Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ phát triển một phiên bản F-35 hai động cơ mang tên “F-55” và cả phiên bản nâng cấp tiêm kích tàng hình “F-22 Super”.
Theo Airandspaceforces, tuyên bố của ông Trump đang làm dấy lên sự quan tâm của giới chuyên môn liệu không quân Mỹ có đang chuẩn bị cho một thế hệ tiêm kích hoàn toàn mới hay không?
“Tôi gọi nó là F-55 – một bản nâng cấp vượt trội. Một phiên bản của F-35 với cấu hình hai động cơ” Tổng thống Trump tuyên bố trong cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp ở thủ đô Doha của Qatar, ngày 15/5, trong chuyến thăm nước này.
Tổng thống Trump nhấn mạnh lý do cần thay đổi là vì ông “không thích máy bay một động cơ,” do rủi ro cao nếu động cơ duy nhất gặp sự cố trên không. F-55, theo mô tả của ông, sẽ khắc phục điểm yếu này, đồng thời mang lại hiệu suất chiến đấu cao hơn, miễn là chi phí phát triển ở mức hợp lý.
Tuy nhiên, các chuyên gia kỹ thuật nhận định việc thêm động cơ thứ hai sẽ đòi hỏi thiết kế lại toàn bộ máy bay, dẫn đến tăng trọng lượng, giảm khả năng cơ động và tầm bay.
Điều này đồng nghĩa F-55 sẽ không chỉ đơn thuần là bản nâng cấp mà sẽ trở thành một dòng tiêm kích hoàn toàn mới với chi phí phát triển có thể lên tới hàng chục tỷ USD.
Nếu được triển khai, F-55 nhiều khả năng sẽ cạnh tranh trực tiếp với tiêm kích thế hệ mới F-47 của Boeing. Tuy nhiên, việc dựa trên khung thân F-35 có thể khiến F-55 khó vượt trội về khả năng tàng hình và công nghệ so với F-47.
Không dừng lại ở đó, Tổng thống Trump còn đề cập đến kế hoạch phát triển phiên bản nâng cấp của tiêm kích F-22 với tên gọi “F-22 Super”. Ông mô tả đây sẽ là một phiên bản “rất hiện đại” của chiếc máy bay chiến đấu mà ông gọi là “đẹp nhất thế giới”.
Ông Trump cho rằng Trung Quốc đã “sao chép” thiết kế F-22 để phát triển các dòng tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của riêng mình, nhưng nhấn mạnh Bắc Kinh “khó có thể sao chép động cơ và những công nghệ khác trong thời gian ngắn”.
Hiện nay, không quân Mỹ đang tiến hành nâng cấp F-22 với nhiều cải tiến về tên lửa tầm xa, hệ thống ngắm mục tiêu hồng ngoại, thùng nhiên liệu, giá treo vũ khí tàng hình và thiết bị điện tử hiện đại.
Mục tiêu nâng cấp là nhằm duy trì năng lực trong lúc chương trình tiêm kích thế hệ sáu F-47 vẫn đang phát triển. Tuy nhiên, tên gọi “F-22 Super” mà ông Trump nhắc tới chưa từng được chính thức công bố.
Giới quan sát cho biết chưa từng nghe đến các dự án mang tên “F-55” hay “F-22 Super”. Khi được hỏi, không quân Mỹ đã chuyển câu hỏi về Nhà Trắng, trong khi Hội đồng An ninh Quốc gia từ chối bình luận. Văn phòng Chương trình F-35 cũng không phản hồi.
Lockheed Martin – nhà thầu chính của cả hai chương trình F-35 và F-22 – chỉ đáp lại ngắn gọn: “Chúng tôi cảm ơn Tổng thống Trump về sự ủng hộ và sẽ tiếp tục phối hợp để hiện thực hóa tầm nhìn về ưu thế trên không.” Công ty từ chối bình luận thêm và hướng mọi câu hỏi về phía Nhà Trắng.
Nhiều chuyên gia quốc phòng Mỹ đánh giá việc nâng cấp tiêm kích là cấp thiết để duy trì ưu thế trên không.
Ông Douglas Birkey, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng không Mitchell thuộc Hiệp hội Không quân Mỹ (AFA), cho rằng: “Dù chọn phương án nào, điều quan trọng là không quân phải có năng lực hiện đại và đủ số lượng. Kho máy bay hiện tại đã quá cũ kỹ, ít ỏi và phải hoạt động liên tục trong nhiều thập kỷ.”