Vươn xa

Dự án liên kết hàng không - đường sắt lọt top 10 mô hình đổi mới du lịch Trung Quốc

Kha Linh 06/07/2025 12:33

Không chỉ đơn giản hóa thủ tục bay quốc tế, sáng kiến “Ký gửi liên tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải” còn là sự kết hợp đường sắt cao tốc và hàng không mang lại sự thuận tiện và tiết kiệm cho khách.

Dự án “Ký gửi liên tuyến tốc hành Bắc Kinh – Thượng Hải” của China National Aviation Holding Corporation (Tập đoàn Hàng không Quốc gia Trung Quốc – CNAC) vừa được bình chọn vào Top 10 mô hình đổi mới du lịch năm 2025, trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển chất lượng cao ngành du lịch Trung Quốc.

Đơn giản hóa thủ tục 'check - in'

anh_viber_2025-07-06_12-02-07-951.jpg
Thông tin chính thức về dịch vụ ký gửi liên tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải. Nguồn: CCTV News

Từ ngày 6/5, hệ thống “Ký gửi liên tuyến tốc hành” chính thức được CNAC đưa vào vận hành trên tuyến giao thông vàng, cực kỳ đông đúc giữa bắc Kinh và Thượng Hải.

Sáng kiến này tập trung vào việc đơn giản hóa quy trình làm thủ tục bay và ký gửi hành lý. Hành khách có thể mua vé máy bay, ký gửi hành lý và làm thủ tục một lần duy nhất, ngay tại ga tàu cao tốc Bắc Kinh Nam khi khởi hành đến Thượng Hải.

Dữ liệu chuyến bay và hành lý được đồng bộ thông qua mã vạch và hệ thống thông minh, đảm bảo kết nối liền mạch giữa đường sắt cao tốc và hàng không quốc tế. Ngoài ra hành khách có thể chủ động lựa chọn hạng vé, giá vé và hình thức nhận hành lý linh hoạt, giúp tối ưu hóa trải nghiệm cá nhân.

Theo hệ thống, hành khách đủ điều kiện có thể đăng ký qua ứng dụng Air China, nhận mã QR để sử dụng tại ga Bắc Kinh Nam hoặc Hồng Kiều. Sau khi quét mã tại ga, họ trực tiếp lên tàu cao tốc đến sân bay mà không cần ký gửi lại hành lý hay lặp lại thủ tục check-in và soi chiếu an ninh.

Tại sân bay, hành khách được ưu tiên qua làn nối chuyến riêng và lên thẳng máy bay.

Trước khi mô hình này được triển khai, hành khách di chuyển từ Bắc Kinh đến Thượng Hải để nối chuyến quốc tế thường phải tự túc di chuyển từ ga tàu đến sân bay, sau đó thực hiện lại toàn bộ thủ tục hàng không như check-in, ký gửi hành lý và soi chiếu an ninh. Trung bình mỗi hành trình trung chuyển như vậy có thể tiêu tốn từ 1,5 đến 2 giờ, chưa kể các yếu tố rủi ro như tắc đường, sai lệch giờ tàu, hay chậm trễ trong quy trình sân bay.

anh_viber_2025-07-06_12-02-44-574.jpg
Hành khách lên tàu cao tốc tại Trung Quốc – phương tiện ngày càng được ưu tiên lựa chọn nhờ tốc độ và sự tiện lợi trong hành trình nối chuyến.(Ảnh minh họa: Ga tàu cao tốc, Trung Quốc – nguồn: SCMP)

Giải pháp chiến lược

Việc thiếu một hệ thống kết nối đồng bộ giữa đường sắt và hàng không khiến hành trình trung chuyển trở nên rời rạc, gây áp lực đáng kể về thời gian và tâm lý cho hành khách – đặc biệt là khách quốc tế không quen địa hình, người cao tuổi, gia đình có trẻ nhỏ hoặc nhóm khách đoàn cần di chuyển theo lịch trình chặt chẽ.

Không ít trường hợp lỡ chuyến bay nối đã xảy ra, đặc biệt khi thời gian di chuyển quá gấp gáp hoặc không được hỗ trợ từ đầu chuỗi hành trình.

Báo cáo từ South China Morning Post chỉ ra rằng sự phức tạp trong quy trình trung chuyển đã khiến nhiều hành khách từ bỏ hàng không để chuyển hẳn sang đi tàu cao tốc – đặc biệt là trên tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải.

Tính từ năm 2011 đến nay, tuyến đường sắt này đã phục vụ hơn 13,5 tỷ lượt hành khách, vượt xa lưu lượng khai thác đường bay cùng tuyến – phản ánh rõ sự chuyển dịch hành vi tiêu dùng do trải nghiệm bay nối chuyến thiếu liền mạch.

Thực tế này đã làm giảm sức cạnh tranh của ngành hàng không, trong bối cảnh Thượng Hải đón tới 2,41 triệu khách quốc tế chỉ riêng năm 2023, với nhu cầu ngày càng cao về một hành trình du lịch tiện lợi và liên tục.

Trước thực tế đó, việc phát triển một mô hình kết nối liền mạch giữa đường sắt và hàng không được xem là một giải pháp chiến lược, vừa cải thiện trải nghiệm của hành khách, vừa tăng cường lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng không.

anh_viber_2025-07-06_12-01-46-390.jpg
Mô hình kết nối đường sắt – hàng không mang đến hành trình thông suốt từ ga tàu đến sân bay. (Ảnh minh họa: High-speed rail station & aircraft above, China)

Dịch vụ hiện được miễn phí cho hành khách sở hữu vé hạng phổ thông từ 60% giá trở lên. Trong giai đoạn đầu vận hành, hệ thống đã hỗ trợ khoảng 240.000 lượt khách mỗi tháng – chủ yếu là nhóm khách doanh nhân di chuyển thường xuyên.

CNAC cho biết, dịch vụ này không chỉ rút ngắn thời gian và giảm thiểu quy trình trung chuyển, mà còn góp phần hình thành một mô hình di chuyển liên vùng “xanh – thông minh – hiệu quả”, kết nối các đầu mối giao thông lớn của quốc gia.

Trong tương lai, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng triển khai sang nhiều tuyến đường cao tốc – hàng không khác trên toàn quốc, hướng tới mục tiêu phục vụ hành khách nhanh hơn, thuận tiện hơn và hiện đại hơn.

anh_viber_2025-07-06_12-02-33-889.jpg
Hành khách làm thủ tục tại làn nối chuyến sân bay Hồng Kiều (SHA)

Đây được xem là bước tiến chiến lược trong việc tích hợp đường sắt – hàng không, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành du lịch thông minh Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự án liên kết hàng không - đường sắt lọt top 10 mô hình đổi mới du lịch Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO