Cơ trưởng chia sẻ khoảnh khắc phải bay vòng chờ vì bão số 3
Thời tiết bất lợi khiến vị cơ trưởng không hạ cánh xuống đường băng theo đúng lịch trình, phải bay vòng chờ sau đó quay về sân bay khởi hành để tiếp nhiên liệu vì bão số 3.

Việc bay vòng chờ không phải là trường hợp hiếm gặp trong hàng không. Những chuyến bay vòng chờ thường khiến thời gian hành trình kéo dài hơn và chi phí cho chuyến bay của hãng hàng không cũng tăng cao hơn.
Không thể hạ cánh, phải bay vòng chờ vì bão số 3
Chiều ngày 21/7, do ảnh hưởng của bão số 3, chuyến bay QH122 của Bamboo Airways phải bay vòng chờ rồi chuyển hướng hạ cánh tại khu vực phía Bắc.
Sân bay Nội Bài phải đổi đầu đường băng cất hạ cánh từ 11 sang 29. Bên cạnh đó mây dông của hoàn lưu trải dọc từ phía Nam sân bay đến Vinh, là khu vực các tàu bay giảm độ cao để thực hiện tiếp cận, khiến tàu bay của các hãng hàng không phải bay vòng tránh.

Ghi nhận thời tiết xấu dưới tiêu chuẩn tiếp cận và khó cải thiện trong thời gian ngắn, sau một thời gian bay vòng chờ như nhiều máy bay các hãng khác, Cơ trưởng Đặng Nhật Hiển đã quyết định cho máy bay trở về Đà Nẵng tiếp nhiên liệu, chờ thời tiết tích cực xin bay lại.
Cuối cùng, QH122 đã hạ cánh an toàn xuống đường băng sân bay Nội Bài.
Anh Vũ Việt Long, tiếp viên trưởng trên chuyến bay QH122 chia sẻ, đây là tình huống bất khả kháng và cơ trưởng đã làm đúng theo quy trình bay trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Cụ thể, sau 2 lần đánh giá tình huống không thể hạ cánh xuống Nội Bài, máy bay phải quay đầu về Đà Nẵng tiếp nhiên liệu rồi mới quay trở lại Hà Nội.
Với 10 năm gắn bó trong nghề, anh Long từng đối diện với tình huống tương tự. Anh nhận định, trong bất cứ chuyến bay nào, sự an toàn của hành khách luôn được đặt lên hàng đầu.
Cho đến khi máy bay hạ cánh an toàn, tiếng vỗ tay chúc mừng của hành khách khiến chúng tôi rất xúc động.
Đại diện Bamboo Airways cũng chia sẻ, hành khách đã tặng cho các phi công của hãng những danh hiệu đầy ưu ái như “phi công cứng tay nhất”, “tổ lái tuyệt nhất” trong các bức thư tay gửi tổ bay trên chuyến.
“Cảm ơn hành khách vì đã thấu hiểu trước những công tác triển khai bay rất đặc thù của tổ phi công mà hãng chỉ kịp thông báo, không đủ thời gian để lí giải cặn kẽ ngay lập tức”, đại diện Bamboo Airways chia sẻ sau những chuyến phải bay vòng chờ vì bão số 3 vừa qua.
Bay vòng chờ: Tình huống không hiếm trong ngành hàng không
Không riêng chuyến bay QH122 của Bamboo Airways, những ngày qua, ngành hàng không bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khiến các hành trình khó khăn hơn.
Máy bay thường rơi vào tình trạng chao đảo khi đi vào vùng nhiễu động hoặc cơ trưởng không thể hạ cánh khi thời tiết tại sân bay đến bất lợi, phải bay vòng nhiều lần để chờ đợi…
Trong cơn bão số 3 Wipha những ngày qua, hàng loạt chuyến bay đến Hồng Kông và Quảng Châu phải bay vòng chờ trên không hơn 30 phút, trước khi được lệnh hạ cánh hoặc chuyển hướng về sân bay dự bị.
Một số chuyến như của Vietnam Airlines và Cathay Pacific đã phải bay tới vòng thứ ba mới có thể hạ cánh an toàn do gió tạt lớn và mưa dày đặc làm giảm tầm nhìn đường băng.



Bay vòng chờ (Holding Pattern) là việc máy bay bay theo một quỹ đạo hình oval hoặc một vòng lặp cố định quanh một điểm định vị, thường gần sân bay và chờ đợi để được phép tiếp cận để hạ cánh.
Máy bay thường phải bay vòng chờ trong trường hợp sân bay đến đang quá tải vì có nhiều chuyến đến cùng lúc, đường băng chưa sẵn sàng vì các lý do như cất hạ cánh, làm sạch, bảo trì, thời tiết xấu ở khu vực sân bay (như mưa, gió, bão, sét...)…
Khi bay vòng chờ, máy bay sẽ bay theo một quỹ đạo hình oval hoặc số 8, ở độ cao cố định, do kiểm soát không lưu chỉ định. Một vòng thường mất 4–8 phút, và có thể kéo dài đến 20–30 phút hoặc lâu hơn, tùy lượng nhiên liệu và điều kiện không lưu.
Theo các hãng hàng không, thời gian bay mỗi chuyến kéo dài thêm từ 15 đến 25 phút do bay vòng chờ. Vì thời gian bay kéo dài hơn dự kiến nên kế hoạch khai thác các chuyến bay sau đó của hãng hàng không cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Có thể kể đến như các chuyến bay của Bamboo Airways về Hà Nội sau 9 giờ sáng ngày 21/7 dù đều khởi hành đúng giờ nhưng vẫn hạ cánh trễ so với dự kiến vì lí do này. Các chuyến bay đi cũng bị ảnh hưởng dây chuyền phải dừng chờ khởi hành.
Cập nhật mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam, trong hai ngày 21 và 22/7, tổng cộng có 48 chuyến bay nội địa và quốc tế bị chậm, chuyển hướng hoặc hủy do ảnh hưởng của bão. Số hành khách bị ảnh hưởng lên tới 7.686 người.