Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tiếp tục tăng mạnh, đặt ra yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi khâu khai thác. Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành chỉ thị tăng cường các biện pháp kiểm soát, hạn chế rủi ro và nâng cao giám sát, đặc biệt với các yếu tố liên quan đến con người trong vận hành bay.
Chỉ thị số 1027/CT-CHK của Cục Hàng không Việt Nam về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn hàng không được ban hành ngày 26/2 trên cơ sở Hội đồng kiểm soát rủi ro an toàn hàng không (ASRMC) nhấn mạnh yếu tố gây uy hiếp an toàn có nguyên nhân từ yếu tố con người (không tuân thủ quy trình bảo dưỡng, quy trình khai thác tiêu chuẩn, phương thức điều hành bay...).
Hội đồng ASRMC đã quyết định đưa các vấn đề sai lỗi liên quan đến con người là yếu tố rủi ro tiềm ẩn, có nguy cơ uy hiếp an toàn bay và yêu cầu triển khai các nội dung nhằm giảm thiểu sai lỗi do yếu tố con người trong năm 2025.
Chỉ thị yêu cầu các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng, tổ chức huấn luyện, tổ chức khai thác cảng hàng không, điều hành bay, cung cấp dịch vụ hàng không triệt để loại bỏ tư tưởng chủ quan, lơ là, tự mãn trong công tác đảm bảo an toàn hàng không. Nghiêm túc thực hiện các giải pháp, khuyến cáo, hướng dẫn được chỉ rõ tại các kết luận của Hội đồng ASRMC, kết luận hội nghị an toàn, các chỉ thị của Cục Hàng không Việt Nam.
Các đơn vị nêu trên cần tuân thủ thời gian làm nhiệm vụ nghỉ ngơi đối với tất cả nhân viên trong hệ thống; triển khai hiệu quả công tác huấn luyện (huấn luyện ban đầu, định kỳ, nâng cao), không ngừng cải thiện, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên hàng không.
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát nội bộ, nhận diện và đánh giá rủi ro nhằm kịp thời phát hiện tồn tại, hạn chế trong hệ thống, các yếu tố ảnh hướng đến an toàn (chướng ngại vật tại sân bay...). Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác điều tra an toàn, phân tích đánh giá nguyên nhân triệt để nhằm đưa ra khuyến cáo an toàn phù hợp, hiệu quả để ngăn ngừa sự cố.
Ngoài ra, các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực trong công tác tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo, cấp phép, năng định, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ; kịp thời nắm bắt tình hình, tư tưởng, nguyện vọng của người lao động, đặc biệt quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người lao động trên tinh thần khách quan, minh bạch, công bằng để đảm bảo ổn định tâm lý, góp phần nâng cao công tác đảm bảo an toàn hàng không.
Các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng máy bay hạn chế tối đa việc phê chuẩn các sai lệch hoặc kéo dài thời gian trì hoãn sửa chữa hỏng hóc liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo dưỡng máy bay. Đặc biệt, tăng cường rà soát vật phẩm có chứa pin lithium để khuyến cáo hành khách.
Các cảng vụ hàng không tăng cường công tác kiểm tra giám sát an toàn khu bay, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến an toàn khai thác khu bay. Thanh tra cục xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định an toàn.
Các phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Quản lý hoạt động bay, Quản lý cảng hàng không sân bay, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam bổ sung chương trình kiểm tra, giám sát tập trung vào các rủi ro, các tồn tại, hạn chế đã được nhận diện cũng như quy mô, phạm vi hoạt động của tổ chức được kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, siết chặt các biện pháp đảm bảo an toàn, đặc biệt là hạn chế tối đa việc phê chuẩn, chấp thuận các sai lệch hoặc kéo dài thời gian trì hoãn sửa chữa hỏng hóc liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo dưỡng tàu bay.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2024, hoạt động hàng không phục hồi tích cực, đặc biệt là vận tải hành khách quốc tế cũng như sản lượng vận chuyển hàng hóa. Cao điểm là dịp Tết Nguyên đán 2025 vừa qua, ngành hàng không đã điều hành an toàn 25.328 chuyến bay với trên 2,5 triệu hành khách, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Cũng trong năm 2024, Đoàn Thanh sát an toàn hàng không toàn cầu USOAP (Universal Safety Oversight Audit Programme) của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đánh giá năng lực đảm bảo an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam.
Theo đó, điểm trung bình chỉ số thực hiện hiệu quả (EI) trong công tác đảm bảo an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam đạt 78,14%, tăng 12,58% so với năm 2016 (65,56%).
Đây là một trong những nội dung tại Chỉ thị tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn hàng không vừa được Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng ký ban hành ngày 26/2 nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động hàng không dân dụng.
Trong số đó 5 lĩnh vực trực tiếp liên quan đến công tác đảm bảo an toàn (AIR, OPS, PEL, ANS, AGA) đạt trung bình 85,3% chỉ số EI. Đây là sự ghi nhận kết quả nỗ lực không ngừng của ngành hàng không Việt Nam trong công tác đảm bảo an toàn, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp hàng không.