Mỹ siết quyền bay của Mexico, liên minh Delta – Aeromexico lao đao
{Phương Thảo}•21/07/2025 11:04
Mỹ siết chặt quyền bay của các hãng hàng không Mexico, đe dọa tới hoạt động của liên minh chiến lược Delta và Aeromexico.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Mexico lại bùng lên, lần này không phải ở biên giới hay trong lĩnh vực ô tô, mà trên bầu trời.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa bất ngờ tung ra một loạt hạn chế nghiêm ngặt đối với các hãng hàng không Mexico, đồng thời đặt dấu chấm hỏi lớn lên tương lai của liên minh chiến lược Delta Air Lines – Aeromexico, một trụ cột của mạng lưới hàng không Bắc Mỹ trong gần một thập kỷ qua.
Ông Trump áp đặt hạn chế đối với các chuyến bay từ Mexico.
Trong tuyên bố ngày 20/7, Bộ Giao thông Mỹ (DoT), do Bộ trưởng Sean Duffy đứng đầu, yêu cầu tất cả các chuyến bay thương mại, hàng hóa và thuê chuyến do các hãng Mexico khai thác phải xin phê duyệt trước khi hạ cánh xuống Mỹ – một cơ chế vốn chỉ áp dụng trong các tranh chấp cấp cao hoặc thời kỳ khủng hoảng.
Đây là động thái trả đũa trực tiếp việc Mexico trước đó đã cưỡng ép các hãng hàng không chuyển bớt hoạt động ra khỏi sân bay quốc tế Benito Juarez (MEX) ở trung tâm thủ đô, để giảm tải và phát triển sân bay mới Felipe Ángeles (NLU), nằm cách xa gần 50 km.
Washington xem đây là hành vi bóp méo cạnh tranh phía Mỹ cho rằng việc ép buộc tái phân bố như vậy làm giảm quyền tiếp cận thị trường công bằng của các hãng hàng không Mỹ và vi phạm Thỏa thuận Vận tải Hàng không Song phương Mỹ – Mexico, vốn được ký kết để đảm bảo nguyên tắc có đi có lại.
Đòn giáng vào liên minh hàng không lớn nhất khu vực
Tâm điểm tranh cãi là liên minh chiến lược giữa Delta Air Lines (Mỹ) và Aeromexico (Mexico), một liên doanh được thiết lập từ năm 2016 và được cả hai chính phủ phê duyệt, cho phép chia sẻ doanh thu, lịch bay và chiến lược định giá trên toàn bộ các đường bay giữa hai nước.
Theo số liệu của APN News, liên minh này đang vận hành gần 20 tuyến bay song song và tạo ra khoảng 800 triệu USD lợi ích kinh tế mỗi năm, bao gồm việc làm, du lịch và hậu cần chuỗi cung ứng.
Hãng Delta Airlines đối mặt với khó khăn do lệnh cấm mới của ông Trump.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, mối quan hệ này đã trở thành mục tiêu chính trị. Một số nghị sĩ bảo thủ tại Quốc hội Mỹ cáo buộc liên minh “không còn phục vụ lợi ích quốc gia”, khi Mexico ngày càng “hạn chế quyền vận hành thực tế của các hãng Mỹ tại sân bay chính ở Mexico City”.
Bộ trưởng Duffy tuyên bố đây là "hành động khẳng định lập trường nước Mỹ trên hết", và "sẽ không có chỗ cho các cam kết song phương nếu phía đối tác không tuân thủ luật chơi".
Phản ứng và hậu quả tiềm tàng
Về phía Mexico, chính phủ của Tổng thống Claudia Sheinbaum hiện chưa đưa ra phát ngôn chính thức, dù truyền thông Mexico ghi nhận các cố vấn thương mại của bà đang tổ chức các cuộc tham vấn khẩn cấp với Aeromexico và các bộ liên quan.
Tổng thống Claudia Sheinbaum chưa đưa ra phát ngôn chính thức về thông báo mới của ông Trump.
Truyền thông địa phương cho rằng việc Washington siết chặt không lưu là một đòn phủ đầu trước thềm các cuộc đàm phán thương mại song phương sắp tới, có thể bao gồm cả thuế quan và đầu tư hạ tầng xuyên biên giới.
Aeromexico và Delta đã ngay lập tức phát đi tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh rằng liên minh này là “một mô hình hợp tác thành công, thúc đẩy kết nối khu vực và phục vụ hàng triệu hành khách mỗi năm”.
Hai hãng cũng cho rằng việc chính trị hóa vấn đề sẽ “gây tổn hại trực tiếp đến hành khách, nhân viên và doanh nghiệp”, trong khi những tranh chấp về điều tiết hàng không nên được xử lý thông qua đối thoại kỹ thuật.
Aeromexico: Hành trình 90 năm chinh phục bầu trời
Góc nhìn từ chuyên gia
Giới quan sát cho rằng căng thẳng lần này không chỉ là mâu thuẫn giữa hai quốc gia mà còn phản ánh một xu thế rộng lớn hơn về địa chính trị trong ngành hàng không.
Theo chuyên gia Michael Boyd, Chủ tịch Boyd Group International (Mỹ), chính sách của chính phủ Mexico chuyển hoạt động từ sân bay cũ sang NLU “có phần bất cập trong triển khai, nhưng không phải vô lý”.
“
Felipe Ángeles là sân bay mới, được đầu tư hiện đại, nhưng vị trí xa trung tâm gây bất tiện cho hành khách quốc tế. Tuy nhiên, việc Mỹ phản ứng bằng cách rút giấy phép toàn bộ là phản ứng vượt quá thông lệ thông thường.
Chuyên gia Michael Boyd, Chủ tịch Boyd Group International (Mỹ)
Trong khi đó, chuyên gia hàng không Alejandro Morales tại Viện Kinh tế Mexico đánh giá động thái của Mỹ là bước leo thang căng thẳng.
“
Chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đang dùng hàng không như công cụ gây sức ép với chính phủ Mexico – điều từng thấy trong các cuộc thương lượng NAFTA cũ. Nhưng lần này, họ dùng lĩnh vực dịch vụ thay vì thuế quan.
Chuyên gia hàng không Alejandro Morales tại Viện Kinh tế Mexico
Chiến tuyến mới trong thương mại Mỹ - Mexico?
Với hơn 40 triệu lượt hành khách di chuyển mỗi năm, Mexico hiện là đối tác hàng không lớn nhất của Mỹ. Mọi thay đổi lớn trong cơ chế hoạt động đều có thể tác động dây chuyền tới du lịch, chuỗi cung ứng và thị trường lao động.
Nếu liên minh Delta – Aeromexico sụp đổ, không chỉ hành khách mà cả hệ sinh thái hàng không xuyên biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn, đặc biệt là các sân bay trung chuyển như Atlanta, Dallas, hoặc Guadalajara.
Câu hỏi đặt ra lúc này không chỉ là liệu liên minh có trụ vững, mà còn là liệu ngành hàng không vốn thường đóng vai trò “vùng trung lập” trong các quan hệ song phương có đang trở thành một công cụ chính trị hóa trong chiến lược bảo hộ mới của Mỹ.