Với nhiều đường bay quốc tế được mở, lượng khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ gần 80% so với các phương thức vận tải khác.
Trong bối cảnh nhu cầu di chuyển quốc tế ngày càng tăng, các hãng hàng không Việt Nam không ngừng mở rộng đường bay đến các nước trên thế giới.
Mới đây, hãng hàng không Vietjet chính thức khai trương đường bay thẳng từ Hà Nội đến Thành Đô – trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch của tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Nơi đây nổi tiếng với gấu trúc, Cửu Trại Câu và nền ẩm thực đặc sắc.
Theo kế hoạch khai thác của Vietjet, các chuyến bay từ Hà Nội đi Thành Đô sẽ khởi hành vào 21h10 các ngày thứ Hai, Ba, Năm và Bảy, hạ cánh tại sân bay Thành Đô lúc 00h15 sáng hôm sau (giờ địa phương). Chiều ngược lại khởi hành lúc 01h15 các ngày thứ Ba, Tư, Sáu và Chủ Nhật, về tới Hà Nội lúc 02h25.
Đây là bước mở rộng tiếp theo trong mạng lưới kết nối giữa Việt Nam – Trung Quốc của Vietjet, sau các đường bay Hà Nội/TP.HCM tới Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Tây An…
Việc thiết lập đường bay thẳng giữa Hà Nội và Thành Đô có ý nghĩa chiến lược trong việc tăng cường kết nối hàng không giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Trước đó, giữa tháng 6/2025, Vietjet Air cũng khai trương đường bay giữa TP.HCM và TP Brisbane (Queensland, Australia) với hai chuyến khứ hồi vào thứ Hai và thứ Sáu.
Vào cuối tháng 5, hãng Vietjet Air đã mở đường bay mới giữa Singapore và Phú Quốc với 4 chuyến khứ hồi vào thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ Nhật.
Vào đầu năm 2025, hãng đã khai trương 2 đường bay nối giữa TP.HCM với Bengaluru và Hyderabad (Ấn Độ), gắn kết sâu rộng hơn nữa với thị trường tỷ dân đầy tiềm năng, đem lại những cơ hội lớn cho du lịch, giao thương, đầu tư với Việt Nam.
Vietnam Airlines cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi liên tục mở rộng thị trường sang châu Âu và các nước châu Á. Cụ thể, tháng 7, hãng hàng không Vietnam Airlines khai trương thêm hai đường bay mới Hà Nội - Milan (Italy) với ba chuyến khứ hồi mỗi tuần.
Đây là hãng đầu tiên ở Việt Nam khai thác đường bay thẳng đến Italy. Hãng cũng đang dự kiến mở thêm đường bay thẳng từ TP.HCM đến Milan.
Trong tháng 6, Vietnam Airlines đã khai thác đường bay TP.HCM - Bali với tần suất 4 chuyến khứ hồi vào thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Từ tháng 7, tần suất sẽ được nâng lên 7 chuyến mỗi tuần nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng mở thêm đường bay thẳng kết nối Nha Trang và Busan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc, mở ra cơ hội thu hút du khách Hàn Quốc đến Khánh Hòa.
Những đường bay mới được mở ra không chỉ giúp hành khách rút ngắn thời gian di chuyển, mà còn khai thác thêm tiềm năng du lịch từ sức hút hiện hữu của Việt Nam với các thị trường mới.
Năm 2025, Việt Nam xác định mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt mục tiêu này, vai trò của ngành hàng không là rất lớn.
Theo các số liệu thống kê, hiện nay, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ rất cao, gần 80% so với các phương thức vận tải khác.
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng công bố chiều ngày 7/7, hoạt động vận tải trong 6 tháng đầu năm đã có những tín hiệu khởi sắc rõ rệt.
Riêng lĩnh vực hàng không, số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, sản lượng hành khách qua các cảng hàng không trong nửa đầu năm 2025 ước đạt 59,7 triệu lượt, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2025, Vietjet ghi nhận doanh thu hàng không đạt 17.920 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế đạt 820 tỷ đồng.
Trong đó, mảng vận chuyển khách quốc tế mang về 5.105 tỉ đồng, cao hơn đáng kể so với mức 4.549 tỷ đồng từ thị trường nội địa, dù nội địa tăng trưởng tới 21%.
Không chỉ đến quý 1/2025, mà dữ liệu cho thấy mảng vận chuyển khách quốc tế đã mang về nhiều tiền hơn cho Vietjet Air kể từ năm 2023.
Cụ thể, năm 2023, mảng vận chuyển khách quốc tế mang về cho Vietjet Air 16.072 tỷ đồng, trong khi hành khách nội địa chiếm 11.321 tỉ đồng.
Tiếp tục khi sang năm 2024, trong khi thị trường nội địa đóng góp 14.468 tỷ đồng trong cơ cấu doanh thu thì mảng quốc tế tới hơn 21.000 tỷ đồng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không chia sẻ, giá vé quốc tế cao hơn nội địa, thêm nữa, ở các chặng bay dài chi phí cất hạ cánh đỡ tốn kém nên tạo giá trị doanh thu tốt hơn.
Ngoài ra, Vietjet còn ghi nhận doanh thu phụ trợ cao từ hành lý, suất ăn, dịch vụ giải trí, đặc biệt trên các chuyến bay quốc tế dài giờ.
Báo cáo tài chính cho thấy nguồn thu từ hoạt động phụ trợ chiếm 6.223 tỷ đồng, tương ứng mức đóng góp 36% vào tổng doanh thu hợp nhất của hãng Vietjet và tăng gần 12% so với cùng kỳ.
Về phía Vietnam Airlines, mới đây hãng cũng đã công bố kết quả hoạt động kinh doanh trong Quý 1/2025. Theo đó, doanh thu hợp nhất của doanh này ước đạt gần 31.107 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.625 tỷ đồng. Công ty mẹ Vietnam Airlines đạt doanh thu gần 25.019 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 3.044 tỷ đồng.
Theo thống kê, Quý 1/2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không tăng cao sau nhiều năm.
Đối với Vietnam Airlines Group, doanh nghiệp này ước vận chuyển gần 6,2 triệu lượt hành khách, trong đó riêng Vietnam Airlines vận chuyển hơn 6 triệu lượt.
Theo đại diện của Vietnam Airlines, các khu vực thị trường quốc tế đều ghi nhận tăng trưởng tích cực, với thị trường Ấn Độ tăng mạnh nhất 26,6%, kế đến là Trung Đông tăng 25,8%, và Đông Bắc Á tăng 13,6% nhờ sự phục hồi của Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong.
Chất lượng khách quốc tế cũng cải thiện rõ nét, đặc biệt tại các thị trường doanh thu cao như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.
Đối tượng khách doanh thu cao từ Nhật Bản đã phục hồi đạt gần 90% so với cùng kỳ 2019, thay vì 60% như cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, có 10,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 26% so với năm 2019 - thời hoàng kim của du lịch Việt trước dịch Covid-19.
Khách du lịch bằng đường hàng không vẫn chiếm ưu thế khi đạt hơn 9 triệu lượt nhập cảnh, tiếp đến khách đi đường bộ với gần 1,4 triệu lượt, còn lại là khách đến bằng đường biển.
Hiện tại, khách quốc tế đến từ khu vực Đông Bắc Á chiếm đến 60% tổng lượng khách du lịch Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Khách Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí đến Việt Nam nhiều nhất, với hơn 2,7 triệu lượt; tiếp đến là khách Hàn Quốc với 2,2 triệu lượt; sau đó lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ...