Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc để ngành du lịch Việt Nam phát triển lâu dài, có trách nhiệm và có tương lai.
Ảnh: Anmol Bindra/Unsplash.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm, thúc đẩy giao lưu văn hóa và là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và tài nguyên cạn kiệt, ngành du lịch cũng buộc phải chuyển mình mạnh mẽ.
Chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội - VITM 2025, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA)đã tổ chức Diễn đàn "Phát triển điểm đến xanh- Nâng tầm du lịch Việt" sáng 11/4.
Diễn đàn thu hút nhiều đối tác, chuyên gia trong ngành du lịch để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam sở hữu thiên nhiên tuyệt đẹp. Ảnh: _im.rot_.Việt Nam sở hữu thiên nhiên tuyệt đẹp. Ảnh: _im.rot_.Việt Nam sở hữu thiên nhiên tuyệt đẹp. Ảnh: _im.rot_.
Ông Patrick Harvemann - Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nhìn nhận, năm 2024 ngành du lịch Việt Nam thực sự là một động lực kinh tế mạnh mẽ khi đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước) và 110 triệu lượt khách nội địa, với doanh thu ấn tượng 840.000 tỷ đồng.
Phó trưởng đại diện thường trú UNDP đánh giá du lịch Việt Nam đạt được những thành công này cũng nhờ rất nhiều vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.
Tuy nhiên, đối mặt với những thách thức hiện nay như tình trạng mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững là một điều tất yếu. Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao cuộc sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch LuxGroup cho biết trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên và hệ lụy ngày càng rõ nét từ du lịch đại trà, khái niệm "du lịch xanh" không đơn thuần là một lựa chọn mang tính thời điểm, mà trở thành một yêu cầu bắt buộc để ngành du lịch có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững.
chuyển đổi xanh trong du lịch là quá trình thay đổi ngành du lịch theo hướng bền vững hơn, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài. Ảnh minh họa: VGP.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Hà - Chủ tịch LuxGroup - con đường chuyển đổi xanh không trải hoa hồng. Khó khăn lớn nhất đó là bài toán kinh tế đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, vật tư thân thiện môi trường… đòi hỏi chi phí cao và thời gian hoàn vốn dài trong khi đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, nhận thức chưa đồng đều trong chuỗi cung ứng và thị trường cũng là trở ngại lớn.
Việc thuyết phục các đối tác - đặc biệt ở vùng sâu vùng xa cùng cam kết hành động vì tiêu chuẩn xanh vẫn đang là bài toán khó cần giải bằng các hình thức đối thoại, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật.
"Sản phẩm du lịch xanh giá thành cao nên khó cạnh tranh cũng như tiếp cận thị trường đại chúng. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp xanh chưa được hưởng ưu đãi cụ thể về thuế, tín dụng, đấu thầu sản phẩm hay tiếp cận thị trường, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc chuyển đổi sang du lịch xanh", TS. Phạm Hà nêu thực tế.
Trong khi đó, ông Phùng Quang Thắng - Phó chủ tịch thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam - cho biết hiện đã có một số doanh nghiệp đã triển khai hoạt động du lịch bền vững, hầu như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: Tràng An (Ninh Bình), khu du lịch sinh thái Thung Nham (Ninh Bình), Mũi Né Bay Resort (Bình Thuận), Furama Resort (Đà Nẵng), H’Mong Village Resort (Hà Giang)....
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp triển khai sẽ gặp một số khó khăn như thiếu nhân sự chuyên môn và kinh phí đầu tư ban đầu, không dễ thay đổi thói quen vận hành cũ vì thế, để triển khai được cần sự đồng hành từ lãnh đạo đến nhân viên cộng đồng và du khách bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
'Hiến kế' phát triển điểm đến xanh
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết ngay từ năm 2018 - 2019, VITA đã vận động các doanh nghiệp du lịch chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Hiệp hội đã tập trung xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh (VITA GREEN), với mục tiêu tạo ra công cụ thực tiễn, rõ ràng, có thể áp dụng cho các điểm đến và doanh nghiệp du lịch hội viên trên cả nước.
Du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Ảnh minh họa: Cục Du lịch Quốc gia.
