Với mức tăng trưởng ấn tượng cả về hành khách và hàng hóa trong quý I, ngành hàng không Việt đang tái khẳng định vai trò đầu tàu kết nối giao thương, du lịch và hội nhập quốc tế. Những nỗ lực về quy hoạch, luật hóa và điều hành đồng bộ tạo nền tảng vững chắc cho chặng đường phát triển sắp tới.
Bước vào năm 2025, ngành hàng không Việt Nam đã khởi đầu bằng một quý I đầy lạc quan sau cuộc khủng hoảng kéo dài từ cuối năm 2023 do thiếu máy bay và giá nhiên liệu tăng cao.
Theo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam tại Hội nghị sơ kết ngày 11/4, tổng lượng hành khách qua các cảng hàng không đạt hơn 20,7 triệu lượt, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đạt 11,7 triệu lượt, tăng tới 12,3%. Thị trường nội địa cũng giữ nhịp tăng đều với 9 triệu khách, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hàng hóa đạt 329.000 tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ, trong đó, nội địa hơn 60.000 tấn, tăng 2,8% và quốc tế 269.000 tấn, tăng 14,8% so cùng kỳ 2024.
Với kết quả này, vận tải hàng không đã hoàn toàn hồi phục và có sự tăng trưởng so năm 2019 (trước dịch COVID-19) cả ở thị trường quốc tế (tăng 11%) và nội địa (tăng 5,8%).
Quý I/2025 cũng là dịp cao điểm trong vận tải hàng không với dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ (14/1-12/2, tức ngày 15 tháng Chạp đến hết ngày 15 tháng Giêng âm lịch) thị trường đạt xấp xỉ 7,3 triệu hành khách, tăng 11,7% so với cùng kỳ 2024.
Cục Hàng không đánh giá đây là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn thiếu hụt máy bay. Các sân bay trọng điểm như Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, lưu lượng hành khách, hàng hóa thông qua và số lượng chuyến bay thực hiện đã có thời điểm tăng trưởng ở mức hai con số, đặc biệt sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có ngày phục vụ số lượng chuyến bay kỷ lục, hơn 1.000 chuyến tuy nhiên hoạt động vẫn nhịp nhàng, không xảy ra ùn ứ và bảo đảm an toàn tuyệt đối trong hoạt động khai thác của dây chuyền vận chuyển hàng không.
Trong quý I, nhà chức trách hàng không đã tổ chức họp tổ điều phối slot và các hãng hàng không về việc xác định, quản lý các chuỗi slot; triển khai các công việc liên quan đến điều phối slot, giám sát hoạt động khai thác, cập nhật tình hình bán vé, đặt giữ chỗ của các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2025, giai đoạn cao điểm 30/4, 1/5 và cao điểm hè 2025. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng phương án điều phối slot Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Ngoài ra, trong quý I, Cục Hàng không Việt Nam đã kiểm tra tăng cường công tác đảm bảo an toàn khai thác tàu bay giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại các Cảng Hàng không có hoạt động bay cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh, Côn Sơn.
Cục tổ chức họp Hội đồng đánh giá rủi ro an toàn hàng không để đánh giá, xây dựng Dự thảo Chương trình an toàn quốc gia phiên bản mới nhằm đáp ứng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), đánh giá tổng thể về kế hoạch khắc phục khuyến cáo của ICAO, đề án thành lập Cơ quan điều tra tai nạn sự cố tàu bay;...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn yêu cầu trong quý II, Cục Hàng không Việt Nam cần chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện hồ sơ xây dựng chính sách xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế).
Bên cạnh đó, triển khai chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện thủ tục đưa sân bay Long Thành vào khai thác đảm bảo đúng thời hạn cũng như theo dõi tình hình đặt chỗ, bán vé, tăng chuyến của các hãng hàng không dịp lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè. Cục Hàng không cần nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển logistic; phối hợp với các địa phương để thúc đẩy du lịch....
Trước đó, Cục Hàng không cho biết tổng sản lượng thị trường vận chuyển hành khách dự báo năm 2025 đạt 84,2 triệu khách (tăng 10% so với năm 2024). Trong đó, khách nội địa là 37 triệu khách (tăng 6% so với năm 2024), khách quốc tế là 47,2 triệu khách (tăng 14% so với năm 2024). Vận chuyển hàng hoá ước dự báo 1,4 triệu tấn (tăng 14% so với năm 2024) với vận chuyển hàng hóa nội địa 249.000 tấn (tăng 9% so với năm 2024), vận chuyển hàng hóa quốc tế là 1,2 triệu tấn (tăng 14% so với năm 2024).
Tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không dự báo đạt 121,2 triệu khách (tăng 9% so với năm 2024) với 74 triệu khách nội địa (tăng 6% so với năm 2024) và 47,2 triệu khách quốc tế (tăng 14% so với năm 2024).
Nhà chức trách hàng không cũng dự báo vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 58,2 triệu khách (tăng 8% so với năm 2024); khách nội địa là 37 triệu khách (tăng 6% so với năm 2024), khách quốc tế là 21,2 triệu khách (tăng 14% so với năm 2024).
Như vậy, với những kết quả đạt được trong quý I/2025 cho thấy sự phục hồi rõ nét của ngành hàng không sau giai đoạn khó khăn, đồng thời mang đến tín hiệu lạc quan cho việc hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững mà ngành đã đặt ra trong năm 2025.