An toàn

Sau vụ va quẹt máy bay, hàng không Việt siết chặt công tác an toàn

Nam Bình 02/07/2025 07:00

Hàng loạt biện pháp nhằm đảm bảo an toàn hàng không được triển khai trong bối cảnh nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra thời gian qua, đặc biệt sau các sự cố ở sân bay Nội Bài và Đà Nẵng.

img_2690.jpg

Trước loạt sự cố hàng không nghiêm trọng xảy ra trên thế giới và trong nước trong thời gian gần đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã ban hành chỉ thị tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ uy hiếp an toàn bay, bảo vệ hành khách và nhân viên hàng không.

Nguy cơ mất an toàn bay

Theo đánh giá của Vietnam Airlines, trong thời gian qua, ngành hàng không thế giới chứng kiến nhiều sự cố gây hậu quả nghiêm trọng.

Đặc biệt, vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ngày 12/6 với chuyến bay AI171 hành trình Ahmedabad – London Heathrow của Hãng hàng không Air India khiến 241 người thiệt mạng, trong đó có 12 thành viên phi hành đoàn, chỉ một hành khách sống sót.

Tại Việt Nam, hai sự cố liên tiếp vào ngày 7/5 và 10/6 và liên quan đến máy bay của một hãng hàng không nội địa đã xảy ra khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng.

Cả hai chuyến bay đều trượt khỏi đường băng, gây hư hại một số thiết bị đèn tín hiệu tại sân bay, làm dấy lên lo ngại về công tác điều hành, khai thác và giám sát an toàn bay.

osky.1cdn.vn-2025-05-09-_vj.jpg
Chuyến bay VJ1149 hạ cánh lúc 17 giờ 31 ngày 7.5 tại đường băng 25R sân bay Tân Sơn Nhất trong điều kiện trời mưa gió.

Gần đây nhất, lúc 14h ngày 27/6, máy bay Boeing 787 của Vietnam Airlines tại Nội Bài, lăn ra đường băng để chuẩn bị cất cánh đi TP.HCM, khi tới nút giao đường lăn S3 và S, thì va cánh vào đuôi đứng chiếc Airbus 321 đang chờ cất cánh đi Điện Biên.

Hậu quả máy bay Boeing bị hư hỏng phần đầu cánh bên phải, chiếc Airbus bị rách phần cánh đứng. Hai máy bay phải dừng khai thác để kiểm tra kỹ thuật, 380 hành khách trên chuyến bay phải chuyển sang máy bay thay thế để tiếp tục hành trình.

Ngoài ra, hàng loạt sự cố liên quan đến cháy nổ Pin Lithium dự phòng trên các chuyến bay quốc tế thời gian gần đây tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp bách về việc kiểm soát, giám sát việc mang theo và sử dụng thiết bị điện tử có pin Lithium của hành khách.

Trước tình hình này, Tổng công ty Hàng không Việt Nam yêu cầu tất cả các đơn vị thành viên thực hiện loạt biện pháp mạnh mẽ, cụ thể theo từng lĩnh vực để siết chặt công tác đảm bảo an toàn hàng không.

Khai thác bay (SAG 1): Tuân thủ nghiêm các chỉ dẫn!

Trong lĩnh vực khai thác bay (SAG 1), hãng duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban điều hành sản xuất, trực ban trưởng và trực kỹ thuật. Lao động được phân công, bố trí hợp lý nhằm đảm bảo hoạt động khai thác thông suốt, an toàn và hiệu quả.

Trước mỗi chuyến bay, nhân viên điều phái thực hiện họp thông tin (brief) đầy đủ với tổ lái, cung cấp chính xác thông tin về điều kiện khai thác, hành trình bay và thời tiết. Các chi nhánh trong và ngoài nước tăng cường giám sát việc phục vụ chuyến bay của các đối tác theo đúng hợp đồng đã ký kết.

Đội tàu bay thân rộng của Vietnam Airlines hiện có 31 chiếc và sẽ được bổ sung trong thời gian tới. Ảnh minh họa: VNA
Vietnam Airlines yêu cầu tổ lái tập trung canh, nghe và báo nhận đầy đủ huấn lệnh không lưu, tuân thủ nghiêm các chỉ dẫn về mực bay, hướng bay, đường cất hạ cánh... Ảnh minh họa: VNA

Tổ lái tập trung canh, nghe và báo nhận đầy đủ huấn lệnh không lưu, tuân thủ nghiêm các chỉ dẫn về mực bay, hướng bay, đường cất hạ cánh; tuyệt đối không hạ cánh trong điều kiện thời tiết cực đoan, bất thường.

Mọi dấu hiệu bất thường như thời tiết phức tạp, chim va, vật thể bay lạ, tia laser… cần được tổ bay báo cáo ngay cho kiểm soát viên không lưu, đặc biệt trong giai đoạn cất cánh và tiếp cận hạ cánh.

Tiếp viên chủ động quan sát, kiểm soát việc mang và sử dụng pin lithium dự phòng của hành khách, xử lý theo đúng quy trình khi có sự cố phát sinh, đảm bảo an toàn tuyệt đối trên khoang hành khách.

Lĩnh vực kỹ thuật (SAG 2): Kiểm soát chất lượng bảo dưỡng!

Trong lĩnh vực kỹ thuật (SAG 2), hãng hàng không tiếp tục tăng cường kiểm soát chất lượng bảo dưỡng thông qua việc quán triệt nghiêm túc việc tuân thủ quy trình kỹ thuật đến từng cá nhân trong đội ngũ bảo dưỡng.

Mỗi nhiệm vụ bảo dưỡng được thực hiện theo đúng quy định khai thác, briefing đầy đủ tình trạng kỹ thuật cho tổ bay trước chuyến, đảm bảo chuyển giao thông tin kỹ thuật rõ ràng, chính xác.

Nhân viên kỹ thuật có trách nhiệm chủ động nhận diện và báo cáo các mối nguy tiềm ẩn, điều kiện bất thường có khả năng ảnh hưởng đến an toàn khai thác.

Công tác lập kế hoạch bảo dưỡng được triển khai đồng bộ với kế hoạch khai thác, gắn với phân bổ nhân lực kỹ thuật hợp lý nhằm tránh tình trạng quá tải, giảm thiểu nguy cơ sai lỗi do yếu tố con người.

1.png
Bảo dưỡng động cơ tàu bay B787 tại Hangar. Ảnh: VNA.

Cùng với đó, hãng tập trung nâng cao năng lực đội ngũ kỹ thuật viên soi động cơ thông qua đào tạo chuyên sâu và đánh giá định kỳ. Các quy trình chẩn đoán, đánh giá tình trạng động cơ tiếp tục được rà soát, cập nhật nhằm tăng độ chính xác trong phát hiện sớm hư hỏng, góp phần giảm thiểu các sự cố liên quan đến động cơ.

Trên cơ sở dữ liệu vận hành và phân tích kỹ thuật, Hãng triển khai các giải pháp kỹ thuật cốt lõi để nâng cao độ tin cậy hệ thống, thiết bị tàu bay, đặc biệt là các hệ thống trọng yếu như động cơ, hệ thống điều khiển bay, hệ thống càng, hệ thống điều áp…

Các biện pháp ngăn chặn hỏng hóc được áp dụng một cách chủ động, giúp giảm thiểu tối đa các sự cố phải quay đầu tàu bay (ATB), từ chối cất cánh (RTO) hoặc gián đoạn kỹ thuật tại điểm đến (GTB), góp phần bảo đảm khai thác an toàn, ổn định và hiệu quả.

Lĩnh vực khai thác mặt đất (SAG 3): Kiểm soát an toàn vận chuyển pin lithium

Trong lĩnh vực khai thác mặt đất (SAG 3), các biện pháp kiểm soát an toàn trong vận chuyển pin lithium dự phòng đặt trong hành lý xách tay trên chuyến bay được quán triệt đến toàn bộ nhân viên.

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục; yêu cầu tuyệt đối không chủ quan hay mất tập trung trong quá trình điều khiển, vận hành trang thiết bị mặt đất phục vụ chuyến bay.

Hoạt động giám sát cân bằng tải và việc tuân thủ quy trình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm tiếp tục được siết chặt. Các đơn vị chức năng được yêu cầu nâng cao cảnh giác, bảo đảm thực hiện đúng và đủ các bước kiểm soát theo quy định, không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay.

Đặc biệt, việc kiểm tra và giám sát di chuyển, vận hành trang thiết bị mặt đất được triển khai đồng bộ trên toàn mạng bay, với trọng điểm là khu vực nhà ga T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nơi có mật độ hoạt động cao và hạ tầng mới đưa vào vận hành.

Mọi hoạt động mặt đất tại đây được yêu cầu tuân thủ chặt chẽ quy trình phối hợp khai thác nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sau vụ va quẹt máy bay, hàng không Việt siết chặt công tác an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO