Mặc dù ngành hàng không có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, ACV vẫn lo ngại doanh nghiệp này sẽ lỗ nghìn tỷ trong năm nay do ảnh hưởng tỷ giá.
Ngày 30/6, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Đại hội đã thông qua kế hoạch doanh thu hơn 22.000 tỷ đồng trong năm nay, tăng 2% so với năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế ước tính giảm 17% xuống còn 10.500 tỷ đồng, chủ yếu do khoản lỗ tỷ giá đồng yen.
ACV đề ra mục tiêu vận chuyển 119 triệu hành khách trong năm 2025, tăng 8% so với thực hiện 2024. Trong đó, khách quốc tế tăng 9% lên 45 triệu lượt và khách trong nước tăng 7% đạt 74 triệu lượt.
Tổng hàng hóa bưu kiện ở mức gần 1,58 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ. Tổng hạ cất cánh đạt 722.000 lượt chuyến, tăng 8% so với năm 2024.
Từ kế hoạch sản xuất kinh doanh nêu trên, ACV đặt mục tiêu tổng doanh thu trong năm 2025 là 22.239 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện 2024. Trong đó, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh chính chiếm 21.563 tỷ đồng, tăng trưởng 8,6%.
Lợi nhuận trước thuế ở mức 10.531 tỷ đồng, giảm 17% so với thực hiện 2024. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính là 11.747 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2024.
Mặc dù lợi nhuận theo kế hoạch có tăng nhưng theo Kế toán trưởng Nguyễn Văn Nhung, việc tỷ giá đồng yen so với VND tăng khiến ACV có nguy cơ đối mặt với khoản lỗ tỷ giá lên tới 1.700 tỷ đồng trong năm 2025.
Theo ông Nhung, tỷ giá đồng Yên so với VND từ đầu năm đã tăng từ 153 lên 173, dự kiến có thể tăng tiếp lên 185 vào cuối năm nay.
"Đà tăng hiện nay có thể khiến lỗ tỷ giá 1.700 tỷ đồng trong năm 2025, hiện nửa đầu năm có thể đã lỗ ngàn tỷ đồng", ông Nhung nêu lo ngại.
Tuy vậy, ông Nhung cũng cho rằng, trong các năm trước tỷ giá Yên Nhật thường giảm vào cuối năm. Nếu điều này xảy ra tương tự trong năm nay, ACV vẫn có thể có lãi tỷ giá trở lại.
Khoản lỗ lớn từ tỷ giá đã kéo lùi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Cụ thể, ACV ước tính, lợi nhuận trước thuế trong trong 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 5.851 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
Đối với lĩnh vực đầu tư, ACV hiện tập trung chủ yếu vào việc hoàn thành cơ bản sân bay Long Thành giai đoạn 1. Để dốc toàn lực cho dự án sân bay Long Thành, lãnh đạo ACV cho biết, doanh nghiệp này đã đầu tư vào đây khoảng 36.000 tỷ đồng vốn tự có mà chưa phải dùng đến các khoản vốn vay.
Dù vậy, doanh nghiệp cũng chủ động vay USD sớm của các ngân hàng trong nước giá trị 1,8 tỷ USD. Kế toán trưởng Nguyễn Văn Nhung kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào cuối năm, từ đó có lợi cho việc vay USD của dự án này.
Trong khi đó, Chủ tịch ACV Vũ Thế Phiệt khẳng định, sẽ quyết tâm hoàn thành cơ bản vào cuối 2025 và đưa vào khai thác từ 2026. Song song đó, các dự án kết nối với sân bay này cũng đang được quan tâm thúc đẩy nhằm khai thác hiệu quả khi đi vào hoạt động.
Theo kế hoạch, có khoảng 80-85% khách quốc tế và 10-15% khách nội địa sẽ chuyển từ Tân Sơn Nhất xuống Long Thành, giúp sân bay này có thể đón 15-16 triệu khách ngay khi hoạt động.
Với kế hoạch này, ông Phiệt kỳ vọng sân bay Long Thành sẽ sớm đạt công suất tối đa ở giai đoạn 1 với 20 triệu khách quốc tế và 5 triệu khách quốc nội. Các lãnh đạo cũng đang chỉ đạo các phương án chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2, bao gồm đường băng số 2.
"Các báo cáo trước đây cho rằng sân bay Long Thành cần 14 năm để hoàn vốn, nhưng thực tế sẽ hoàn vốn sớm hơn kỳ vọng với lượng khách như trên", ông Phiệt nói.
Theo ông, ACV đang thuê sân bay Incheon (Hàn Quốc) tư vấn để khai thác sân bay Long Thành, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và chất lượng dịch vụ cao.
Tuy vậy, tại một hội thảo về kết nối giữa Long Thành và TP.HCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Cao Cường - Phó Tổng giám đốc ACV bày tỏ lo ngại khi việc kết nối giữa Long Thành và TP.HCM chưa đồng bộ sẽ khiến việc khai thác sân bay Long Thành rất khó khăn.
Theo ông Cường, với điều kiện kết nối hạ tầng như hiện tại, hành khách quốc tế có nhu cầu nối chuyến qua hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành sẽ phải tốn thời gian di chuyển từ 2 đến 5 giờ tùy theo điều kiện giao thông.
“Sẽ còn ai mua vé nữa nếu phải tốn 5 tiếng đồng hồ di chuyển cho việc nối chuyến?”, ông Cường đặt vấn đề. Do đó, nếu không hoàn thiện các tuyến kết nối đường bộ và đường sắt, khả năng khai thác thị trường trung chuyển quốc tế giữa hai sân bay sẽ gặp nhiều hạn chế.
Ngoài Long Thành, các dự án khác của ACV bao gồm mở rộng nhà ga T2 Nội Bài lên công suất 5 triệu khách dự kiến hoạt động cuối năm 2025, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với công suất 20 triệu khách, cùng với nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau và nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Các dự án sẽ khởi công trong thời gian tới bao gồm nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau và nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Nhìn về năm 2025, ban lãnh đạo ACV nhận định sẽ tiếp tục là một năm đầy biến động phức tạp, khó lường và cũng là năm Việt Nam chuẩn bị để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Tuy nhiên, thị trường quốc tế đã và đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc - một trong các thị trường quốc tế lớn và nhiều tiềm năng trong thời kỳ trước dịch. Các thị trường quốc tế lớn khác cũng tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định như Nhật, Hàn, Đài Loan, các nước khu vực Đông Nam Á, Úc, Ấn Độ.
Về triển vọng 3-5 năm tới, lãnh đạo ACV tin rằng ngành hàng không sẽ đi lên cùng với sự phát triển nền kinh tế. Ông Phiệt cho rằng, trên thế giới thông thường GDP tăng 1% thì hàng không tăng 1.2-2%.
"Do đó mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ nếu đạt được thì ngành hàng không cũng sẽ tăng 10-20%", ông Phiệt nhận định.
Về vấn đề chia cổ tức, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 64,58%, tương đương mỗi 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 64,58 cổ phiếu mới.
Đây là mức cổ tức cao nhất từ khi ACV cổ phần hoá và lên sàn chứng khoán vào năm 2016. Trong 3 năm đầu lên sàn, doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn bằng tiền với tỷ lệ 6-9%, sau đó dừng chi trả cho cổ đông từ 2019 đến nay.
Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của ACV sẽ tăng từ 21.771 tỷ đồng lên 35.830 tỷ đồng, đưa doanh nghiệp lọt nhóm ít công ty có vốn điều lệ trên 1 tỷ USD niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.