Tin tức

"Không chỉ là sân bay, Long Thành phải là đô thị – logistics tầm cỡ quốc tế"

K.Linh 29/06/2025 13:54

Dự án sân bay Long Thành không được phép thất bại và phải trở thành điểm trung chuyển quốc tế như Changi (Singapore).

PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế đã chia sẻ về những định hướng lớn để khai thác sân bay Long Thành.

pgs.ts.tran-dinh-thien-vien-kinh-te.jpeg
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế phát biểu tại hội thảo. Ảnh TTO

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, dự án sân bay Long Thành là một dự án quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam.

Các dự án hiện nay đã được đẩy nhanh thủ tục hơn trước, Long Thành phải nằm trong tinh thần "nhanh nhưng chắc và khả thi". Nếu được phát triển đúng hướng, Long Thành sẽ tạo sức bật lan tỏa cho toàn vùng kinh tế phía Nam.

“Chúng ta đang đứng trước chuyện hệ trọng về phát triển, cần phải xử sự với thái độ bài bản hơn, không theo kiểu tư duy đến đâu hay đến đó" - PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.

Vị chuyên gia này khẳng định thêm rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, Việt Nam không thể không nhanh, nếu không sẽ bị đứng ngoài rìa. Nhưng cũng cần quan tâm đến tính khả thi và dĩ nhiên, "dự án lớn như sân bay Long Thành phải thành công".

san-bay-long-thanh1.jpg
Phối cảnh sân bay Long Thành khi hoàn thành

Ông cũng nhấn mạnh, chủ lực phát triển của Việt Nam hiện nay là khu vực tư nhân.

Khi được mở ra, sức mạnh tăng trưởng dường như vô biên và rất lớn. Trước kia, nhiều dự án rất khó được thông qua, thì nay đã được khơi thông. Chẳng hạn, trước kia có dự án trước mất 5 năm, nay chỉ cần 7 tháng.

Dự án sân bay Long Thành phải đặt đúng các mục tiêu ưu tiên về nhân lực, nguồn lực, tốc độ..., tránh nguy cơ làm xong mà không biết để làm gì, không phát huy được thế mạnh.

Để dự án phát triển như kỳ vọng, cần xác định rõ vị thế và tầm nhìn chiến lược của nó. Đây không chỉ là một sân bay mà còn là một trung tâm đô thị, logistics và công nghiệp tầm cỡ quốc tế.

Dự án cần được xem xét trong bối cảnh phát triển của cả khu vực Đông Nam Bộ và cả nước, không chỉ là một dự án riêng lẻ.

Do đó, trong phương thức triển khai và quản lý dự án, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương liên quan để bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả trong triển khai dự án.

Xác định rõ các ưu tiên, nguồn lực và lộ trình triển khai cụ thể, tránh tình trạng làm quá sức và không đạt được mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, cần có sự ưu tiên đặc biệt từ Chính phủ và Trung ương đối với dự án này, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu quốc gia.

Cần phát huy tối đa vai trò và đóng góp của các nguồn lực trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân, để triển khai dự án một cách hiệu quả.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng với công suất giai đoạn một là 25 triệu khách mỗi năm, dự kiến hoạt động giữa năm sau.

Sân bay Long Thành là một trong những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất cả nước trong tương lai. Dự án còn là biểu tượng của sự phát triển, là nhân tố khởi đầu cho sự vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Không chỉ là sân bay, Long Thành phải là đô thị – logistics tầm cỡ quốc tế"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO