Quốc tế

Những chiếc máy bay 'gieo mây - gạt mưa' cho ngày duyệt binh lịch sử ở Nga

Minh Tuấn 12/05/2025 13:57

Những chiếc máy bay gieo mây đã trở thành "công cụ đặc biệt" trong chiến lược điều khiển thời tiết của Nga, đặc biệt vào những dịp lễ lớn như Ngày Chiến thắng 9/5 vừa qua. Làm cách nào mà chúng có thể trở thành "người hùng thầm lặng" tạo bầu trời lý tưởng cho các sự kiện quan trọng.

Hình ảnh máy bay đang gieo mây chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng 9/5/2012 tại Nga. Ảnh: TASS.
Ảnh: TASS.

Theo Moscow Times, đằng sau bầu trời quang đãng trong các dịp lễ quốc gia trọng đại ở Nga là một chiến dịch kiểm soát thời tiết quy mô với sự tham gia của những chiếc máy bay quân sự, radar khí tượng hiện đại và các hóa chất đặc biệt.

Và một trong những giải pháp để "trời không thể mưa" được nhiều người biết đến, đặc biệt vào các dịp Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 hàng năm, là kỹ thuật "gieo mây - gạt mưa".

Kỹ thuật gieo mây làm xanh bầu trời

Con người không thể kiểm soát thời tiết, nhưng có thể tác động đến nó. Gieo mây – kỹ thuật điều chỉnh thời tiết bằng cách đưa các chất hóa học vào mây để kích thích mưa hoặc tuyết – là một ví dụ điển hình.

Mây được tạo thành khi hơi nước trong không khí gặp lạnh và ngưng tụ xung quanh những hạt nhỏ li ti như bụi hoặc muối bay lơ lửng.

Những hạt này gọi là nhân ngưng tụ – nếu thiếu chúng, mưa hay tuyết sẽ không thể hình thành, vì nước không có “chỗ bám” để kết tụ thành giọt hoặc tinh thể.

Gieo mây là kỹ thuật điều chỉnh thời tiết thường được thực hiện trước ngày lễ với các máy bay mang hóa chất đặc biệt như iodua bạc, đá khô (CO₂ đông lạnh) hoặc muối vào khí quyển.

Khi được phun vào các đám mây bằng máy bay hoặc tên lửa, các chất này đóng vai trò như “hạt nhân ngưng tụ”, thúc đẩy hình thành các giọt mưa hoặc tinh thể tuyết.

Tuy nhiên, thay vì chờ mưa rơi đúng lúc đúng chỗ, Nga lại đi trước một bước: họ kích thích mưa rơi trước khi đám mây trôi đến nơi tổ chức sự kiện – như Quảng trường Đỏ trong Lễ Chiến thắng 9/5. Mục tiêu: làm "rỗng" những đám mây chứa ẩm, để lại bầu trời trong xanh đúng thời khắc quan trọng.

2.jpeg
Kỹ thuật gieo mây được tính toán vô cùng chính xác và được ứng dụng ở Nga từ thời Liên Xô cuối những năm 1940. Ảnh: Thewaterchannel.

Quy trình này bắt đầu với việc các nhà khí tượng học xác định đám mây có khả năng gây mưa cách khu vực lễ khoảng 80–100 km. Tiếp đó, các máy bay quân sự như Antonov hoặc Ilyushin – được trang bị hệ thống phun hóa chất – cất cánh, bay ở độ cao hàng nghìn mét để gieo chất kích thích vào mây.

Tất cả phải được tính toán chính xác đến từng phút, từng cơn gió – bởi chỉ một sai lệch nhỏ cũng có thể khiến cơn mưa “đổ bộ” không đúng nơi, đúng lúc.

Và không giống như những chuyến bay thông thường từ điểm A đến điểm B, các phi công gieo mây lao thẳng vào những đám mây giông với một nhiệm vụ đặc biệt: "gieo mây - gạt mưa".

Chi phí “gieo mây” tốn đến hàng triệu USD

Không chỉ phô diễn sức mạnh quân sự trong các cuộc duyệt binh, Nga còn thể hiện khả năng "điều khiển thời tiết" – một truyền thống có từ thời Liên Xô cuối những năm 1940.

Từ hàng thập kỷ nay, mỗi dịp lễ lớn như Ngày Chiến thắng 9/5 hay Quốc tế Lao động 1/5, những chiếc máy bay quân sự lại cất cánh, mang theo iodua bạc hoặc đá khô để “dọn sạch mây mưa” trước giờ G.

4.jpeg
Không giống như những chuyến bay thông thường từ điểm A đến điểm B, các phi công gieo mây lao thẳng vào những đám mây giông với một nhiệm vụ đặc biệt: gieo mây gạt mưa. Ảnh minh họa: BBC.

Theo hãng tin TASS, chính phủ Nga từng chi khoảng 1,3 triệu USD để đảm bảo bầu trời Moscow trong xanh trong ngày Quốc tế Lao động 1/5/2016, 6,5 triệu USD cho Ngày Chiến thắng 9/5/2015 và 1,67 triệu USD cho Ngày Chiến thắng 9/5/2017.

Nga không chỉ sử dụng kỹ thuật gieo mây để đảm bảo thời tiết tốt trong các sự kiện quan trọng mà còn áp dụng trong các tình huống khẩn cấp khác.

Chẳng hạn như, trong năm 2020, Nga đã sử dụng kỹ thuật gieo mây để giúp dập tắt các đám cháy rừng ở Siberia bằng cách tạo ra mưa nhân tạo.

Và hiện nay, không chỉ nước Nga, nhiều quốc gia khác cũng áp dụng công nghệ gieo mây. Trung Quốc đã sử dụng kỹ thuật này để đảm bảo thời tiết tốt cho lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng đầu tư mạnh vào công nghệ này để giải quyết vấn đề thiếu nước trong khu vực sa mạc.

Tuy nhiên, giống như ở Nga, hiệu quả và tác động lâu dài của công nghệ này vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Một số chuyên gia cho rằng việc sử dụng hóa chất như iodua bạc có thể gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Ngoài ra, việc thay đổi thời tiết nhân tạo cũng có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được, như thay đổi mô hình mưa và ảnh hưởng đến hệ sinh thái địa phương.

Nổi bật
Mới nhất
Những chiếc máy bay 'gieo mây - gạt mưa' cho ngày duyệt binh lịch sử ở Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO