Công nghệ

Tàu vũ trụ Varda Space mở rộng hoạt động

Phóng viên 03/07/2025 07:13

FAA vừa cấp phép tái nhập không giới hạn cho tàu vũ trụ Varda Space đến năm 2029, mở đường cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu thường xuyên trong môi trường vi trọng lực

Varda gets reentry license for space manufacturing capsule - SpaceNews

Năm 2023, Varda Space thực hiện chuyến bay vũ trụ đầu tiên với kỳ vọng đưa sản xuất dược phẩm ra ngoài Trái Đất. Thế nhưng, sau khi tàu vào quỹ đạo, việc xin phép tái nhập mất đến tám tháng, khiến khoang chứa mẫu vật phải bay quanh Trái đất đến năm 2024 mới được hạ cánh. Câu chuyện đó giờ chỉ còn là quá khứ.

Ngày 18/6, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chính thức cấp phép tái nhập mở rộng theo Phần 450 cho Varda Space. Theo đó, các khoang tái nhập dòng Winnebago (W-Series) có thể quay trở lại khí quyển nhiều lần từ nay đến năm 2029 mà không cần xin cấp phép riêng cho từng sứ mệnh.

“Cho phép nhiều nhiệm vụ tùy theo ý muốn của nhà vận hành theo một giấy phép là một yếu tố hợp lý hóa chính trong quy tắc cấp phép không gian thương mại mới”, đại diện FAA cho biết.

Giấy phép tạo tiền lệ này không chỉ rút ngắn thời gian phê duyệt từng sứ mệnh mà còn mở ra khả năng thực hiện các hoạt động chế tạo, nghiên cứu khoa học và thử nghiệm quốc phòng trong không gian một cách nhanh chóng và linh hoạt hơn bao giờ hết.

Tăng tốc sản xuất ngoài không gian

Varda Space được biết đến như một trong số rất ít công ty có thể đưa hàng hóa từ không gian trở lại Trái Đất, bên cạnh tàu Dragon của SpaceX và Soyuz của Nga.

Trọng tâm của công ty là chế biến dược phẩm trong môi trường vi trọng lực – một điều kiện lý tưởng để tạo ra các tinh thể phân tử nhỏ với độ tinh khiết và kiểm soát cao. Trong sứ mệnh W-4 vừa được phóng bằng tên lửa SpaceX Falcon 9 (Transporter-14) vào ngày 23/6, Varda đang cố gắng kết tinh một phân tử thuốc độc quyền, với kỳ vọng mang lại đột phá cho ngành dược phẩm.

Không chỉ dừng ở lĩnh vực dân sự, Varda cũng đang hợp tác với các đơn vị quốc phòng. Sứ mệnh W-3, hạ cánh vào tháng 5/2025, nằm trong chương trình Prometheus của Phòng thí nghiệm nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL). Viên nang mang theo đơn vị đo quán tính tiên tiến, được thử nghiệm ở tốc độ tái nhập vượt quá Mach 25 – tạo tiền đề cho các hệ thống bay siêu thanh tương lai.

“Các sứ mệnh trong tương lai sẽ mang theo bất kỳ sự kết hợp nào giữa sản xuất dược phẩm, thí nghiệm vật liệu, nghiên cứu vi trọng lực hoặc thiết bị quốc phòng”, bà Rebecca Kowalczyk, Giám đốc đảm bảo nhiệm vụ của Varda, cho biết.

Nhờ giấy phép tái nhập dài hạn, Varda hiện đã đặt lịch cho tất cả các sứ mệnh Transporter của SpaceX đến năm 2026. Thay vì mất ba tháng cho mỗi lần xin giấy phép tái nhập như trước đây, công ty giờ có thể phóng – tái nhập – phóng tiếp theo với tốc độ nhanh hơn đáng kể.

Kowalczyk nhấn mạnh với hệ thống hiện tại, Varda có thể tăng số tàu bay trên mỗi sứ mệnh, giúp giảm chi phí, tối ưu năng lực sản xuất và tăng khả năng phục vụ cho cả khách hàng dân sự lẫn chính phủ.

Cột mốc cho ngành công nghiệp mới nổi

Với sự hỗ trợ của FAA, Varda Space đang đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng chuỗi cung ứng từ quỹ đạo xuống mặt đất, nơi mà sản xuất trong không gian – dù là dược phẩm hay thiết bị quân sự – không còn là điều quá xa vời.

Mô hình khoang tái nhập linh hoạt, kết hợp khả năng phóng nhanh, xử lý nhanh và vận hành liên tục, được kỳ vọng sẽ định hình lại tương lai của ngành hàng không vũ trụ thương mại trong thập kỷ tới.

Theo Space Ops: FAA OKs Unlimited Reentries For Varda Capsules
https://aviationweek.com/space/space-exploration/space-ops-faa-oks-unlimited-reentries-varda-capsules
Copy Link
https://aviationweek.com/space/space-exploration/space-ops-faa-oks-unlimited-reentries-varda-capsules
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tàu vũ trụ Varda Space mở rộng hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO