Nga bác bỏ kết luận của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về trách nhiệm của nước này trong vụ máy bay mang số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airways bị bắn rơi tại Ukraine vào năm 2014, khiến toàn bộ 298 người thiệt mạng.
Theo AP, phát biểu ngày 13/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Lập trường của Nga đã rất rõ ràng, Nga không tham gia vào quá trình điều tra vụ việc này, vì vậy chúng tôi không chấp nhận những kết luận mang tính thiên vị”.
Trước đó, Hội đồng của ICAO – cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc về hàng không dân dụng – đã ra phán quyết cho rằng Nga đã vi phạm luật hàng không quốc tế khi không ngăn chặn vụ việc dẫn đến thảm kịch MH17.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ICAO đưa ra quyết định liên quan đến tranh chấp giữa hai quốc gia thành viên.
Hội đồng ICAO nhấn mạnh: “Các tuyên bố được đưa ra của Australia và Hà Lan là có cơ sở rõ ràng về mặt pháp lý và thực tế.”
“Phán quyết này là bước tiến quan trọng trong việc xác định sự thật, đòi lại công lý và trách nhiệm cho các nạn nhân và người thân của họ. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ gửi tới cộng đồng quốc tế: không một quốc gia nào được phép vi phạm luật pháp quốc tế mà không bị trừng phạt”, Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp khẳng định.
Ngoại trưởng Australia Penny Wong cũng hoan nghênh quyết định này và kêu gọi Nga phải thừa nhận trách nhiệm đối với hành động này, tiến hành bồi thường như yêu cầu của luật pháp quốc tế.
Hà Lan và Australia – hai quốc gia có nhiều công dân thiệt mạng trong vụ tai nạn, mong muốn ICAO thúc đẩy Nga đàm phán về việc bồi thường thiệt hại.
Ngày 17/7/2014, chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines cất cánh từ Amsterdam (Hà Lan) đi Kuala Lumpur (Malaysia) đã bị bắn hạ khi bay qua không phận miền Đông Ukraine – nơi đang xảy ra giao tranh ác liệt giữa lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine và quân đội Ukraine.
Các nhà điều tra quốc tế xác định, chiếc máy bay bị tên lửa đất đối không BUK do Nga sản xuất bắn hạ. Toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, trong đó có 196 người Hà Lan, 38 người Australia và 30 người Malaysia.
8 năm sau thảm kịch, một tòa án của Hà Lan đã kết án 3 bị cáo – 2 người Nga và một người Ukraine – với tội danh giết người, dù các bị cáo này bị xét xử vắng mặt. Nga từ chối dẫn độ các công dân của mình và gọi bản án là “gây phẫn nộ”.
Nga nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến vụ rơi máy bay MH17 và chỉ trích các kết luận là thiếu khách quan.
Trong tuyên bố mới nhất, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể chấp nhận những kết luận mang tính phiến diện như vậy, nhất là khi Nga không được mời tham gia điều tra ngay từ đầu.”
Dù ICAO không có quyền cưỡng chế pháp lý, các tiêu chuẩn và khuyến nghị của tổ chức này vẫn được cộng đồng quốc tế tôn trọng và áp dụng rộng rãi trong ngành hàng không dân dụng.