Đồng bằng sông Cửu Long “sở hữu” nhiều chợ nổi nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch, nhưng những năm gần đây, bản sắc chợ nổi cứ phai nhạt dần.
Hệ thống chợ nổi miền Tây từng “nức tiếng” một thời trên báo chí trong và ngoài nước, thu hút không chỉ khách quốc tế mà cả khách nội địa: Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể; Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng); Chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long); Chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ); Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang); Chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang); chợ nổi Long Xuyên (An Giang); chợ nổi Cà Mau.
“Hãy đến chợ nổi khi chưa có ánh bình minh, du khách được chứng kiến “bầu trời chợ đèn” treo trên ghe lớn, ghe nhỏ… nhộn nhịp người mua, người bán… tạo nên bức tranh sinh động, một nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước miền Tây…”- tạp chí Vogue (Mỹ) đã “kể chuyện” với du khách quốc tế về chợ nổi miền Tây.
Một thời, chợ nổi miền Tây “làm mưa làm gió” trên các diễn đàn du lịch quốc tế, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan tăng mỗi năm. Một vị lãnh đạo TP Cần Thơ cho biết, có giai đoạn cao điểm, mỗi ngày có khoảng 200 lượt tàu đưa đón khách du lịch từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng.
Thế rồi, du khách nhận thấy ngày một thiếu vắng thương hồ mua bán nông sản mà thuần túy là “ghe tạp hóa” bán hàng ăn, hoa quả cho du khách… khiến bản sắc chợ nổi dần phai nhạt trong tâm trí du khách.
Sau khi chợ nổi Phụng Hiệp “biến mất”, các chợ nổi ở miền Tây cũng lâm cảnh “lưa thưa thuyền, ghe”. Và chợ nổi Cái Răng - di sản văn hóa phi vật thể cũng đang có nguy cơ lụi tàn.
Không chỉ du khách mà chính người dân Cần Thơ cũng bày tỏ sự nuối tiếc với chợ nổi Cái Răng từng vang bóng một thời.
Mới đây, chính quyền TP Cần Thơ đã nhận thấy thực trạng “bất ổn” này và nỗ lực tìm cách để làm sống lại chợ nổi Cái Răng. Thật khó gọi đó là “chợ” khi chỉ còn lác đác vài chiếc ghe neo đậu. Làm sao để những “thương hồ” tiếp tục gắn bó mưu sinh trên sông mới chính là lời giải quan trọng, để giữ được nhịp sống “trên bến, dưới ghe” vốn làm nên hồn cốt của chợ nổi.
Bài toán này càng cấp thiết trong bối cảnh “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch”, nhưng giá trị ký ức về chợ nổi – một phần bản sắc văn hóa sông nước miền Tây – vẫn cần được gìn giữ, bảo tồn như một di sản văn hóa phi vật thể.
Thái Lan dù không có chợ nổi tự nhiên như Việt Nam, chợ nổi của xứ chùa vàng hình thành trên kênh đào, nhưng bằng sự khéo léo và sáng tạo, họ đã tạo nên văn hóa chợ nổi sinh động, thu hút khách du lịch.
Cần có sự liên kết giữa nhà quản lý và nhà đầu tư, có cơ chế “ưu đãi đặc thù” cho thương hồ để họ có thể sống được ở chợ nổi… thì chợ nổi mới được hồi sinh.
Bài học “liên minh” của 7 doanh nghiệp phối hợp tạo tour du lịch “Bản giao hưởng đảo xanh” rất thành công và có tiếng vang, mở ra một xu hướng mới thúc đẩy thị trường du lịch - mô hình hợp tác đa phương, kết nối công - tư - cộng đồng lữ hành.