An toàn

Va chạm máy bay trên mặt đất không còn là hy hữu

Hà Chi 28/06/2025 08:02

Các vụ va chạm máy bay gần đây tại Việt Nam tuy không gây thiệt hại lớn nhưng làm dấy lên lo ngại về quy trình vận hành và an toàn khai thác tại sân bay.

Sau sự cố va chạm giữa hai máy bay của Vietnam Airlines vào chiều 27/6, khiến phần đầu cánh phải của máy bay B787 số hiệu VNA863 bị hư hỏng và cánh đứng phía sau của máy bay A321 số hiệu VNA338 bị ảnh hưởng, ngành hàng không Việt Nam tiếp tục đối mặt với những lo ngại về an toàn vận hành.

Trước đó, đã có một số vụ va chạm giữa các máy bay được ghi nhận, cho thấy cần tăng cường kiểm soát và rà soát quy trình khai thác tại các sân bay trong nước.

Hai sự cố đáng chú ý xảy ra cùng trong tháng 11/2021

Ngày 2/11, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, xe kéo đẩy của Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất (Hanoi Ground Services - HGS) trong quá trình đẩy máy bay VN-A222 ra đường băng đã để máy bay này va quệt nhẹ với máy bay VN-A590 đang đỗ (không khai thác) tại bãi đỗ.

Cả máy bay VN-A222 và VN-A590 đều thuộc sở hữu của hãng hàng không Bamboo Airways.

Sự việc trên sau khi phát sinh đã nhanh chóng được các cá nhân liên quan tiến hành xử lý theo đúng quy định, hai máy bay sau va chạm có một vài vết xước nhẹ trên thân.

Toàn bộ hành khách của chuyến bay QH1621 trên hành trình bay Hà Nội - Phú Quốc ngày 2/11/2021 đã được chuyển đổi sang máy bay khác để tiếp tục thực hiện hành trình bay theo kế hoạch trước sự cố va chạm trên.

files-library-newimages-maybaybambo.jpg
Máy bay của hãng hàng không Bamboo va chạm tại Nội Bài ngày 2/11/2021. Ảnh: GNHK

Vào khoảng 22h45 ngày 27/11, chiếc máy bay Airbus A321 Neo mang số đăng ký VN-A544 từ Đà Lạt hạ cánh tại sân bay Nội Bài, trong quá trình lăn vào sân đỗ, máy bay VN-A544 đã va chạm với đầu mút cánh máy bay Airbus A321 Neo mang số hiệu VN-A636 cũng của Vietjet đang đỗ.

z6748790334591_10b05c4b7ab86882c2004a69fc206fad.jpg
Đầu mút cánh máy bay bị gãy sau va chạm giữa hai máy bay ngày 27/11. Ảnh: Facebook Diễn đàn hàng không.

Vụ va chạm không gây ảnh hưởng về người. Tất cả 120 hành khách và 7 thành viên tổ bay trên chuyến bay từ Đà Lạt đến Hà Nội đều an toàn.

Sau vụ va chạm, cả hai chiếc Airbus A321 Neo đều tạm dừng khai thác để đánh giá tình trạng kỹ thuật và phục vụ quá trình điều tra của nhà chức trách hàng không.

Sự cố hai máy bay suýt va chạm nhau ở sân bay Nội Bài

Sự cố xảy ra tại sân bay quốc tế Nội Bài vào lúc 21 giờ 20 giờ địa phương ngày 24/6/2023 khi chuyến bay AIQ645 của Air Asia lên đường cất hạ cánh 11 phải (11R) chuẩn bị cất cánh đến sân bay Don Mueang (Thái Lan).

Cũng thời điểm đó, chuyến bay của một hãng hàng không khác cất cánh từ sân bay Đào Viên (Đài Loan) chuẩn bị hạ cánh đường cất hạ cánh 11 trái (11L) song song với đường cất hạ cánh 11R.

Kiểm soát viên không lưu theo hoạch định cấp huấn lệnh cho tổ lái AIQ645 lên đường cất hạ cánh dừng chờ và chuyến bay về từ Đài Loan được phép cắt qua đường cất hạ cánh 11R.

