Một loạt quy định mới về sạc dự phòng khi đi máy bay đang được nhiều quốc gia áp dụng. Tại Việt Nam, hành khách cũng phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt đối với thiết bị này.
Trong bối cảnh các hãng hàng không tăng cường kiểm soát để đảm bảo an toàn bay, nhiều quy định mới liên quan đến việc mang theo sạc dự phòng khi đi máy bay đã được áp dụng.
Một số quốc gia yêu cầu thiết bị phải có nhãn nhận diện rõ ràng, giới hạn công suất và vị trí mang theo.
Đồng thời, hành khách cũng cần tuân thủ hướng dẫn cụ thể để tránh gặp rắc rối trong quá trình làm thủ tục và lên tàu bay.
Nhật Bản cấm để sạc dự phòng trên khoang hành lý xách tay
Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản vừa công bố quy định mới liên quan đến việc mang theo pin sạc dự phòng trên máy bay.
Theo đó, từ ngày 8/7, hành khách bay trên tất cả 23 hãng hàng không có trụ sở tại Nhật Bản bắt buộc phải để sạc dự phòng ở vị trí dễ quan sát, không được cất trong khoang hành lý xách tay.
Ngoài ra, theo The Japan Times cho biết hành khách chỉ được phép sử dụng sạc dự phòng để sạc thiết bị cá nhân tại các vị trí mà tiếp viên có thể theo dõi trực tiếp nhằm đảm bảo an toàn trong suốt chuyến bay.
Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản nghiêm cấm hành khách để pin sạc dự phòng trong hành lý ký gửi.
Các thiết bị có dung lượng vượt quá 160 watt-giờ (Wh) không được phép mang lên máy bay. Hành khách chỉ được mang tối đa hai pin sạc dự phòng có mức dung lượng từ 100Wh đến 160Wh lên máy bay.
Thông báo mới nhất này nằm trong chuỗi biện pháp tăng cường an toàn bay của Nhật Bản, tương tự quy định mà nhiều hãng hàng không khác đang áp dụng, sau khi ghi nhận nhiều sự cố cháy nổ trên khoang hành khách liên quan đến pin sạc dự phòng.
Sạc dự phòng không đạt chuẩn bị cấm mang lên máy bay tại Trung Quốc
Từ ngày 28/6, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) áp dụng quy định mới, theo đó hành khách không được mang pin sạc dự phòng lên các chuyến bay nội địa nếu thiết bị không có chứng nhận chất lượng CCC (3C) của Trung Quốc hoặc nằm trong danh sách thu hồi do lỗi an toàn.
Chỉ những pin sạc có tem chứng nhận 3C rõ ràng mới được mang qua cửa kiểm tra an ninh. Các thiết bị mờ nhãn, không rõ nguồn gốc hoặc đã bị thu hồi sẽ bị cấm hoàn toàn trên các chuyến bay nội địa.
Hành khách vi phạm có thể bị thu giữ thiết bị hoặc không được lên máy bay.
CAAC đồng thời yêu cầu sân bay tăng cường kiểm tra an ninh và bố trí khu vực riêng để hành khách xử lý pin không hợp lệ. Ngoài ra, cơ quan này cũng khuyến nghị các sân bay nâng cấp hệ thống ổ cắm công cộng nhằm hạn chế việc hành khách phải mang theo sạc dự phòng.
Ngày 2/7 ( tức ngày thứ 4 khi quy định ban hành), các sân bay tại Trung Quốc bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn 3C đối với sạc dự phòng mang theo khi lên máy bay. Tại nhiều sân bay, lực lượng kiểm tra chuyên trách được bố trí ngay bên ngoài khu vực an ninh để kiểm tra thiết bị.
Những sạc dự phòng đạt chuẩn sẽ được dán tem nhận diện màu xanh. Trường hợp không đạt yêu cầu, hành khách buộc phải để lại tại sân bay hoặc gửi về nhà thông qua quầy chuyển phát nhanh được bố trí sẵn.
Lưu ý khi mang sạc dự phòng theo quy định hàng không Việt Nam
Tại Việt Nam, hành khách được phép mang theo sạc dự phòng khi đi máy bay. Tuy nhiên, hành khách cần tuân thủ theo một số quy định của các hãng hàng không.
Theo quy định của Vietnam Airlines và Vietjet Air, hành khách không được phép để sạc dự phòng ở hành lý ký gửi khi đi máy bay. Thiết bị này phải được lấy ra khỏi túi xách và đặt tại vị trí dễ quan sát, bên cạnh hành khách trong suốt chuyến bay.
Chủ sở hữu thiết bị không được phép sử dụng sạc dự phòng trong suốt chuyến bay. Cụ thể, hành khách không được cắm sạc dự phòng vào cổng USB trên máy bay hoặc dùng sạc dự phòng để nạp điện cho các thiết bị khác như điện thoại, máy tính.
Hành khách chỉ được mang theo pin sạc dự phòng không sử dụng cho mục đích kinh doanh. Tùy theo loại pin, số lượng và dung lượng sẽ có giới hạn cụ thể.
Các loại pin khô, pin hiđrua kim loại Niken, pin Lithium kim loại hoặc hợp kim chứa dưới 2g Lithium, pin Lithium ion có công suất không vượt quá 100Wh: mỗi hành khách được mang tối đa 10 viên.
Pin Lithium kim loại/hợp kim chứa từ 2g đến 8g hoặc pin Lithium-ion có công suất từ 100Wh đến 160Wh: giới hạn tối đa 2 viên mỗi hành khách.
Pin ướt (không tràn đổ), có điện áp dưới 12V và công suất dưới 100Wh: cũng chỉ được phép mang tối đa 2 viên, kèm theo các yêu cầu đặc biệt về độ chịu nhiệt, áp suất...
Pin nhiên liệu có chứa chất lỏng dễ cháy, ăn mòn, khí hóa lỏng dễ cháy, khí hydro... được phép mang theo nếu đóng gói đúng quy cách và không sử dụng trong chuyến bay. Mỗi hành khách chỉ được mang tối đa 2 viên loại này.
Ngoài ra, pin sạc dự phòng phải có nguồn gốc rõ ràng, ghi đầy đủ công suất và dung lượng. Thiết bị cần được tắt nguồn hoàn toàn (không ở chế độ chờ hay ngủ đông) trong suốt hành trình, đặc biệt khi cất và hạ cánh.
Pin phải được đóng gói an toàn hoặc được cách điện cẩn thận ở các đầu cực bằng băng dính hoặc túi chuyên dụng, nhằm phòng ngừa sự cố chập, đoản mạch trong chuyến bay.
Riêng pin lithium có công suất trên 160Wh sẽ không được vận chuyển bằng máy bay dưới bất kỳ hình thức nào.
Các hãng hàng không hiện không cho phép hành khách mang theo sạc dự phòng dưới dạng hành lý ký gửi vì lý do an toàn bay. Theo lý giải của các hãng, hầu hết sạc dự phòng hiện nay đều sử dụng pin Lithium-ion hoặc Lithium-polymer, loại pin có mật độ năng lượng cao nhưng lại rất nhạy cảm với va đập, chấn động hoặc nhiệt độ cao.
Khi để trong khoang chứa hành lý ký gửi, sạc dự phòng có thể chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi áp suất đột ngột trong quá trình vận chuyển. Điều này có thể gây đoản mạch, tạo ra nhiệt lượng lớn và dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra, hành lý ký gửi thường bị va đập trong quá trình bốc xếp lên xuống máy bay. Nếu lớp vỏ bảo vệ của sạc bị hỏng, nguy cơ chập mạch càng cao.
Việc sạc dự phòng phát nổ trong khoang chứa hành lý, nơi không có người giám sát và khó xử lý sự cố kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn của hành khách và máy bay.
Thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều trường hợp sạc dự phòng để trong hành lý xách tay gây cháy trên máy bay.
Ngày 28/1/2025, một chiếc máy bay của hãng Air Busan đã bốc cháy khi đang chuẩn bị cất cánh tại sân bay quốc tế Gimhae ở Busan (Hàn Quốc) khiến 3 người bị thương. Toàn bộ 169 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đã được sơ tán kịp thời. Nguyên nhân vụ việc được cho là do một cục sạc dự phòng gây ra.
Ngày 24/2, khoang hành khách của một chuyến bay thuộc hãng Batik Air từ Johor Bahru đến sân bay Don Mueang (Bangkok) bất ngờ ngập khói ngay trước khi hạ cánh, nghi do sạc dự phòng phát cháy. May mắn không có hành khách hay phi hành đoàn nào bị thương.
Ngày 21/3, chuyến bay của Hong Kong Airlines phải hạ cánh khẩn xuống thành phố Phúc Châu (Trung Quốc) sau khi sạc dự phòng của một hành khách ở ngăn hành lý xách tay bốc cháy.