Từ đầu tháng 7, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines triển khai cung cấp dịch vị internet trên máy bay, được kỳ vọng sẽ góp phần tăng doanh thu phụ trợ cho hãng.
Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là liệu dịch vụ wifi trên máy bay tại Việt Nam có được phát triển mạnh mẽ, trở thành nguồn thu lớn cho hãng bay hay nhanh chóng bị quên lãng như đã từng xảy ra vài năm trước.
Tại ĐHĐCĐ tổ chức mới đây, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, giữa tháng 6 vừa qua, hãng đã cùng VNPT thử nghiệm thành công dịch vụ Wifi trên máy bay. Theo ông Hà, trong khoảng đầu tháng 7, hãng sẽ triển khai chính thức cung cấp dịch vụ internet trên máy bay.
Bắt đầu từ các mẫu tàu bay thân rộng như A350, sau là B787, Vietnam Airlines sau đó sẽ mở rộng dịch vụ sang các tàu bay thân hẹp A320, A321. Bên cạnh việc đa dạng hóa dịch vụ hành khách trên không, đây cũng là cơ sở để hãng phát triển doanh thu phụ trợ thời gian tới.
Trước đó, Vietnam Airlines cũng thông tin, theo thỏa thuận với VNPT hãng đặt mục tiêu lắp đặt dịch vụ IFC trên nhóm Airbus A350 để áp dụng cho các chuyến bay quốc tế đến Mỹ, châu Âu và một số tuyến nội địa từ tháng 7/2025, mở rộng cho toàn bộ đội tàu vào năm 2026.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, tốc độ mạng trên máy bay của hãng lên tới 60 Mbps, độ ổn định 99%, phù hợp để làm việc trực tuyến, giải trí hoặc kết nối xuyên suốt trong suốt chuyến bay.
Đây không phải lần đầu tiên hãng hàng không quốc gia triển khai dịch vụ internet trên máy bay. Trước đây, Vietnam Airlines đã từng thử nghiệm Wi‑Fi trên A350 từ tháng 9/2019, trang bị băng tần L‑Band qua đối tác Sitaonair/Inmarsat nhưng chỉ ứng dụng trên một số phi cơ.
Theo thông tin từ hãng bay, hành khách có thể duyệt web, trò chuyện, xem phim và xử lý công việc ngay trên mây, nâng trải nghiệm so với việc chỉ dựa vào giải trí nội bộ hay Wi‑Fi hạn chế. Tuy vậy, dịch vụ này sau đó đã bị tạm ngưng.
Không riêng Vietnam Airlines, Bamboo Airways cũng từng triển khai một cách thận trọng dịch vụ kết nối Wifi trên máy bay cho hành khách. Thời điểm tháng 8/2019, vốn được biết đến với tỷ lệ bay đúng giờ cao và dịch vụ khách hàng tinh tế trong cabin, việc cung cấp thêm dịch vụ Internet trên khoang của Bamboo Airways được nhiều hành khách đánh giá cao.
Nhu cầu đi lại thường xuyên của hành khách đặt ra yêu cầu về việc nâng cao chất lượng dịch vụ cho các hãng hàng không. Hành khách hiện nay không chỉ đòi hỏi vé giá tốt hay ghế rộng, việc kết nối Internet giúp hành khách có thể xử lý công việc, liên lạc với gia đình, bạn bè... cũng là một trong những nhu cầu cần thiết.
Với khoảng 6–10 giờ bay liên tục giữa châu Âu, Mỹ, Singapore hay Seoul, Wi‑Fi giúp người đi công tác duy trì công việc, giải trí, kiểm tra thư điện tử, giữ liên lạc và hạn chế căng thẳng khi phải “ngồi yên một chỗ” trên không trung.
Tuy nhiên, việc triển khai IFC trên máy bay không chỉ là chuyện kỹ thuật. Tại đại hội đồng cổ đông 2025 diễn ra hồi cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết, với việc cung cấp dịch vụ wifi trên máy bay, hãng kỳ vọng sẽ có thêm nguồn thu đáng kể.
"Gọi là doanh thu phụ trợ nhưng cũng khá là chính", vị Chủ tịch chia sẻ. Ông Hòa nhấn mạnh, doanh thu từ các hoạt động phụ trợ như cung cấp suất ăn, phí hành lý và mới đây nhất là dịch vụ internet trên máy bay, là nguồn thu quan trọng đối với hãng.
Trong kế hoạch, hãng bay này đặt ra mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu phụ trợ lên 9-10% vào năm 2030, tương đương với mức bình quân ngành hàng không thế giới và ngang với doanh thu vận tải hàng hóa.
Trước đây, Vietnam Airlines từng cung cấp dịch vụ wifi trên một số máy bay Airbus A350 từ năm 2019 trên các tuyến giữa Hà Nội - TP.HCM/ Thượng Hải/ Osaka và TP.HCM - Osaka/ Singapore, với giá cả dao động từ 2,95 đến 29,95 USD. Hãng cũng có kế hoạch nâng cấp và mở rộng dịch vụ này cho dòng máy bay Boeing 787 và Airbus A350 khác.
Tuy vậy, dịch vụ này phải ngừng sau đó không lâu. Một phần vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, một phần, theo đánh giá của nhiều hành khách, là chi phí ở mức cao, không hấp dẫn lượng lớn khách hàng sử dụng.
Trong khi đó, trên thế giới, dịch vụ internet trên máy bay đang dần trở nên phổ biến. Nhiều hãng hàng không bắt đầu cung cấp miễn phí dịch vụ này cho hành khách, hoặc cung cấp với giá ưu đãi, hấp dẫn người sử dụng.
Có thể kể đến như Eva Air, trong giai đoạn hè từ 01/07 đến 30/09 năm nay, tất cả hành khách trên các chuyến bay sử dụng máy bay Boeing 777, 787 và Airbus A333 trang bị hệ thống Wi-Fi sẽ được hưởng dịch vụ Wi-Fi miễn phí không giới hạn khi máy bay đạt độ cao hơn 3.000 m.
Eva Air cho rằng, hành khách có thể thỏa sức lướt web, check-in sống ảo, nhắn tin thả ga mà không tốn phí. Sau chương trình ưu đãi, Eva Air giới hạn đối tượng sử dụng dịch vụ miễn phí.
Singapore Airlines là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ Internet miễn phí cho tất cả khách hàng kể từ ngày 1/7/2023.
Trong khi đó, tại Bắc Mỹ, vấn đề wifi trên máy bay đã trở nên phổ biến sau khi Delta Air Lines thông báo họ sẽ cung cấp wifi miễn phí cho hành khách vào đầu năm 2024. Hãng cũng dự kiến dịch vụ sẽ có mặt trên 80% đội bay nội địa và mở rộng ra toàn bộ đội bay trong năm 2024.
Còn theo đánh giá của Ookla, đơn vị phát triển dịch vụ web Speedtest.net nổi tiếng, chất lượng dịch vụ internet trên máy bay tới nay vẫn còn khoảng cách khá xa so với dịch vụ trên mặt đất.
Đây là lý do khiến hầu hết hành khách đánh giá không tốt về trải nghiệm dịch vụ internet trên máy bay. Nguyên nhân, theo Ookla, là do phụ thuộc vào hãng bay, dòng máy bay và quy định của từng quốc gia.
Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật đóng góp lớn vào chất lượng dịch vụ internet trên máy bay. Nhiều mẫu máy bay có thiết bị kết nối internet cũ, việc nâng cấp rất tốn kém nhưng vẫn không mang lại hiệu quả.
Để cải thiện dịch vụ, United Airlines đang chuyển toàn bộ đội bay sang Starlink, cung cấp Wi‑Fi miễn phí cho thành viên MileagePlus và tích hợp streaming, mua sắm, trò chơi ngay trên máy bay. SAS cũng hợp tác với Starlink để triển khai kết nối "từ cửa máy bay đến đích cuối" và dự kiến cung cấp Wi‑Fi tốc độ cao miễn phí vào cuối năm nay.
Hay như American Airlines đã hợp tác với Viasat và Intelsat, trong khi Delta Airlines chọn Viasat, Hughes và không dùng Intelsat. Panasonic Avionics cũng đang triển khai Wi‑Fi 6E, giúp nâng cao tốc độ và giảm nhiễu so với Wi‑Fi thế hệ trước.
“Các hãng hàng không đều đang nổ lực nâng cấp chất lượng dịch vụ wifi. Sự chuyển mình của các dự án vệ tinh như Starlink, Project Kuiper và AST SpaceMobile cũng hứa hẹn đa dạng hóa lựa chọn cho cách các hãng hàng không, đồng thời, tạo áp lực cạnh tranh cho các hãng”, đại diện Ookla nhận định khi công bố Bảng xếp hạng các hãng hàng không cung cấp Wi-Fi trên chuyến bay nhanh nhất thế giới mới đây.
Dựa trên kết quả đo lường quý I/2025, Hawaiian Airlines được Ookla xếp hạng nhất về trải nghiệm Wi-Fi trên máy bay dựa trên tốc độ tải xuống. Qatar Airways đứng thứ hai. Vị trí thứ ba thuộc về hãng hàng không giá rẻ Spirit Airlines.
Về tốc độ tải lên và độ trễ đa máy chủ (multi-server latency), Qatar Airways dẫn đầu cả hai hạng mục trong bảng xếp hạng c ủa Ookla, Hawaiian Airlines xếp thứ hai, Air Canada đứng thứ ba về tốc độ tải lên và Air New Zealand đứng thứ ba về độ trễ.
Theo đánh giá của Ookla, thành tích ấn tượng của Hawaiian Airlines và Qatar Airways nằm ở việc các hãng hàng không này hiện sử dụng chòm sao vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO) Starlink làm dịch vụ cung cấp internet.
Trong khi tốc độ tải xuống trên hầu hết các hãng hàng không mà Ookla đo lường đều "có thể sử dụng rất tốt", nhưng tốc độ tải lên và độ trễ không lý tưởng cho các trường hợp sử dụng như phiên chơi game nhiều người chơi và cuộc gọi video.