Ascendance (Pháp) sắp hoàn thiện VTOL lai điện Atea, kỳ vọng thay thế trực thăng với chi phí thấp và ít tiêu hao nhiên liệu.
Công ty khởi nghiệp hàng không Pháp Ascendance Flight Technologies đang tiến gần hơn tới việc hoàn thiện nguyên mẫu đầu tiên của Atea – mẫu máy bay cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) sử dụng hệ thống đẩy lai điện.
Dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2026, nguyên mẫu này tích hợp phiên bản mới nhất của hệ thống Sterna – một nền tảng công nghệ đẩy hybrid-điện do Ascendance phát triển và cải tiến suốt hai năm qua trên bệ thử nghiệm Iron Bird.
Tháng trước, Ascendance – có trụ sở tại Toulouse – ghi dấu bước tiến mới nhờ bắt tay với “ông lớn” Airbus nhằm hiện thực hóa tham vọng thương mại hóa hệ thống truyền động hybrid-điện, không chỉ cho Atea mà còn cho nhiều nền tảng hàng không khác.
Bên cạnh đó, công ty cũng góp mặt trong một liên minh với Daher, Safran và Collins Aerospace, hướng tới phát triển công nghệ đẩy thế hệ mới cho máy bay hàng không chung.
Tại Triển lãm hàng không Paris gần đây, Ascendance chính thức giới thiệu Sterna Hybrid Pack – một tổ hợp gồm lõi lai, hệ thống quản lý năng lượng và bộ pin.
Gói công nghệ này hiện đang được cung cấp cho các nhà phát triển máy bay khác thông qua sáng kiến được hậu thuẫn bởi công ty cho thuê Green Aerolease, hãng vận hành khu vực Finistair và công ty trực thăng Leman Aviation.
Chương trình phát triển Atea được Ascendance khởi động từ năm 2018, với nhiều lần tinh chỉnh cấu trúc đẩy để tối ưu hiệu suất.
“Chúng tôi sớm nhận ra rằng việc kết nối trực tiếp pin với tuabin không hiệu quả. Điều cốt yếu là phải có một hệ thống phân phối và quản lý điện hoàn chỉnh – bao gồm cả bộ điều khiển. Và đó là điều chúng tôi đã dành 5 năm qua để làm với Sterna,” ông Thibault Baldivia, Giám đốc Thương mại của Ascendance, chia sẻ.
Hệ thống Sterna kết hợp máy phát điện tuabin do Turbotech cung cấp với động cơ điện từ Safran, trong khi Exoes – một công ty Pháp khác – đảm nhiệm phần quản lý nhiệt và pin, đóng vai trò cung cấp năng lượng trong giai đoạn cất cánh và leo cao.
Về thiết kế, Atea sử dụng 8 quạt nâng bố trí trên cánh chính và cánh phụ để tạo lực nâng thẳng đứng, cùng các cánh quạt phụ ở mũi và đuôi phục vụ bay ngang. Hệ thống đã trải qua nhiều thử nghiệm trong đường hầm gió và các nguyên mẫu cánh kích thước thật.
Ascendance đã đồng hành cùng các đối tác tiềm năng trong suốt quá trình thiết kế Atea, hướng tới nhiều mục tiêu khai thác như vận chuyển hành khách, hàng hóa, cứu hộ y tế khẩn cấp. Tính đến hiện tại, công ty đã nhận được 617 thư bày tỏ ý định đặt hàng, phần lớn đến từ các nhà khai thác trực thăng như HeliFirst, Jet Systems Helicoptères Services, cùng các startup như Evfly, Yugo, Philjets và Flyshare.
Atea có khả năng chở 4 hành khách với phạm vi bay khoảng 217 hải lý, tốc độ hành trình dự kiến đạt 130 hải lý/giờ – gần tương đương các dòng trực thăng như Airbus H130. Điều đáng chú ý là mẫu VTOL này có thể giúp tiết kiệm tới 80% nhiên liệu và 50% chi phí vận hành trực tiếp so với các trực thăng truyền thống.
Sau 7 năm hoạt động, Ascendance vẫn duy trì được niềm tin từ các nhà đầu tư sáng lập – trong đó có các thành viên gia đình Dassault. Ban cố vấn của công ty quy tụ nhiều cựu lãnh đạo cấp cao của Airbus, đồng thời nhận được tài trợ từ chương trình France 2030 của chính phủ Pháp.