Ông Vũ Thế Bình khẳng định chỉ khi có Bộ tiêu chí cụ thể, các điểm đến và doanh nghiệp mới có thể từng bước tự đánh giá, cải tiến và nâng cao năng lực thực hành xanh một cách có hệ thống và bền vững. Và diễn đàn "Phát triển điểm đến xanh - Nâng tầm du lịch Việt" là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm lan tỏa nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hành động thực tế trong quá trình chuyển đổi xanh của ngành du lịch Việt Nam.
"Đã đến lúc các đối tác trong ngành du lịch cần hợp tác với nhau để tích cực tham gia vào chương trình phát triển các điểm đến xanh của du lịch Việt Nam, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch VITA đưa ra 5 yếu tố để khởi động các hoạt động chuyển đổi xanh gồm tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi xanh trong du lịch; phát triển các sản điểm đến xanh trên cơ sở Bộ tiêu chí du lịch xanh của Hiệp hội; xúc tiến, quảng bá xanh; đào tạo xanh và ứng dụng công nghệ xanh, chuyển đổi số.
Tham luận về xu hướng chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, GS.TS Nguyễn Văn Đính, Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) đề xuất loạt giải pháp nhằm giảm phát thải carbon như ngành du lịch nên sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường (xe điện, xe đạp, giao thông công cộng); khuyến khích du lịch gần gũi thiên nhiên; hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng; tiết kiệm nước, điện và áp dụng năng lượng tái tạo trong cơ sở lưu trú. Bảo vệ hệ sinh thái, không khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.
Du lịch xanh mang đến nhiều trải nghiệm sâu sắc và thú vị hơn cho du khách. Ảnh minh họa: kunturchile.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Văn Đính lưu ý, để chuyển đổi xanh trong du lịch đòi hỏi phát triển du lịch cộng đồng và kinh tế tuần hoàn, trong đó hỗ trợ các làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân địa phương ưu tiên các sản phẩm, thực phẩm hữu cơ và hàng thủ công địa phương. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm du lịch theo hướng giáo dục du khách về du lịch bền vững. Khuyến khích khách du lịch tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên.
Ông Patrick Haverman cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Ảnh: TITC.
“
Việc khuyến khích du khách ưu tiên các lựa chọn di chuyển thân thiện với môi trường không chỉ làm sâu sắc trải nghiệm của họ mà còn trực tiếp góp phần vào bầu không khí trong lành hơn và hướng tới các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đầy tham vọng của Việt Nam.
Ông Patrick Haverman Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí khẳng định không thể nói xanh khi chưa giảm thiểu được rác thải nhựa, giảm thiểu rác thải nhựa phải là yêu cầu tiên quyết để du lịch Việt Nam chuyển đổi xanh. Chính vì thế, buộc phải giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo, phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường...
Trong đó, 4 vấn đề cốt lõi cần giải quyết là quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả, du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp và du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Chuyển đổi xanh là hành trình lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng và kiên trì từ tất cả các bên: từ chính sách vĩ mô, sự đầu tư của doanh nghiệp, sự hưởng ứng của cộng đồng đến lựa chọn tiêu dùng của du khách. VITA cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy và lan tỏa các sáng kiến xanh, góp phần làm nên một ngành du lịch Việt Nam có trách nhiệm, nhân văn và bền vững hơn.
Con đường nâng tầm du lịch Việt Nam thông qua phát triển các điểm đến xanh không chỉ là khát vọng mà còn là một đòi hỏi tất yếu và một cơ hội chiến lược.
"UNDP Việt Nam cam kết sát cánh cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và tất cả các đối tác trên hành trình chuyển đổi mang tính bước ngoặt này. Bởi lẽ, một quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ là một động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế mà còn là lá chắn vững chắc bảo vệ di sản thiên nhiên vô giá của Việt Nam cho thế hệ mai sau", ông Patrick Haverman khẳng định.
Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội - VITM 2025 với chủ đề "Phát triển điểm đến xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam" kéo dài từ ngày 10-13/4 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội với sự tham gia của 450 gian hàng, 60 cơ quan xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, 8 hãng hàng không, 16 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hơn 600 doanh nghiệp.
VITM Hà Nội 2025 nhằm tập trung phát triển các điểm đến đạt danh hiệu du lịch xanh, góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế về bảo đảm môi trường, an ninh, an toàn và hấp dẫn cho du khách.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.