Trung Quốc thử nghiệm thành công hệ thống thoát hiểm tàu Mạnh Châu, thêm bước tiến trong kế hoạch đưa người lên Mặt trăng vào năm 2030.
Trung Quốc vừa đạt được bước tiến lớn trong chương trình đưa người lên Mặt Trăng khi thực hiện thành công thử nghiệm hệ thống thoát hiểm mặt đất cho tàu vũ trụ Mạnh Châu (Mengzhou). Đây là phần quan trọng trong sứ mệnh đưa ba phi hành gia Trung Quốc đổ bộ lên Mặt Trăng vào năm 2030.
Đây cũng là cuộc thử nghiệm thoát hiểm ở độ cao bằng không lần thứ hai trong gần ba thập kỷ, kể từ lần đầu tiên vào năm 1998 với tàu Thần Châu.
Mạnh Châu có nghĩa là “con tàu mơ ước”, được thiết kế như tàu vũ trụ chủ lực cho các sứ mệnh có người lái trong tương lai. Trong thử nghiệm ngày 17/6, tổ hợp tàu và tháp thoát hiểm đã được kích hoạt thành công. Sau 20 giây bay, khoang trở về tách khỏi cụm thoát hiểm và hạ cánh an toàn bằng dù chỉ trong hai phút.
Hệ thống sử dụng động cơ tên lửa rắn (SRM) do Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) phát triển, có khả năng phản ứng trong vòng chưa đầy 2 giây kể từ khi phát hiện sự cố – một tiêu chuẩn kỹ thuật cực kỳ khắt khe.
Khác với các thế hệ trước như Thần Châu vốn phụ thuộc vào tên lửa để thực hiện thoát hiểm, Mạnh Châu tích hợp toàn bộ hệ thống thoát hiểm và cứu hộ ngay trong tàu, giúp tăng tính chủ động và an toàn cho phi hành gia.
CASIC cho biết họ đã đạt được nhiều đột phá, bao gồm phát triển cảm biến, thuật toán điều khiển và nhiên liệu thân thiện với môi trường, lần đầu tiên được tích hợp trong hệ thống này.
Sau thử nghiệm này, nhiệm vụ tiếp theo là phóng thử tên lửa đẩy Trường Chinh 10A vào năm 2026 – một trong ba biến thể của dòng Trường Chinh mới được thiết kế dành riêng cho các sứ mệnh Mặt Trăng.
Trong khi Trường Chinh 5 (hiện đang được sử dụng cho các sứ mệnh như Hằng Nga 6) chỉ có thể đưa 8 tấn lên quỹ đạo Mặt Trăng, thì Trường Chinh 10 sẽ nâng được 27 tấn – tương đương một tổ hợp đổ bộ hoặc tàu chở người. Với tổng lực đẩy lên tới 26.250 kilonewton, Trường Chinh 10 là một trong những hệ thống phóng mạnh nhất từng được thiết kế ngoài Mỹ.
Phiên bản Trường Chinh 10A – không trang bị tên lửa đẩy bên – sẽ có khả năng tái sử dụng và đưa được 14 tấn hàng hóa hoặc tối đa bảy người lên quỹ đạo Trái đất. Trung Quốc có kế hoạch thực hiện ba lần phóng Trường Chinh 10 từ năm 2027 đến 2030, trong đó hai lần cuối sẽ bao gồm việc đưa tàu Mạnh Châu và tàu đổ bộ Lãm Nguyệt (Lanyue) lên không gian để thực hiện sứ mệnh đổ bộ có người lái đầu tiên lên Mặt Trăng của nước này.
Dù mục tiêu năm 2030 chỉ còn năm năm nữa, Trung Quốc không chỉ đặt cược vào thành công kỹ thuật mà còn mở rộng tham vọng vũ trụ sang các mục tiêu chiến lược lâu dài. Trong các bình luận gần đây, một số học giả và chuyên gia trong nước đã gọi Mặt Trăng là "sân sau của Trung Quốc", nhấn mạnh ý định phát triển các cơ sở lâu dài để sinh sống, khai thác tài nguyên và duy trì hiện diện thường xuyên.
Họ cho biết kế hoạch không dừng ở việc hạ cánh – mà hướng tới thiết lập nơi cư trú, xây dựng nhà ở, và tạo vòng kết nối vận tải giữa Trái đất và Mặt trăng. Trong tương lai, công nghệ vũ trụ của Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò ngoại giao – hỗ trợ đưa phi hành gia từ các quốc gia khác lên Mặt Trăng, qua đó mở rộng ảnh hưởng quốc tế.
Trong khi đó, Mỹ – quốc gia duy nhất từng đưa người lên Mặt Trăng – đang lên kế hoạch quay trở lại bề mặt vệ tinh này vào năm 2027 với sứ mệnh Artemis III. Dù vậy, các quan chức và truyền thông Trung Quốc tin rằng với tốc độ hiện tại, Trung Quốc có khả năng vượt qua Mỹ trong vòng đua mặt trăng thế kỷ 21 – khi mà công nghệ, địa chính trị và vị thế quốc gia đều gắn chặt với sự hiện diện trong không gian.