ.

IATA cũng cho rằng, giá cước vận tải hàng không đối với hàng hóa dự kiến giảm 0,06 USD so với năm 2024 và thấp hơn 24,4% so với mức của năm 2014. Dẫu vậy, theo IATA, có nhiều xu hướng được kỳ vọng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng không vào năm 2025.

Những yếu tố này bao gồm sự bất ổn địa chính trị kéo dài trong các tuyến vận tải biển qua Kênh đào Suez và sự bùng nổ của thương mại điện tử xuất phát từ khu vực Châu Á.

IATA nhấn mạnh rằng, các thay đổi về thuế quan và thương mại dưới chính quyền mới của ông Trump là một mối quan ngại lớn, nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích tiềm năng.

Theo đó, thuế quan và các cuộc chiến thương mại có thể làm giảm nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và có khả năng ảnh hưởng đến các chuyến công tác. Nếu những chính sách này làm tăng lạm phát dẫn đến lãi suất cao hơn như một biện pháp đối phó, tác động tiêu cực lên nhu cầu sẽ càng trầm trọng.

Tuy nhiên, nếu chính quyền mới tiếp tục chính sách thân thiện với doanh nghiệp như nhiệm kỳ đầu của ông Trump, các lợi ích từ việc giảm quy định và đơn giản hóa kinh doanh có thể rất đáng kể.

osky.1cdn.vn-2025-03-20-_mr-khoa.jpg

Hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đã dần phục hồi, hoạt động vận tải hàng không cơ bản đảm bảo an toàn.

Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)

Tại Việt Nam, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), thông tin, lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không đã đạt 1.3 triệu tấn vào năm 2023 và đạt mốc hơn 1,5 triệu tấn vào năm 2024, đứng thứ 20 thế giới về quy mô thị trường vận tải hàng không và thứ 22 về thương mại quốc tế liên quan đến vận tải hàng không .

“Con số này phản ánh tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam trong việc kết nối các trung tâm sản xuất và tiêu dùng trên toàn thế giới. Hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đã dần phục hồi, hoạt động vận tải hàng không cơ bản đảm bảo an toàn”, ông Đào Trọng Khoa khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch VLA, hạ tầng hàng không tại Việt Nam cũng đang được nâng cấp mạnh mẽ. Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Long Thành sẽ trở thành những trung tâm logistics chiến lược, kết nối Việt Nam với hơn 88 sân bay quốc tế tại 30 quốc gia. Những dự án này không chỉ giúp mở rộng năng lực vận tải, mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ logistics khu vực.

Qatar Airways
Qatar Airways - một trong những hãng hàng không có sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng đầu ở thị trường phía Nam, bắt đầu sử dụng dịch vụ Nhà ga hàng hóa của SCSC từ đầu tháng 2/2024. Ảnh: SCSC.

Bên cạnh đó, kể từ năm 2014, chỉ số kết nối hàng không quốc tế của Việt Nam đã tăng 63% trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 126% với các khu vực khác trên thế giới. Điều này cho thấy sự mở rộng mạnh mẽ của mạng lưới hàng không quốc tế của Việt Nam, giúp thúc đẩy thương mại, du lịch và hợp tác kinh tế.

“Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam khiến nhu cầu và yêu cầu giao hàng nhanh tăng cao, tạo cơ hội cho vận tải hàng không, đồng thời đòi hỏi sự đổi mới trong vận tải hàng không và chuỗi cung ứng”, ông Đào Trọng Khoa nhận định.

Nổi bật
Mới nhất
Giá cước vận chuyển hàng không biến động mạnh sau thông tin Mỹ áp thuế cao lên nhiều nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO