Trong nước

Vietnam Airlines muốn lập hãng bay vận tải, phát hành thêm cổ phiếu

Nam Bình 25/06/2025 18:54

Vietnam Airlines lựa chọn Airbus A321 làm máy bay vận tải, quý 4/2025 đưa vào khai thác đường bay khu vực, tiến tới xây dựng hãng bay Air Cargo vào năm 2026.

Nguồn tin của Tạp chí Hàng không cho biết, một tập đoàn vừa gửi hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không , trong đó có phát triển lĩnh vực Air Cargo. Ảnh minh họa.

Cùng với đó, hãng có kế hoạch thanh lý 6 tàu bay cũ, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong năm 2025.

Mở rộng hoạt động lĩnh vực vận tải hàng hóa

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Vietnam Airlines tổ chức sáng 25/6, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong quý 2/2025, sự tăng trưởng thị trường vận tải hàng không quốc tế tốt, có phần đóng góp quan trọng kết quả sản xuất kinh doanh của hãng.

Tuy nhiên, ông Hà cũng thừa nhận diễn biến thị trường vận tải hàng không phức tạp, có nhiều rủi ro ảnh hưởng tác động như giá nhiên liệu biến động, xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt máy bay, các yếu tố thời tiết bất thường, hạ tầng khai thác cảng hàng không.

Để đảm bảo hiệu quả và sản lượng, ông Hà cho rằng, ngoài các hoạt động quảng bá, mở rộng hợp tác mạng lưới bán vé bay với các đối tác quốc tế, hãng đang có ý định mở rộng hoạt động sang lĩnh vực vận tải hàng hóa.

VNA 2
TGĐ Lê Hồng Hà giải đáp những câu hỏi của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 25/6. Ảnh: VNA.

Đặc biệt, ông Hà cũng tiết lộ, hãng có kế hoạch lựa chọn dòng máy bay A321 sử dụng làm máy bay vận tải chở hàng hóa, dự kiến đưa vào quý 4/2025 để khai thác đường bay khu vực, tiến tới mục tiêu xây dựng hãng bay vận tải hàng hóa giai đoạn từ năm 2026.

Hiện, Vietnam Airlines tập trung xây dựng các trung tâm logistics tại các sân bay trong nước như Long Thành, Gia Bình nhằm phục vụ mở rộng lĩnh vực hàng hóa.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cũng cho hay, đội tàu bay thân rộng của Vietnam Airlines hiện có 31 chiếc. Trong thời gian tới, hãng tiếp tục tìm giải pháp thuê mua để bổ sung tải cho hãng.

Năm 2035, Vietnam Airlines cần ít nhất 50 tàu bay thân rộng (dự kiến 20 chiếc thay thế các tàu đang hoạt động và 30 chiếc bổ sung), với mục tiêu chiếm thị phần chủ đạo mạng bay nội địa và mở rộng mạng bay quốc tế.

Riêng với đề án mua 50 tàu bay thân hẹp, ông Hòa cho biết, hiện hãng đã làm việc xong với các đối tác cung ứng máy bay đồng thời lựa chọn và ký hợp đồng. Hãng dự kiến năm 2030 nhận 14 tàu bay, giai đoạn 2031-2032 nhận 18 tàu bay.

Trả lời về việc thị trường hàng không Việt Nam có thêm hãng bay mới sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines, ông Hòa bày tỏ quan điểm rằng, trong môi trường hiện nay, việc doanh nghiệp được cấp phép lập một hãng bay mới là hết sức bình thường. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn mới là điều đáng lưu tâm.

Dù vận tải hàng không nhiều biến động trước các chính sách thuế của Mỹ, 6 tháng đầu năm nay, thị trường vận tải hàng hóa của hàng không Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Ảnh minh họa.
Vietnam Airlines có kế hoạch tiến tới thành lập hãng bay chuyên lĩnh vực vận tải hàng hóa trong năm 2026. Ảnh minh họa.

Thời gian tới, khi các hãng đưa nhiều máy bay vào khai thác, Vietnam Airlines xác định cạnh tranh là nhu cầu tất yếu của thị trường nên bình tĩnh chủ động, không lo lắng và coi là cơ hội động lực để phải thay đổi, bắt đầu từ nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực, giữ được đà tăng trưởng và hãng bay chủ lực.

“Ngoài các hãng bay nội địa, Vietnam Airlines hiện mỗi ngày phải cạnh tranh với 52 hãng bay quốc tế bay thường lệ tới Việt Nam. Do đó, mục tiêu của Vietnam Airlines Group là giữ vững 50% thị phần nội địa và tăng thị trường quốc tế”, ông Hòa khẳng định.

Thanh lý tàu bay cũ, phát hành thêm cổ phiếu

Tại Đại hội, Tổng giám đốc Lê Hồng Hà cho biết, giai đoạn 2021-2024, hãng đã bán 5 tàu bay A321CEO cũ, dự kiến năm 2025 sẽ thực hiện thanh lý 6 tàu bay A321CEO cũ và 6 tàu ATR72. Phương án trước đây, hãng dự kiến bán 32 tàu bay, trong đó bán 26 tàu A321CEO và 6 tàu ATR72 trong giai đoạn 2021-2025.

Do đó, hãng sẽ tiếp tục rà soát kế hoạch bán tàu bay cũ để đảm bảo tính khả thi bán tàu bay ở mức giá cạnh tranh, thu hồi đủ chi phí vốn. Kế hoạch này, theo hãng, phù hợp với nhu cầu khai thác trong bối cảnh thiếu hụt tàu bay do vấn đề triệu hồi động cơ PW và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, việc thuê/mua tàu bay trên thị trường gặp nhiều khó khăn.

Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 do Tổng giám đốc Lê Hồng Hà trình bày tại cũng cho biết, hãng sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng theo hình thức chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Trong nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines cũng được Chính phủ cho phép vừa xây dựng Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp vừa đàm phán với nhà sản xuất tàu bay theo quy định. Ảnh minh họa: VNA
Đội tàu bay thân rộng của Vietnam Airlines hiện có 31 chiếc và sẽ được bổ sung trong thời gian tới. Ảnh minh họa: VNA

Cụ thể, giai đoạn 01: Quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng, cổ đông nhà nước chuyển giao quyền mua cho SCIC. Thực hiện sau khi cấp có thẩm quyền chấp thuận, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Giai đoạn 02: Quy mô phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng, Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án (kể cả phương án Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp); trường hợp phát sinh vướng mắc thì tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền, dự kiến bắt đầu từ năm 2026.

Tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2025, ĐHĐCĐ đã thông qua phương án tăng vốn giai đoạn 1. Đối với Phương án tăng vốn giai đoạn 2 sẽ tiếp tục triển khai từ năm 2026, sau khi hoàn thành tăng vốn giai đoạn 1.

Theo đánh giá, việc bổ sung thêm vốn điều lệ sẽ giúp hãng có nguồn vốn hợp lý, phù hợp với quy mô kinh doanh và thích nghi với tình hình mới, thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu; thúc đẩy tiến trình giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp này.

Ngoài ra, trong năm 2025, hãng cũng dự kiến triển khai chuyển nhượng vốn tại một số doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không để cải thiện dòng tiền…

Cụ thể, sẽ triển khai phương án chuyển nhượng vốn đầu tư của VNA tại Pacific Airlines, thực hiện chuyển nhượng 100% vốn đầu tư tại TCS cũng như rà soát, điều chỉnh kế hoạch chuyển nhượng vốn đầu tư tại một số doanh nghiệp đa ngành nghề, ít liên quan đến vận tải hàng không khác.

Trong quý I/2025, Hãng đạt doanh thu hợp nhất ước tính hơn 31.500 tỷ đồng, vượt 5,9% so với kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất đạt gần 8.000 tỷ đồng.

Sang quý II/2025, cùng với sự tương trưởng của thị trường, sản lượng vận chuyển của hãng ước vượt kế hoạch 1,9% tổng thị phần.

Doanh thu vận tải hàng không quý II/2025 ước đạt 22.100 tỷ đồng, vượt 5,9% so với kề hoạch đề ra, lợi nhuận trước thuế ước tính Quý II ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.600 tỷ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vietnam Airlines muốn lập hãng bay vận tải, phát hành thêm cổ phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO