Không chỉ tập trung vào các tuyến bay trục chính, các đường bay đến điểm du lịch như Đà Nẵng, Phù Cát, Cam Ranh... cũng được các hãng tăng cường khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao dịp lễ 30/4-1/5.
Đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao dịp lễ 30/4 và 1/5, các hãng hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch bổ sung chuyến và mở rộng khai thác nhiều đường bay nội địa. Bên cạnh các chặng đi/đến TP.HCM vốn có tần suất cao, các đường bay kết nối tới địa phương có điểm du lịch cũng được các hãng ưu tiên tăng chuyến.
Cùng với việc tăng tần suất chuyến bay, việc đưa nhà ga T3 Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất vào vận hành đúng dịp cao điểm cũng được kỳ vọng góp phần giảm áp lực hạ tầng, đảm bảo khai thác an toàn, thông suốt.
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, các hãng hàng không Việt Nam đã chủ động chuẩn bị nguồn lực, bổ sung máy bay, xây dựng kế hoạch tăng chuyến trên các đường bay nội địa.
Cụ thể, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (ngày 25/4-5/5/2025), trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến thực hiện 7.536 chuyến bay (trung bình 685 chuyến/ngày), tăng 24% tổng số chuyến trong kỳ nghỉ và tăng 21% số chuyến/ngày. Số chuyến bay này cung ứng khoảng 1,5 triệu ghế, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong dịp nghỉ lễ, các đường bay đi/đến TP.HCM là 5.083 chuyến (tăng 21% so với kỳ nghỉ năm trước), trung bình 462 chuyến/ngày (tăng 21% so với ngày thường và cùng kỳ); cung ứng 1,03 triệu ghế (tăng 21% so với ngày thường và 21,9% so với cùng kỳ).
Chia sẻ với Tạp chí Hàng không Opensky, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết bên cạnh các đường bay đi/đến TP.HCM có lượng khai thác tăng cao, trong dịp lễ 30/4-1/5, nhiều đường bay đi/đến các địa phương có các điểm du lịch cũng được các hãng tăng cường khai thác như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Phú Quốc, Phù Cát….
Theo đó, trên đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, Vietnam Airlines khai thác gần 400 chuyến và cung ứng gần 70.000 ghế, tăng 25 chuyến và 4.000 ghế so với cùng kỳ. Pacific Airlines cũng tham gia khai thác với 22 chuyến và hơn 4.000 ghế. Bamboo Airways khai thác 72 chuyến với hơn 12.200 ghế, tăng 15 chuyến và 3.000 ghế so với cùng kỳ. Vietjet Air khai thác hơn 280 chuyến với 62.800 ghế, tăng 90 chuyến và 21.000 ghế so với cùng kỳ năm 2024.
Chặng Hà Nội - Phù Cát, Bamboo Airways khai thác 22 chuyến với hơn 2.200 nghìn ghế, tăng 8 chuyến và 1.400 ghế so với cùng kỳ. Vietjet khai thác 66 chuyến với gần 14.300 ghế, tăng 22 chuyến và hơn 5.400 ghế so với cùng kỳ năm trước.
Chặng Hà Nội - Cam Ranh, Vietnam Airlines khai thác gần 90 chuyến với hơn 17.000 ghế, tăng 10 chuyến và hơn 700 ghế so với cùng kỳ. Bamboo Airways khai thác 34 chuyến với hơn 6.200 ghế, tăng 12 chuyến và hơn 1.200 ghế so với cùng kỳ. Vietjet Air khai thác 130 chuyến với hơn 27.000 ghế, tăng 30 chuyến và gần 5.000 ghế so với cùng kỳ năm 2024.
Đường bay địa phương Đà Nẵng - Cam Ranh cũng được Vietnam Airlines triển khai với 22 chuyến, cung ứng hơn 4.000 ghế.
Chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm sắp tới, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết Cục đã chủ động triển khai từ sớm đến các đơn vị chức năng trực thuộc, các hãng hàng không và các đơn vị, doanh nghiệp tại cảng hàng không, sân bay trong việc xây dựng phương án khai thác, rà soát quy trình vận hành và phục vụ để bảo đảm tốt hoạt động bay diễn ra an toàn, liên tục và thông suốt.
Trong đó, các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được triển khai tập trung trong việc nâng cao hiệu quả công tác điều phối khai thác, quản lý hoạt động bay; thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục các vấn đề bảo đảm an toàn. Đồng thời bố trí sẵn sàng, tăng cường ứng trực nhân - vật lực, phương tiện tại các vị trí, cảng hàng không quan trọng, các khâu có tính chất trọng yếu trong dây chuyền trong các giai đoạn cao điểm khai thác. Các đơn vị triển khai các kênh thông tin kết nối liên tục, vừa để tiếp nhận và vừa để truyền tải, bảo đảm thông tin và các chỉ đạo luôn được cập nhật, kịp thời, đầy đủ và chính xác.
Nhà chức trách hàng không cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không sân bay (an ninh cửa khẩu, hải quan, kiểm dịch, y tế) để phát huy và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, khai thác hàng không, bảo đảm các hoạt động được diễn ra an toàn, ổn định, liên tục và thông suốt.
Mới đây, nhằm đảm bảo việc khai thác diễn ra trơn tru và không gây áp lực lên hạ tầng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã có những điều chỉnh quan trọng về tham số điều phối tại Cảng Hàng không Quốc tế (Cảng HKQT) Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, trong dịp cao điểm lễ 30/4-1/5, số chuyến bay được phép khai thác mỗi giờ tại sân bay này sẽ tăng lên 46 chuyến vào ban ngày và 36 chuyến vào ban đêm.
Bên cạnh đó, một trong những bước đi quan trọng để hỗ trợ việc tăng cường khai thác là việc đưa nhà ga hành khách T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất vào vận hành. Theo kế hoạch, nhà ga này được đưa vào khai thác đúng dịp lễ 30/4-1/5, góp phần làm giảm áp lực khai thác với hạ tầng nhà ga T1 hiện hữu, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm khi lưu lượng hành khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên tăng cao.
Đặc biệt, việc khai thác T3 cùng dự kiến Vietnam Airlines và Vietjet sẽ chuyển dần sang khai thác nhà ga này cũng sẽ kỳ vọng mang đến thêm những lợi ích cho hành khách, khi đây là hai hãng chiếm tỷ trọng vận chuyển hàng không nội địa lớn nhất trên thị trường.
"Dù có thể cần thời gian bước đầu để hành khách làm quen với các chuyến bay khai thác qua T3, nhưng với điều kiện nhà ga mới cùng trang thiết bị khang trang và hiện đại, T3 đưa vào khai thác sẽ là giải pháp nâng cao hiệu quả, tạo thuận tiện cho hành khách khi thông qua cảng, giảm thiểu ùn tắc, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho các hãng hàng không khi tiến hành khai thác tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất", lãnh đạo Cục Hàng không nhấn mạnh.