Chính sách

9 thủ tục được đề xuất cắt giảm trong dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam

K.Linh 18/07/2025 07:00

Có 9/24 thủ tục hành chính được đề xuất cắt giảm trong dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) để báo cáo Chính phủ. Dự thảo Luật được xây dựng theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Theo Bộ Xây dựng, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2014 có 24 nhóm thủ tục hành chính.

Trong khi đó, dự thảo Luật hiện nay được xây dựng theo hướng chỉ quy định những vấn đề khung mang tính nguyên tắc. Các quy định cụ thể, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ được quy định tại các văn bản dưới Luật. Do đó, không còn quy định cụ thể tên thủ tục hành chính, quy trình, trình tự thủ tục hành chính ở nội dung dự thảo Luật.

Các thủ tục hành chính theo từng nhóm chính sách về an toàn hàng không, an ninh hàng không, vận chuyển hàng không... sẽ được Chính phủ quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn dưới Luật.

Theo rà soát, sau khi dự thảo Luật được thông qua và các Nghị định quy định chi tiết Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) được ban hành, cơ quan soạn thảo dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 9/24 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng.

thu-tuc-hang-khong.jpg
Có 9/24 thủ tục hành chính được đề xuất cắt giảm trong dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Ảnh minh họa

9 thủ tục hành chính được đề xuất cắt giảm bao gồm

1. Đề xuất bãi bỏ thủ tục Đăng ký Điều lệ vận chuyển (quy định tại Khoản 3 Điều 111, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam hiện hành)

2. Thủ tục Cấp quyền vận chuyển hàng không có 2 nội dung được đề xuất gồm:

- Bãi bỏ thủ tục cấp quyền vận chuyển hàng không cho hãng hàng không Việt Nam tại Khoản 1 Điều 113 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

- Đơn giản hóa thủ tục cấp quyền vận chuyển hàng không cho hãng hàng không nước ngoài tại Khoản 2 Điều 113 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, theo hướng chỉ yêu cầu thực hiện thủ tục đối với hãng hàng không nước ngoài lần đầu tiên khai thác đến Việt Nam.

3. Đề xuất bãi bỏ thủ tục cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài, quy định tại Điều 123 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

4. Đề xuất bãi bỏ thủ tục hành chính Mở, đóng cảng hàng không, sân bay, quy định tại Khoản 1 Điều 55 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

5. Thủ tục Đăng ký quyền sở hữu tàu bay, quy định tại Điều 28 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, được đề xuất bãi bỏ ghép lại thành thủ tục: Cấp giấy chứng nhận đăng ký các quyền đối với tàu bay.

6. Thủ tục Đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay, quy định tại Điều 28 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, được đề xuất bãi bỏ ghép lại thành thủ tục: Cấp giấy chứng nhận đăng ký các quyền đối với tàu bay.

7. Thủ tục Đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay, quy định tại Điều 33 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, được đề xuất bãi bỏ ghép lại thành thủ tục: Cấp giấy chứng nhận đăng ký các quyền đối với tàu bay.

8. Đề xuất bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay (quy định tại Khoản 2 Điều 55 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam).

9. Đề xuất bãi bỏ đăng ký cảng hàng không, sân bay đang xây dựng (quy định tại Điều 55 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam).

Hoàn thiện khung pháp lý

Theo đánh giá của chuyên gia hàng không, việc xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) là cần thiết và cấp bách, nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những thay đổi trong dự thảo Luật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực thi đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên ICAO.

Đồng thời, việc xây dựng Luật thay thế cũng là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý, khơi thông các điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển ngành hàng không hiện đại, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Nói về việc sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, TS. Nguyễn Sỹ Dũng - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng cho rằng, việc thử nghiệm và thay đổi là cần thiết.

Điều quan trọng là phải xây dựng một khung chính sách rộng mở và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, cần sớm sửa đổi các quy định theo hướng chuyển mạnh từ quản lý cấp phép sang giám sát đối thủ; Giảm tối đa thủ tục tiền kiểm, tăng hậu kiểm…

Ông Nguyễn Sỹ Dũng chia sẻ thêm, cần bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, mang tính cản trở cạnh tranh. Chẳng hạn như các quy định quá ngặt nghèo về vốn điều lệ, số lượng tàu bay tại thời điểm cấp phép, hay tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong hãng hàng không.

Những điều kiện này không còn phù hợp với thực tiễn và nếu không điều chỉnh, sẽ tiếp tục kìm hãm sự tham gia của các nhà đầu tư mới, đặc biệt là khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế.

“Chúng ta cần có một mô hình thể chế thử nghiệm phù hợp cho các hãng hàng không mới, để khuyến khích đổi mới sáng tạo một cách lành mạnh và thực chất”, ông Nguyễn Sỹ Dũng nói.

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam hiện hành được ban hành từ năm 2006, đến nay đã 19 năm, lần sửa đổi, bổ sung gần nhất là năm 2014 cũng đã 11 năm.

Trong điều kiện kinh tế xã hội trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, yêu cầu phản ứng chính sách phải rất kịp thời, hiệu quả.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu để đề xuất sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam là chậm, đã gây nhiều vướng mắc, bất cập, cản trở sự phát triển và phải áp dụng chính sách đặc thù để xử lý.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
9 thủ tục được đề xuất cắt giảm trong dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO