Mới đây, một đoạn ghi âm trong buồng lái của chuyến bay Air India đã bị rò rỉ cho thấy cơ trưởng đã chủ động cắt nguồn cung nhiên liệu cho cả hai động cơ chỉ vài giây sau khi máy bay cất cánh.
Trong đoạn đối thoại giữa hai phi công, cơ phó người đang điều khiển máy bay đã hỏi cơ trưởng lý do vì sao ông chuyển công tắc nhiên liệu sang chế độ “cắt” (cutoff) khiến động cơ ngừng hoạt động, đồng thời đề nghị khôi phục dòng nhiên liệu.
Tuy không có hình ảnh video xác thực hành động của phi công nào, nhưng bằng chứng từ đoạn ghi âm cho thấy nhiều khả năng chính cơ trưởng là người thao tác chuyển đổi công tắc.
Trên máy bay Boeing 787 Dreamliner, hai công tắc kiểm soát nhiên liệu nằm ngay phía dưới cần đẩy lực.
Chúng được thiết kế để luôn giữ nguyên vị trí và muốn thay đổi, phi công buộc phải kéo lên và chuyển từ chế độ “RUN” sang “CUTOFF”.
Hệ thống này không thể vô tình bị bật tắt, điều đó khiến giả thuyết "lỗi thao tác không chủ ý" trở nên khó thuyết phục.
Dữ liệu từ thiết bị ghi chuyến bay cho thấy, hai công tắc nhiên liệu đã bị chuyển từ "RUN" sang "CUTOFF" với khoảng cách đúng một giây sau khi máy bay rời khỏi mặt đất.
Việc mất công suất xảy ra ngay tức thì. Camera an ninh cho thấy, chỉ vài giây sau, một tua-bin khẩn cấp đã bung ra, dấu hiệu mất hoàn toàn năng lượng từ động cơ chính.
Cú rơi không thể cứu vãn
Chiếc Boeing 787 khi đó mới chỉ đạt độ cao khoảng 200 mét thì bắt đầu mất lực nâng. Phi công đã chuyển công tắc trở lại “RUN” để khởi động lại động cơ, nhưng máy bay đã quá thấp và quá chậm để có thể hồi phục.
Theo chuyên gia an toàn hàng không John Nance, dù hệ thống tái khởi động hoạt động đúng chức năng, nhưng “máy bay khi đó không còn đủ độ cao hay tốc độ để cứu vãn”.
Chiếc máy bay đâm vào cây, ống khói, rồi bốc cháy khi lao xuống khuôn viên một trường y gần đó. Tổng cộng 241 trong số 242 người trên khoang tử nạn, cùng với 19 người dưới mặt đất.
Danh tính hai phi công
Theo báo cáo sơ bộ, cơ trưởng Sumeet Sabharwal, 56 tuổi, có hơn 15.000 giờ bay trong đó gần 8.600 giờ trên Boeing 787. Ông được cấp phép lái nhiều loại máy bay lớn, bao gồm cả Boeing 777 và Airbus A310.
Trong khi đó, cơ phó Clive Kunder, 32 tuổi, mới có hơn 3.400 giờ bay, trong đó 1.128 giờ là với vai trò cơ phó trên Boeing 787.
Đáng chú ý, đoạn ghi âm không ghi rõ ai nói câu nào, nhưng dựa vào nội dung và giọng điệu trong tình huống, đánh giá sơ bộ của phía Mỹ cho rằng chính cơ trưởng đã chuyển công tắc, còn cơ phó là người phản ứng.
Chưa có kết luận chính thức
Dù sự cố nghiêm trọng nhưng báo cáo sơ bộ từ Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ (AAIB) không đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào với nhà sản xuất Boeing hoặc đơn vị cung cấp động cơ GE. Air India cũng khẳng định không phát hiện lỗi kỹ thuật hay bảo trì nào.
Sau báo cáo, cả Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Boeing đã khẳng định với các hãng bay rằng công tắc nhiên liệu của họ vẫn “an toàn”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tình huống này một lần nữa làm nổi bật sự thiếu sót trong khả năng giám sát buồng lái.
Sự việc đã thổi bùng lại tranh cãi lâu nay trong ngành hàng không toàn cầu về việc có nên lắp đặt camera ghi hình trong buồng lái, nhằm hỗ trợ điều tra khi xảy ra tai nạn.
Chuyên gia John Nance nhấn mạnh: “Nếu có hình ảnh video trong vụ này, quá trình điều tra sẽ tiến xa hơn rất nhiều”.
Hiện chưa có quốc gia nào bắt buộc lắp camera trong buồng lái thương mại vì các lo ngại về quyền riêng tư của phi công. Nhưng với tai nạn thảm khốc nhất trong vòng một thập kỷ qua, vấn đề này đang ngày càng được chú ý.
AAIB khẳng định truyền thông quốc tế đang “suy đoán không có căn cứ” và rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo quy định quốc tế, báo cáo đầy đủ về nguyên nhân sẽ được công bố trong vòng một năm kể từ ngày xảy ra tai nạn.
Dù nghi vấn đang dồn vào hành động của cơ trưởng, các điều tra viên vẫn phải xem xét mọi yếu tố từ quy trình đào tạo, sức khỏe tâm lý phi hành đoàn, cho đến khả năng can thiệp kỹ thuật ngoài ý muốn.