Tổ lái chuyến bay AIQ645 đã không nhắc lại đầy đủ huấn lệnh và kiểm soát viên không lưu cũng không phát hiện ra thiếu sót này. Chuyến bay AIQ645 thực hiện chạy đà cất cánh đường cất hạ cánh 11R trong khi máy bay về từ Đài Loan đang lăn qua đường cất hạ cánh này.

Tại thời điểm chuyến bay AIQ645 nhấc bánh mũi và rời mặt đất khoảng giữa đường lăn S5 và S6, chuyến bay từ Đài Loan về đang ở giữa giao điểm đường cất hạ cánh 11R và đường lăn S8, khoảng cách giữa 2 máy bay cách nhau khoảng 1.500m.

Kiểm soát viên không lưu phát hiện ra tình huống chuyến bay AIQ645 chạy đà khi chuyến bay đã đạt vận tốc đến 127 Knots. Nhận thấy vận tốc chuyến bay gần đạt ngưỡng tốc độ quyết định cất cánh, kiểm soát viên không lưu đã không đưa ra huấn lệnh hủy bỏ cất cánh.

Ngay sau khi nhận được báo cáo của cơ quan an toàn Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo Công ty Quản lý bay miền Bắc tạm thời ngưng nhiệm vụ điều hành bay toàn bộ phiên trực TWR Nội Bài (kíp trực điều hành bay) liên quan đến sự cố.

2 máy bay suýt đối đầu, đình chỉ kiểm soát viên không lưu

Chiều ngày 19/6/2024, chuyến bay từ Hà Nội đến Đà Lạt của Vietnam Airlines mang số hiệu HVN1575 và chuyến bay khác từ TP HCM đi Thanh Hóa của Vietjet Air mang số hiệu VJC 244 đã suýt va chạm trên không.

Khi hệ thống Quản lý không lưu tự động (ATM) đã xuất hiện cảnh báo STCA (cảnh báo xung đột ngắn hạn), kiểm soát viên không lưu đã lập tức cấp huấn lệnh cho chuyến TP HCM đi Thanh Hóa duy trì mực bay 340, rẽ trái và cấp huấn lệnh cho tàu bay từ Hà Nội đi Đà Lạt rẽ phải.

Theo VATM, ngay khi sự việc xảy ra, kíp trực đã báo cáo; công ty Quản lý bay miền Nam đã tạm thời đình chỉ các kiểm soát viên không lưu liên quan và tiến hành xác minh sự việc, cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Theo báo cáo ban đầu của Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, sự cố xảy ra do kiểm soát viên không lưu đã cấp huấn lệnh cho HVN1575 đang duy trì mực bay 340 xuống mực bay 240 nên dẫn tới thiếu phân cách với VJC244 đang giữ mực bay 330 và bay ngược chiều khiến hệ thống cảnh báo va chạm máy bay của VJC244 cảnh báo.

Tại thời điểm HVN1575 cắt qua mực bay của VJC244, hai máy bay đang đối đầu với khoảng cách gần nhất giữa 2 máy bay khoảng 8NM (nautical mile - đơn vị đo hàng không được ICAO sử dụng), tương ứng khoảng 15 km.

Các kết luận nêu một số lý do như tổng số chuyến bay mà kiểm soát viên không lưu kiểm soát tại phân khu 1 thời điểm đó là 12 máy bay và cũng trong khoảng thời gian này, thời tiết phân khu 1 tại thời điểm xảy ra sự cố có rất nhiều mây, các máy bay xin thay đổi hướng bay nhiều lần, tần suất liên lạc giữa kiểm soát viên không lưu với các máy bay khá cao.

Những vụ chạm máy bay này tại các sân bay đặt ra yêu cầu siết chặt quy trình an toàn khai thác mặt đất.

Dù không gây thiệt hại về người, những sự cố này cho thấy áp lực vận hành ngày càng lớn trong ngành hàng không, đặc biệt vào thời điểm cao điểm du lịch và tần suất chuyến bay gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Va chạm máy bay trên mặt đất không còn là hy hữu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO