Thị trường hàng không Việt Nam đang dần lấy lại nhịp tăng trưởng sau giai đoạn dài chịu tác động bởi dịch bệnh và biến động kinh tế. Những tín hiệu tích cực về sản lượng hành khách và hàng hóa trong tháng 4/2025 cho thấy nhu cầu đi lại, vận chuyển đã hồi phục ổn định, đồng thời tạo tiền đề để các hãng hàng không đẩy mạnh khai thác trong mùa cao điểm hè sắp tới.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 4, tổng thị trường hành khách đạt 6,74 triệu lượt khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, lượng khách nội địa đạt 2,98 triệu lượt, tăng 11,1%, còn khách quốc tế đạt 3,76 triệu lượt, tăng 10,1%.
Trong số này, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 4,62 triệu lượt khách, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2024. Mức tăng ghi nhận ở cả hai nhóm hành khách nội địa và quốc tế.
Trong tháng 4/2025, Vietjet Air vận chuyển 2,34 triệu lượt hành khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024, đứng đầu hệ thống; hệ số sử dụng ghế đạt 77,2%. Vietnam Airlines vận chuyển 1,95 triệu lượt hành khách, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước với hệ số sử dụng ghế đạt 84,1%.
Trong khi đó, các hãng hàng không còn lại ghi nhận sản lượng vận chuyển hành khách giảm so với cùng kỳ năm 2024: Bamboo Airways vận chuyển 186.520 lượt khách, giảm nhẹ 0,3%; Vietravel Airlines vận chuyển 44.400 lượt khách, giảm 63,4%; và VASCO giảm 56,3%, chỉ còn 31.890 lượt hành khách.
Riêng Pacific Airlines vận chuyển đạt 63.160 lượt khách cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của hãng trong quá trình tái cơ cấu. Đầu năm 2024, hãng đã phải tạm dừng khai thác để bàn giao toàn bộ đội tàu bay A320 cho các chủ sở hữu, đồng thời tiến hành đàm phán xóa bỏ các khoản công nợ khoảng 220 triệu USD. Sau khi hoàn tất việc trả tàu và xóa nợ, Pacific Airlines đã thuê khô 3 máy bay Airbus A321 từ Vietnam Airlines để khôi phục hoạt động khai thác từ cuối tháng 6/2024. Việc đưa tàu bay trở lại khai thác giúp Pacific Airlines từng bước phục hồi năng lực vận hành, dù quy mô còn hạn chế.
Điểm đáng chú ý là mặc dù lượng khách sụt giảm, các hãng như Bamboo Airways, Vietravel Airlines và VASCO vẫn duy trì hệ số sử dụng ghế ở mức cao, trên 75%. Điều này phản ánh thực tế năng lực khai thác của các hãng này hiện đang bị giới hạn bởi quy mô đội tàu bay. Trong bối cảnh thị trường dần phục hồi và nhu cầu vận chuyển tăng trở lại, việc không thể bổ sung tàu bay kịp thời khiến các hãng khó mở rộng khai thác, dẫn tới sản lượng tăng không tương xứng với sức cầu thực tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải cho sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các hãng lớn và nhóm hãng nhỏ trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Không chỉ hành khách, lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không cũng tiếp tục cho thấy sự phục hồi rõ nét. Tổng thị trường hàng hóa trong tháng 4 đạt 118.140 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng hóa nội địa đạt 18.400 tấn, hàng hóa quốc tế đạt 99.740, lần lượt tăng 2,9% và 22,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Thống kê tại các cảng hàng không trên cả nước cho thấy tổng sản lượng hành khách thông qua hệ thống đạt hơn 9,7 triệu lượt, tăng 10,7%, còn hàng hóa đạt 136.550 tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng thị trường hành khách đạt hơn 27,5 triệu khách, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đạt hơn 15,4 triệu lượt, tăng 11,8%, trong khi khách nội địa đạt trên 12 triệu lượt, tăng 6,8%. Đây là mức tăng trưởng cho thấy sự phục hồi đang diễn ra đều ở cả hai thị trường, đồng thời phản ánh hiệu quả của các chính sách mở cửa thị trường, những chiến dịch quảng bá điểm đến, sự kiện lễ hội trong nước cũng góp phần đáng kể trong việc thu hút du khách và tăng sản lượng khai thác bay.
Đại diện Cục hàng không Việt Nam cho biết sau những kết quả ấn tượng vừa đạt được, ngành hàng không tiếp tục lên kế hoạch phục vụ dịp cao điểm hè 2025 với dự báo có sự gia tăng về nhu cầu vận chuyển hàng không.
Theo đó, trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không dự kiến khai thác 68.558 chuyến bay (trung bình 745 chuyến/ngày), tăng tương ứng 21% và 18%; cung ứng đạt xấp xỉ 14 triệu ghế, tăng tương ứng 21% và 18% so với lịch bay khi chưa tăng chuyến và hè năm 2024.
Các đường bay đi/đến các điểm du lịch như Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt, Quy Nhơn được các hãng khai thác hơn 20.000 chuyến, chiếm tỷ trọng 30% tổng số chuyến khai thác, tăng tương ứng 32% và 20%; cung ứng gần 4,1 triệu ghế, tăng tương ứng 30% và 21% so với lịch bay khi chưa tăng chuyến và hè năm 2024.
Trong khi đó, các đường bay trục (Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, dự kiến các hãng khai thác 26.800 chuyến bay (chiếm tỷ trọng 39%), tăng tương ứng 24% và 14%; cung ứng gần 5,9 triệu ghế, tăng tương ứng 22% và 14% so với lịch bay khi chưa tăng chuyến và hè năm 2024.
Tính riêng các đường bay đi/đến TP.HCM, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến khai thác 45.000 chuyến với trung bình 490 chuyến/ngày, tăng tương ứng 21% và 21%; cung ứng 9,23 triệu ghế, tăng tương ứng 18 % và 23% so với lịch bay khi chưa tăng chuyến và với thời điểm cùng kỳ năm trước.