Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho rằng, quy định bắt buộc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) của Liên minh châu Âu (EU) là một sáng kiến tốn kém và không thực sự giúp ích cho môi trường.
Nguyên nhân, theo IATA là do nguồn cung SAF tại châu Âu vẫn đang ở mức thấp, trong khi các nhà sản xuất SAF phải chịu nhiều khoản phụ phí khiến giá SAF bị đẩy lên cao.
Chi phí lớn, lợi ích môi trường không rõ ràng
Từ ngày 1/1, các quy định bắt buộc của EU và Vương quốc Anh yêu cầu các hãng hàng không phải sử dụng SAF, loại nhiên liệu thay thế có lượng phát thải carbon thấp hơn so với nhiên liệu máy bay truyền thống, với tỷ lệ pha trộn tối thiểu.
Đến năm 2030, EU đặt mục tiêu SAF phải chiếm ít nhất 6% trong tổng nhiên liệu bay. Tuy nhiên, IATA cảnh báo rằng việc bắt buộc sử dụng một sản phẩm còn quá hiếm trên thị trường đang dẫn đến hệ quả ngược.
Tại cuộc họp báo ở Singapore ngày 16/7, Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh khẳng định rằng, ý tưởng mua SAF ở nơi khác rồi vận chuyển đến châu Âu để sử dụng là không hợp lý, vì điều này làm tăng dấu chân carbon của chính nhiên liệu đó.
“
“Áp đặt quy định sử dụng một sản phẩm vốn không sẵn có trên thị trường sẽ không mang lại lợi ích gì cho môi trường”
Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh.
Theo IATA, mặc dù sản lượng SAF toàn cầu dự kiến sẽ đạt 2 triệu tấn trong năm 2025, tương đương 0,7% nhu cầu nhiên liệu của ngành hàng không, nhưng mức này quá thấp để đáp ứng các yêu cầu pháp lý mới của EU.
Không chỉ vậy, lượng SAF hạn chế này sẽ khiến chi phí nhiên liệu của toàn ngành tăng thêm 4,4 tỷ USD, một con số mà IATA đánh giá là "đáng báo động".
“Áp đặt quy định sử dụng một sản phẩm vốn không sẵn có trên thị trường sẽ không mang lại lợi ích gì cho môi trường”, ông Walsh nói. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp SAF, vốn đang phải chịu áp lực từ các nghĩa vụ pháp lý, cũng đang đẩy giá nhiên liệu bay truyền thống lên cao.
IATA cho biết, riêng tại châu Âu, các hãng bay sẽ phải mua khoảng 1 triệu tấn SAF trong năm 2025 để đáp ứng yêu cầu, với chi phí thị trường là 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, các loại phí tuân thủ mà nhà cung cấp áp thêm sẽ đẩy con số này tăng thêm 1,7 tỷ USD.
IATA ước tính rằng nếu khoản chi phí phụ trội 1,7 tỷ USD nói trên được dùng để đầu tư trực tiếp vào giảm phát thải, có thể giúp giảm tới 3,5 triệu tấn CO₂.
“Thay vì thúc đẩy sử dụng SAF, quy định của EU đang khiến nó trở nên đắt gấp 5 lần so với nhiên liệu phản lực truyền thống”, ông Walsh nhấn mạnh.
Cần cách tiếp cận khác
Theo đánh giá của IATA, mức giá mà các nhà cung cấp SAF đang áp dụng cao vượt xa chi phí thực tế của lượng SAF hiện có.
“Trên thực tế, EU đã tạo điều kiện cho các nhà cung cấp độc quyền nâng giá bán mà không đem lại lợi ích gì cho môi trường”, ông Walsh nói và kêu gọi khu vực này cần đánh giá lại các mục tiêu liên quan đến SAF.
IATA cảnh báo rằng việc triển khai chính sách SAF quá sớm, khi thị trường chưa sẵn sàng, không những làm chậm tiến trình khử carbon mà còn tạo ra rào cản tài chính mới cho ngành hàng không, vốn đang gồng mình trong giai đoạn hậu COVID-19.
Theo IATA, quy định về sử dụng SAF đang phản tác dụng, khiến chi phí tăng cao nhưng lợi ích môi trường đem lại chưa rõ rệt. Ảnh: ShutterStock.
“Châu Âu cần nhận ra rằng cách tiếp cận hiện tại không hiệu quả và phải tìm một con đường khác”, ông Walsh nói, đồng thời kêu gọi các chính phủ tập trung vào ba lĩnh vực then chốt.
Trước hết, cần tạo chính sách công bằng hơn cho nhà sản xuất năng lượng tái tạo, chấm dứt ưu đãi quá mức dành cho năng lượng hóa thạch vốn đang nhận hơn 1.000 tỷ USD trợ cấp toàn cầu.
Tiếp đó, cần phối hợp các chính sách năng lượng tổng thể, đảm bảo sản lượng điện tái tạo dành một phần hợp lý cho sản xuất SAF, đồng thời cho phép chia sẻ cơ sở hạ tầng và sản xuất đồng thời với các ngành khác.
Ngoài ra, cần hỗ trợ cơ chế CORSIA, hiện là công cụ thị trường duy nhất để kiểm soát phát thải CO₂ từ hàng không quốc tế. Cho đến nay, Guyana là quốc gia duy nhất cung cấp tín chỉ carbon để các hãng bay bù trừ theo CORSIA.
Cùng lúc đó, IATA triển khai hai sáng kiến nhằm hỗ trợ thị trường SAF toàn cầu, gồm hệ thống đăng ký SAF minh bạch do Tổ chức Khử carbon Hàng không Dân dụng (CADO) quản lý và nền tảng SAF Matchmaker giúp kết nối cung – cầu.
Theo đó, hệ thống đăng ký SAF giúp theo dõi minh bạch việc mua, sử dụng SAF và lượng phát thải được giảm tương ứng, phù hợp với các quy định quốc tế như CORSIA và EU ETS. Trong khi công cụ SAF Matchmaker giúp kết nối nhu cầu SAF từ các hãng hàng không với các nhà cung cấp tiềm năng.
Quy định về SAF khiến hãng bay Việt đội chi phí hàng triệu USD
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2025 tổ chức hồi cuối tháng 6 vừa qua, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà thông tin, hãng đang chịu tác động trực tiếp từ chính sách ReFuelEU của Liên minh châu Âu.
Theo đó, Vietnam Airlines đang đối mặt với chi phí nhiên liệu tăng khoảng 6% trong năm 2025, tương đương 5–6 triệu USD chỉ tính riêng các đường bay đến khu vực Châu Âu.
Nguyên nhân chính, theo ông Hà, là giá SAF cao gấp 2–3 lần so với nhiên liệu truyền thống, trong khi nguồn cung vẫn hạn chế và giá cả dự báo tiếp tục tăng theo tốc độ mở rộng mạng bay và quy mô áp dụng.
Theo ông Hà, phần chi phí tăng thêm từ SAF hiện đã được tính vào cơ cấu giá vé trên các chuyến bay từ châu Âu, tương tự như cách áp dụng của nhiều hãng hàng không quốc tế.
Chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines cũng sẽ tăng khoảng 6% trong năm 2025, tương đương 5 - 6 triệu USD, do các quy định về sử dụng SAF. Trong ảnh: Cung cấp nhiên liệu cho tàu bay VNA.
Tuy nhiên, ông Hà nhìn nhận việc triển khai SAF không chỉ là thử thách với riêng Vietnam Airlines, mà là bài toán chung của toàn ngành hàng không.
Giải pháp dài hạn đòi hỏi sự phối hợp đa phương, từ cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất SAF, đảm bảo nguồn cung, kiểm soát chi phí, đến việc chia sẻ gánh nặng với hành khách và nâng cao hiệu quả vận hành từ phía các hãng.
Dự báo, áp lực chi phí liên quan đến SAF sẽ lan rộng khi các yêu cầu tương tự dự kiến có hiệu lực tại nhiều trung tâm hàng không lớn khác như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil… trong vài năm tới.
Dù là gánh nặng tài chính đáng kể, SAF đồng thời cũng là cơ hội hiện thực hóa mục tiêu "xanh hóa" bầu trời, một bước chuyển không thể đảo ngược trong hành trình giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.