Azerbaijan yêu cầu Nga nhận trách nhiệm vụ bắn rơi máy bay khiến 38 người chết
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev yêu cầu Nga công nhận bắn nhầm máy bay dân sự khiến 38 người thiệt mạng.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 20/7 đã công khai yêu cầu Nga thừa nhận trách nhiệm trong vụ việc bắn nhầm máy bay dân sự mang số hiệu J2-8243 của hãng Azerbaijan Airlines, khiến 38 người thiệt mạng và 29 người bị thương vào tháng 12/2024.
Ông cũng kêu gọi Moscow bồi thường cho gia đình các nạn nhân và hoàn trả thiệt hại máy bay.
Vào ngày 25/12/2024, chuyến bay mang số hiệu J2-8243 của hãng hàng không Azerbaijan Airlines chở 67 người cất cánh từ thủ đô Baku (Azerbaijan) bay đến TP Grozny (CH Chechnya, thuộc Nga) bị rơi trước khi cố gắng hạ cánh khẩn cấp cách Aktau (Kazakhstan) khoảng 3 km.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó đã gọi điện cho Tổng thống Aliyev để xin lỗi vì sự cố bi thảm xảy ra trong không phận Nga. Tuy nhiên, ông Putin không xác nhận rằng phòng không Nga đã bắn nhầm chiếc máy bay như lời ông Aliyev.

Khi không phận bị chia cắt giữa hoạt động dân sự và quân sự, đặc biệt trong vùng có chiến sự như miền Nam Nga, khả năng nhận diện sai mục tiêu là rất cao.
Tiến sĩ Justin Bronk – Chuyên gia quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Royal United Services Institute (RUSI, Anh)
Ông Bronk cảnh báo rằng nhiều quốc gia, kể cả cường quốc như Nga, vẫn chưa áp dụng các biện pháp đủ mạnh để bảo vệ máy bay dân sự khi vùng trời bị xung đột bao phủ.
Hiện Nga chưa bình luận về phát ngôn của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trong ngày 20/7.
Một MH-17 phiên bản "âm thầm"?
Chuyên gia hàng không quốc tế David Learmount, cựu biên tập viên tạp chí Flight International, cho rằng vụ việc có nhiều điểm tương đồng với vụ MH-17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraine năm 2014.
Cả hai vụ đều liên quan đến máy bay dân sự bay qua vùng có hoạt động quân sự. Khác biệt duy nhất là phản ứng. Nếu Hà Lan và các nước phương Tây ngay lập tức yêu cầu điều tra quốc tế vụ MH-17, thì Azerbaijan đang đứng một mình trong nỗ lực đòi hỏi minh bạch và công lý.
David Learmount - Chuyên gia hàng không quốc tế
Vụ bắn rơi chuyến bay MH-17 của Malaysia Airlines năm 2014, khiến 298 người thiệt mạng khi bay qua miền Đông Ukraine, vẫn là một trong những thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất liên quan đến xung đột quân sự.
Cuộc điều tra quốc tế do Hà Lan dẫn đầu kết luận máy bay bị bắn bởi tên lửa Buk do Nga sản xuất, được phóng từ khu vực do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát.
Mới đây, Liên bang Nga đã bác bỏ cáo buộc của cơ quan hàng không dân dụng Liên hợp quốc rằng nước này phải chịu trách nhiệm về vụ bắn rơi máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia (Malaysia Airlines) năm 2014 trên vùng trởi phía Đông Ukraine.