Hhai phi công người Anh – Alcock và Brown – đã âm thầm lập nên kỳ tích vượt Đại Tây Dương năm 1919 trên chiếc máy bay thô sơ, mở ra chương đầu tiên của hàng không xuyên lục địa.
Khi nhắc đến chuyến bay không dừng đầu tiên vượt Đại Tây Dương, phần lớn mọi người sẽ nghĩ ngay đến Charles Lindbergh. Điều đó không sai. Năm 1927, Charles Lindbergh là người đầu tiên bay một mình, không dừng, từ New York đến Paris.
Nhưng ít ai nhớ rằng tám năm trước đó, khi công nghệ hàng không còn ở thời kỳ sơ khai và mọi chuyến bay đều là canh bạc sinh tử, hai phi công người Anh đã âm thầm thực hiện kỳ tích lịch sử.
John Alcock và Arthur Brown đã thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương không dừng đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Ngày 15/6/1919, trên chiếc Vickers Vimy được cải biến từ máy bay ném bom thời chiến, hai người đàn ông quả cảm đã cất cánh từ Newfoundland (Canada) và hạ cánh tại Clifden (Ireland) sau hành trình dài 3.057 km và gần 16 giờ bay giữa địa ngục mây mù, băng giá và cô lập hoàn toàn.
Không chỉ vì danh vọng, Alcock và Brown bay để khẳng định khả năng chinh phục của nước Anh trong một thời đại mà hàng không còn mang đậm tính thử nghiệm.
Tờ Daily Mail, với tinh thần thúc đẩy khoa học và quốc khí, đã treo thưởng 10.000 bảng Anh tương đương nửa triệu bảng ngày nay cho người đầu tiên vượt Đại Tây Dương bằng máy bay không dừng.
Theo nhà sử học David Rooney trong cuốn The Big Hop, Alcock và Brown không đơn độc. Họ cạnh tranh với những cái tên lớn như Sopwith, Handley Page và Martinsyde. Nhưng chính họ cùng chiếc Vickers Vimy giản dị mới là người chiến thắng.
Hành trang của họ không chỉ là nhiên liệu và thiết bị định vị, mà còn là nhiều thứ khác như cà phê, socola nóng, sandwich, brandy, một túi thư trở thành chuyến airmail đầu tiên vượt đại dương, và cả hai linh vật mèo đen nhỏ Lucky Jim và Twinkletoe.
Ngay khi vừa rời đường băng, radio của họ đã bị hỏng. Từ khoảnh khắc ấy, họ hiểu không ai biết họ ở đâu, và sẽ không ai đến cứu nếu có sự cố.
Sự im lặng bị phá vỡ bởi âm thanh như súng máy hay ống xả phát nổ, một phần ống bị nung đến trắng rồi rơi rụng. Ánh lửa bốc lên, họ lo sợ máy bay sẽ bị thiêu rụi. May mắn thay, chiếc Vimy vẫn tiếp tục bay.
Nhưng thiên nhiên lại không buông tha cho họ. Băng tuyết phủ đầy, sương mù dày đặc khiến họ mất tầm nhìn hoàn toàn.
Ở độ cao 1.066 mét, họ lao xuống trong mù mịt – và chỉ khi xuyên qua đám mây, đồng hồ đo độ cao hiện còn chưa đầy 15 mét trên mặt biển.
Chỉ chậm một nhịp, chúng tôi đã nằm lại trong lòng Đại Tây Dương.
Arthur Brown - Phi công
Khi thấy bờ biển Ireland, Alcock tìm điểm hạ cánh. Một cánh đồng xanh mở ra tưởng như lý tưởng, nhưng hóa ra là một vùng lầy ngập nước. Bánh xe máy bay cắm xuống bùn, mũi chúi xuống, đuôi nhấc lên. Nhưng buồng lái vẫn vẹn nguyên, và cả hai sống sót.
Nhà vua George V đã lập tức gửi điện chúc mừng. Winston Churchill, khi đó là Bộ trưởng Chiến tranh và Không quân, đích thân trao giải và thông báo phong tước. Một buổi tiệc chiến thắng rực rỡ được tổ chức tại khách sạn Savoy, London.
Chỉ vài tháng sau, ngày 18/12/1919, John Alcock thiệt mạng trong một tai nạn khi bay thử chiếc Vickers Viking mới đến Paris Airshow.
Tin buồn được đăng trang nhất tờ Daily Mail chính nơi đã treo giải vinh danh ông. Nhưng những gì Alcock và Brown để lại đã vượt khỏi giới hạn vật lý. Họ khơi mở con đường bay xuyên đại dương cho cả một thế kỷ.