Boeing có hợp đồng độc quyền cho ‘xương sống’ của Hải quân Mỹ
Boeing giành được hợp đồng độc quyền với Hải quân Mỹ để cung cấp và sửa chữa các bộ phận quan trọng cho F/A-18 và EA-18G, làm dấy lên lo ngại về cạnh tranh và chi phí.
Bộ Tư lệnh Hệ thống Hỗ trợ Vũ khí thuộc Hệ thống Cung ứng Hải quân tại Philadelphia gần đây đã công bố một hợp đồng lớn với Boeing nhằm sửa chữa và cung cấp các bộ phận thiết yếu cho máy bay F/A-18 E-F Super Hornet và EA-18G Growler.

Hợp đồng có thời hạn không xác định (indefinite-delivery), kéo dài tối đa một thập kỷ với giai đoạn cơ sở 5 năm và có thể gia hạn thêm 5 năm, nhấn mạnh vai trò then chốt của Boeing trong việc duy trì các nền tảng chiến đấu và tác chiến điện tử hàng đầu của Hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, thỏa thuận này giới hạn cạnh tranh chỉ còn lại Boeing, với lý do công ty sở hữu độc quyền công nghệ và dữ liệu kỹ thuật. Điều này càng cho thấy Hải quân Mỹ đang phụ thuộc quá lớn vào một nhà cung cấp duy nhất, làm dấy lên câu hỏi về chi phí, đổi mới công nghệ và khả năng sẵn sàng chiến đấu trong bối cảnh các mối đe dọa toàn cầu ngày càng phức tạp.
Super Hornet và Growler: Xương sống của Hải quân Mỹ
F/A-18 E-F Super Hornet là tiêm kích đa nhiệm chủ lực của hải quân, có thể thực hiện các nhiệm vụ giành ưu thế trên không, tấn công chính xác và yểm trợ hỏa lực tầm gần. Nó đã chứng minh tính linh hoạt trong các chiến dịch từ tàu sân bay tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến các cuộc không kích vào mục tiêu giá trị cao ở Trung Đông.
Được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/APG-79, Super Hornet có thể phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu ở khoảng cách xa, giúp phi công có nhận thức tình huống vượt trội.
Máy bay có thể mang theo nhiều loại vũ khí như tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM và tên lửa tấn công tầm xa AGM-158 JASSM. Với thiết kế chắc chắn và tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng hơn 0,9, Super Hornet có thể hoạt động hiệu quả từ tàu sân bay trong môi trường tác chiến khắc nghiệt.

Từ khi đi vào phục vụ năm 1999, Super Hornet đã được nâng cấp liên tục để duy trì lợi thế trước các đối thủ hiện đại như J-20 của Trung Quốc hay Su-57 của Nga - những máy bay có công nghệ tàng hình và điện tử tiên tiến nhưng thiếu độ tin cậy đã được chứng minh trên tàu sân bay như Super Hornet.
Trong khi đó, EA-18G Growler, biến thể từ nền tảng F/A-18, chuyên thực hiện tác chiến điện tử. Nó phá nhiễu radar và liên lạc của đối phương bằng hệ thống gây nhiễu ALQ-218 và tên lửa diệt radar AGM-88 HARM.
Growler đóng vai trò then chốt trong các chiến dịch như ở Syria, nơi nó làm tê liệt mạng lưới radar của IS, hỗ trợ không kích chính xác. Khả năng gây nhiễu và phối hợp với các máy bay khác khiến Growler trở thành vũ khí không thể thiếu trong các cuộc chiến hiện đại — nơi chiến tranh điện tử có thể quyết định thắng bại.
Quyền kiểm soát độc quyền của Boeing
Việc hợp đồng này không cho phép cạnh tranh đến từ việc Boeing sở hữu toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ cần thiết để sản xuất và sửa chữa các bộ phận này.
Phần mềm độc quyền, công cụ đặc biệt và quy trình kỹ thuật khiến Boeing có lợi thế vượt trội, theo thông báo của Hải quân Mỹ. Dựa trên luật liên bang, Hải quân lập luận rằng không nhà cung cấp nào khác có thể đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt.
Điều này đặt ra rào cản lớn đối với các công ty khác. Họ phải trải qua quá trình phê duyệt kéo dài do Cơ quan Thiết kế của Hải quân (Design Agent Authority).
Theo tài liệu hướng dẫn của NAVSUP-WSS, các nhà thầu mới phải chứng minh khả năng kỹ thuật và tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng cao, điều mà rất ít đơn vị có thể làm kịp thời.

Việc phụ thuộc vào Boeing phản ánh xu hướng chung trong ngành quốc phòng, nơi các nhà thầu lớn ngày càng tập trung, ít đối thủ cạnh tranh. Trong quá khứ, Hải quân Mỹ từng chia sẻ hợp đồng cho nhiều công ty khi phát triển máy bay F-14 Tomcat. Nhưng ngày nay, sự phức tạp của các nền tảng như Super Hornet khiến điều này không còn khả thi.
Để so sánh, Nga chủ yếu dựa vào các công ty quốc doanh như Sukhoi với Su-57, trong khi Trung Quốc dựa vào Chengdu Aerospace cho J-20.
Mô hình tập trung này khác với hệ thống Mỹ, nơi các công ty tư nhân như Boeing thống lĩnh thông qua kiểm soát sở hữu trí tuệ. Một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2023 cho thấy hợp đồng độc quyền có thể làm chi phí tăng tới 20% so với đấu thầu cạnh tranh, mặc dù chi tiết về chi phí của hợp đồng này không được tiết lộ.
Nhu cầu tác chiến và tác động địa chính trị
Quyết định của Hải quân Mỹ phản ánh nhu cầu khẩn cấp trong việc duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu. F/A-18 và EA-18G đã hoạt động với cường độ cao những năm gần đây, Super Hornet thực hiện nhiệm vụ tại Yemen, Growler hỗ trợ tập trận NATO ở biển Baltic. Các hoạt động này khiến nhiều bộ phận như radar hay hệ thống điều khiển bay bị hao mòn, cần sửa chữa nhanh chóng để tránh đình trệ.
Nếu trì hoãn hợp đồng để phê duyệt nhà cung cấp mới, nhiều máy bay có thể bị “nằm đất”, điều mà Hải quân Mỹ không chấp nhận, nhất là trong bối cảnh căng thẳng tại nhiều khu vực đang diễn ra toàn cầu.
Mặc dù đảm bảo độ tin cậy trong ngắn hạn, hợp đồng độc quyền có thể kìm hãm đổi mới về lâu dài. Các nhà thầu khác như Lockheed Martin hoặc Northrop Grumman có thể phát triển bộ phận thay thế nếu được truy cập dữ liệu kỹ thuật của Boeing.
Tuy nhiên, quyền sở hữu trí tuệ và quy trình phê duyệt khắt khe khiến điều này gần như bất khả thi. Hải quân cho phép các công ty nộp “Yêu cầu phê duyệt nguồn cung cấp” (Source Approval Requests), nhưng cảnh báo rằng quy trình này mất nhiều năm, không phù hợp với nhu cầu cấp bách hiện tại.
Hợp đồng cũng liên quan đến chiến lược rộng lớn hơn trong việc đối phó với Trung Quốc. F/A-18 và EA-18G đóng vai trò trung tâm trong chiến lược Hải quân Mỹ nhằm kiềm chế Hải quân Trung Quốc (PLA Navy).
PLA Navy đang vận hành các chiến đấu cơ như J-15B, có radar và vũ khí nâng cấp. Mặc dù Super Hornet có radar AN/APG-79 và Growler có hệ thống gây nhiễu mạnh, việc bảo trì liên tục là yếu tố then chốt để duy trì lợi thế.
Bên cạnh đó, Hải quânMỹ đang phát triển nền tảng mới F/A-XX để thay thế Super Hornet vào những năm 2030. Liệu Boeing có tiếp tục chiếm ưu thế trong chương trình này vẫn là dấu hỏi, khi Lockheed Martin, với kinh nghiệm F-35, đang cạnh tranh mạnh mẽ.
Chiến lược hiện tại của Hải quân Mỹ ưu tiên tính ổn định, nhưng có thể phải mở rộng cạnh tranh nếu muốn kiểm soát chi phí và thúc đẩy đổi mới.