Nhà ga hành khách T2 của cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được thiết kế với cảm hứng từ hình ảnh cánh chim phượng hoàng đang sải cánh bay lên.
Bộ Xây dựng vừa phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang công bố Quy hoạch sân bay quốc tế Phú Quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 427/QĐ-BXD, với tổng diện tích khoảng 1.050 ha, tổng vốn đầu tư đến năm 2030 là hơn 26.500 tỷ đồng và thêm gần 25.800 tỷ đồng cho giai đoạn sau năm 2030.
Theo thuyết trình dự án của Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), trước thềm APEC 2027, cảng hàng không Phú Quốc sẽ được mở rộng với mục tiêu đạt công suất 18 triệu hành khách/năm, gấp 4,5 lần so với hiện trạng (4 triệu khách/năm). Mục tiêu tới năm 2050, cảng hàng không được nâng cấp với công suất 50 triệu khách/năm.
Bên cạnh đường cất hạ cánh hiện hữu, sân bay sẽ được xây dựng mới đường cất hạ cánh số 2. Hai đường cất hạ cánh dài lần lượt 3.500m và 3.300m, đảm bảo cho hoạt động của cảng được hiệu quả và an toàn, đảm bảo phục vụ các loại máy bay thân rộng và các chuyến bay quốc tế dài từ châu Âu, Mỹ.
Bên cạnh đó sân đỗ tàu bay được mở rộng với 70-80 vị trí đỗ, đáp ứng mục tiêu sớm nhất là đón tiếp các nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế trong sự kiện APEC 2027 và đảm bảo đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế của Phú Quốc trong tương lai.
Điểm nhấn của cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là nhà ga hành khách, được thiết kế bởi tư vấn CPG Airport có trụ sở tại Singapore, lấy ý tưởng từ cánh chim phượng hoàng sải cánh bay lên, tượng trưng cho vị thế quốc gia và niềm kiêu hãnh dân tộc. Nhà ga có hệ thống sân đỗ ống lồng chuẩn quốc tế, nhà ga quốc tế, nhà ga nội địa, trung tâm thương mại, khu triển lãm…
Nhà ga được trang bị công nghệ vận hành hiện đại nhất thế giới, bao gồm check-in không cần đến sân bay, phân loại hành lý tự động, công nghệ nhận dạng sinh trắc học giúp thời gian xuất nhập cảnh còn 15-30 giây/người…
Nhà ga VVIP của cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được xây dựng mới, với mục tiêu đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý – Marco Casamonti, “cha đẻ” của công trình biểu tượng Cầu Hôn tại Phú Quốc. Nhà ga được lấy thiết kế từ loài cá đại bàng biển, tượng trưng cho sự tự do và uyển chuyển giữa đại dương.
Ngoài ra, quy hoạch cảng hàng không quốc tế Phú Quốc còn bao gồm việc mở rộng bổ sung các công trình phụ trợ như nhà ga hàng hóa, hệ thống radar…
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng, Quy hoạch vừa được phê duyệt là cơ sở quan trọng để tỉnh Kiên Giang triển khai các dự án đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng Cảng HKQT Phú Quốc.
Qua đó không chỉ góp phần tổ chức thành công APEC 2027 mà còn thúc đẩy phát triển TP Phú Quốc thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực.
Trước đó, TP Phú Quốc đã công bố hàng loạt dự án phục vụ APEC 2027 như tổ hợp Trung tâm Hội nghị - Triển lãm rộng 10.000 m², trung tâm báo chí quốc tế, cung văn hóa nghệ thuật, trung tâm thương mại phi thuế quan và các tuyến đường kết nối sân bay với trung tâm thành phố.
Việc nâng cấp sân bay Phú Quốc không chỉ phục vụ APEC 2027 mà còn được kỳ vọng tạo nền tảng để phát triển nơi đây thành trung tâm hàng không hiện đại của khu vực.