Việt Nam lọt top 10 thị trường hàng không phát triển nhanh nhất châu Á
Với tốc độ tăng trưởng trên 8%/năm, số lượng hành khách đi đến, đi từ và trong nội bộ Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng thập kỷ tới, với hơn 75 triệu lượt khách/năm.
Báo cáo Triển vọng thị trường hàng không thương mại (CMO) tháng 4/2025 được Boeing công bố cho thấy Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu ở Châu Á Thái Bình Dương có các hãng hàng không tăng cường tải trọng (số ghế cung ứng) nhiều nhất kể từ năm 2010.
Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và không ngừng của ngành hàng không Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua.
Với tốc độ tăng trưởng trong hơn một thập kỷ qua, Boeing dự báo, lưu lượng hành khách của Việt Nam sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2025 - 2030 với tốc độ tăng dự kiến khoảng 8,1%/năm. Trong đó, lưu lượng hành khách nội địa được kỳ vọng tăng nhanh hơn so với quốc tế.

Với tốc độ này, số lượng hành khách đi đến, đi từ và trong nội bộ Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng thập kỷ tới, với hơn 75 triệu lượt khách/năm trong giai đoạn 2026 - 2035.
Điều này sẽ kéo theo sự gia tăng trưởng nhu cầu máy bay, nhu cầu nhân lực ngành hàng không như phi công, kỹ sư và nhân viên mặt đất và nhu cầu về quản lý không lưu…
Liên quan đến vấn đề quản lý không lưu, mới đây, Tập đoàn Boeing và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc nghiên cứu triển khai các sáng kiến chiến lược để nâng cao an toàn và hiệu quả của hệ thống quản lý không lưu của Việt Nam.
Biên bản Ghi nhớ hợp tác hướng tới mục tiêu nâng cao an toàn, năng lực và hiệu quả cho hệ thống quản lý không lưu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thị trường hàng không đang tăng trưởng mạnh mẽ và dự án trọng điểm là Cảng Hàng không quốc tế Long Thành dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm nay.
Ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VATM, cho biết: “Trong số các nội dung hợp tác giữa hai bên, tôi đánh giá cao việc ưu tiên triển khai gói công việc liên quan đến tổ chức vùng trời và thiết kế phương thức bay cho cụm sân bay Long Thành - Tân Sơn Nhất - Biên Hòa. Đây là dự án cấp quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển ngành hàng không khi mà thời điểm mục tiêu để đưa sân bay vào khai thác thực tế đã rất gần. Tôi tin rằng đội ngũ cán bộ hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để đạt được những mục tiêu về tiến độ cũng như chất lượng công việc”.
Ông Lê Hoàng Minh cũng chia sẻ kết quả ấn tượng của VATM trong 6 tháng đầu năm 2025 với hơn 460.000 chuyến bay được điều hành an toàn tuyệt đối, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy nhu cầu điều hành bay tiếp tục tăng cao.
Những con số tăng trưởng tại thị trường hàng không Việt Nam một mặt là cơ hội lớn cho ngành quản lý bay, cụ thể là cơ hội đối với VATM, mặt khác cũng đặt ra những thách thức đòi hỏi VATM không dừng lại ở việc duy trì năng lực khai thác hiện có, mà phải liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho các khách hàng của VATM - đồng thời là những khách hàng của Boeing.
Biên bản Ghi nhớ giữa VATM và Boeing tập trung vào bốn trụ cột hợp tác chiến lược, bao gồm:
- Quản lý vùng trời: Triển khai các sáng kiến tối ưu hóa khai thác vùng trời, đặc biệt tại khu vực có mật độ bay cao như TP. Hồ Chí Minh và Long Thành.
- Hệ thống thông tin toàn hệ thống (SWIM): Phát triển nền tảng tích hợp, cho phép truyền tải và khai thác dữ liệu theo thời gian thực giữa các đơn vị trong hệ sinh thái hàng không.
- Ứng dụng công nghệ thế hệ mới: Nghiên cứu và áp dụng các công nghệ tiên tiến theo các khuyến nghị và lộ trình nâng cấp của ICAO (ASBU) và khung công nghệ NextGen của FAA Hoa Kỳ.
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, điều hành bay và quản lý cấp cao nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống hàng không hiện đại.