Từ năm 2026, giá vé máy bay có thể tăng vì điều này
Vé máy bay từ năm 2026 có thể sẽ tăng khi ngành hàng không tuân thủ cắt quy định giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam chính thức tham gia CORSIA (Cơ chế toàn cầu về giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế) giai đoạn tự nguyện từ ngày 01/01/2026. CORSIA là sáng kiến do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thông qua năm 2016 nhằm giảm phát thải ròng trong hàng không quốc tế bằng cách sử dụng cơ chế thị trường.
Giai đoạn tự nguyện kéo dài từ năm 2021 đến hết 2026, sau đó sẽ bước sang giai đoạn bắt buộc từ 2027 đến 2035.
Việc Việt Nam quyết định tham gia cơ chế này không chỉ là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập hàng không quốc tế mà còn là bước đi thiết thực, thể hiện vai trò và trách nhiệm của quốc gia trong nỗ lực toàn cầu vì môi trường bền vững.
Tuy nhiên, tham gia Corsia từ giai đoạn tự nguyện sẽ khiến các hãng hàng không Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.
Chia sẻ tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng Cục biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, ngành hàng không Việt Nam đăng ký tham gia giai đoạn tự nguyện của CORSIA, bắt đầu từ ngày 1/1/2026, nếu tín chỉ carbon trong nước không dành để bù trừ thì doanh nghiệp hàng không nội địa sẽ phải mua từ nước ngoài. Con số ước tính khoảng 2,3 triệu tín chỉ carbon, rất tốn kém.
Theo tính toán sơ bộ, khi tham gia giai đoạn tự nguyện từ 2024 tới hết năm 2026, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ phải bỏ ra từ 13 triệu USD đến hơn 92 triệu USD (tương ứng với mức giá 6-40 USD/1 tín chỉ) để mua tín chỉ carbon.
Nếu tham gia giai đoạn tự nguyện từ năm nay, Vietnam Airlines phải bỏ ra mức phí từ 4,6 - 31 triệu USD cho việc mua tín chỉ carbon. Trong năm 2026, các con số tương ứng sẽ là 5,6 triệu USD và 37,5 triệu USD...

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển, cho rằng ngành hàng không Việt Nam vốn đã khó khăn sẽ càng áp lực hơn khi tuân thủ cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Lê Xuân Nghĩa cũng dự đoán, các hãng sẽ thay đổi giá vé và người tiêu dùng sẽ là người chịu thuế carbon. Theo ước tính tại các nước châu Âu, giá vé hàng không có thể tăng 3 - 8% khi áp thuế carbon.
Để cắt giảm phát thải carbon, TS. Lê Xuân Nghĩa gợi ý một số giải pháp cho các doanh nghiệp hàng không.
Thứ nhất, các doanh nghiệp hàng không phải giảm tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm điện ở sân bay, dưới mặt đất và cả trên máy bay.
Thứ 2 là các doanh nghiệp hàng không cần tìm ra nguồn năng lượng mới, tuy nhiên điều này rất khó có thể triển khai.
Thứ 3 là các doanh nghiệp hàng không mua tín chỉ carbon rừng để bù đắp.
Vị chuyên gia này cho rằng, giải pháp thứ 3 là khả thi nhất, bởi tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam khá phong phú để bù đắp.
Các chuyên gia cũng đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ carbon.
Việt Nam hiện có tỷ lệ che phủ rừng khá cao (hơn 42%) cũng như điều kiện để phát triển rừng, bảo vệ rừng và làm giàu rừng, gia tăng trữ lượng carbon rừng.
Việc trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM).
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về lần thứ 26 (Hội nghị COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ đạt Net Zero vào năm 2050 với nhiều giải pháp lớn để cắt giảm phát thải trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và năng lượng; bên cạnh đó chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và các biện pháp để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.